Sau khi nghi ngờ bị nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy, 12 người đã đi khám và hiện đã có kết quả xét nghiệm thủy ngân trong máu của 11 người.
Chiều ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân đã có thông tin về việc về vụ cháy tại kho chứa hàng xảy ra ngày 28/8, tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông, trong đó có kết quả kiểm tra nhanh các hàm lượng kim loại nặng ngoài không khí.
Theo báo cáo này, các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường. Đặc biệt,các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy kiểm tra nhanh cũng vẫn ở trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân.
Trong khi đó, sau khi vụ cháy xảy ra nhiều người dân sống ở quanh khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn có biểu hiện mệt mỏi, tức ngực, choáng váng... đặc biệt là những người tiếp cận gần với đám cháy.
Thông tin từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, riêng trong sáng 30/8 đã có ít nhất 12 người đến khám và làm xét nghiệm máu. Tất cả những người này đều ở gần và có mặt tại vụ cháy xảy ra tối ngày 28/8. Trong đó có 10 phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường và 2 người dân.
Nhiều người lo lắng bị nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy nên đã chủ động đi khám.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, các bệnh nhân vào viện có chỉ số sinh tồn tốt, tuy nhiên đều có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, khó thở... do nghi ngờ bị nhiễm độc thủy ngân nên đã đến khám. Tại đây, tất cả đều được lấy máu và nước tiểu để làm xét nghiệm.
Sáng ngày 31/8, thông tin đến phóng viên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, tính đến tối ngày 30/8 đã có kết quả xét nghiệm máu của 11/12 bệnh nhân.
"Kết quả thủy ngân trong máu của 11 bệnh nhân bình thường, một bệnh nhân chưa có kết quả. Nhưng cần phải lấy đủ nước tiểu để làm xét nghiệm thêm cho chắc chắn. Vì xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm tương đối chuẩn”, bác sĩ Nguyên cho hay.
Cũng theo vị bác sĩ này, trong số 12 người đến khám có tới 10 phóng viên, tuy nhiên đây không phải là nhóm có nguy cơ cao vì không tham gia trực tiếp vào đám cháy, do vậy nguy cơ phóng viên hít phải khí có thủy ngân là thấp.
Bác sĩ Nguyên cũng cho rằng, nhóm người có nguy cơ cao là lực lượng cứu hỏa, công nhân hoặc người dân tham gia trực tiếp vào việc cứu hỏa. Với nhóm này, nếu thấy xuất hiện những biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, hoa mắt thì cần đến viện kiểm tra.
Nói về những hậu quả khi không may bị ngộ độc thủy ngân, bác sĩ Nguyên cảnh báo, thuỷ ngân có nhiều dạng, khi vào trong cơ thể sẽ gây những tổn thương chính với đường hô hấp, đường tiêu hoá, thận, hệ thần kinh, một số trường hợp cả với máu và da, tổn thương phổi, suy thận, suy não, rối loạn vận động, giảm thể lực,...
Có 2 giai đoạn ảnh hưởng nếu thủy ngân vào cơ thể, đầu tiên là biểu hiện ngộ độc cấp, mới xảy ra 1, 2 ngày, các bệnh viện sẽ cố gắng làm nhanh nhất có thể. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn mãn cấp, dẫn tới tổn thương về thần kinh.
Trước đó, vào khoảng 18h ngày 28/8, tại Công ty Cổ phần bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã xảy ra sự cố hỏa hoạn, ở bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên khu vực kho chứa hàng hóa và nhà xưởng, có tổng diện tích nhà kho, xưởng là khoảng 6.000m2.
Sau khoảng 21h30 cùng ngày, đám cháy về cơ bản được khống chế, đã ngăn chặn được cháy lan, sau đó lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khoanh vùng phun nước và các biện pháp nghiệp vụ không để bùng phát cháy trở lại.
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt.