Chắc bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện sa mạc lớn nhất thế giới, nơi khô cằn và nóng nực như thế lại có thể có tuyết rơi. Nhưng điều ấy đã thật sự xảy ra.
Mirror đưa tin, các nhiếp ảnh gia đã chụp lại được những bức ảnh vô cùng kinh ngạc khi tuyết rơi xuống sa mạc Sahara. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 40 năm, nơi nóng nhất thế giới xảy ra hiện tượng này. Lần gần đây nhất chính là vào tháng 12/2016.
Tuyết đã rơi dày tới gần 5cm tại thị trấn nhỏ Ain Sefra của vùng Bắc Phi sau một cơn bão mùa đông cuối tuần trước. Người dân địa phương đã vô cùng ngạc nhiên và choáng váng, khi sáng ra mở mắt thấy tuyết rơi trên những cồn cát đỏ au.
Tuyết rơi trắng trên sa mạc lớn nhất thế giới khiến tất cả mọi người không khỏi ngạc nhiên.
Nhiếp ảnh gia Karim Bouchetata nói: “Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi thức dậy và nhìn thấy tuyết ở đây. Tuyết bắt đầu có từ hôm chủ nhật 7/1 và tan chảy vào khoảng 5h chiều”.
Năm 2016, tuyết rơi vào dịp Giáng sinh cũng đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn nhiều. Trẻ em và người già thậm chí còn bị sốc nhiệt cùng với nhiều bệnh tật khác. Trước đó, lần cuối người dân ở Ain Sefra nhìn thấy tuyết là vào ngày 18/2/1979, khi cơn bão tuyết bất ngờ ập đến khoảng nửa giờ.
Tuyết rơi dày gần 5cm, có nơi tuyết bao phủ lên tới gần 40cm.
Phát ngôn viên của Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Met Office cho biết: “Đợt cuối tuần vừa rồi, do áp lực không khí lạnh tại Bắc bán cầu quá lớn nên nó đã bị đẩy xuống phía Nam nhiều hơn bình thường, gây ra hình thái thời tiết cực đoan khó lường”.
Thị trấn Ain Sefra nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển và được bao quanh bởi dãy núi Atlas. Nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông tại đây cũng chỉ hạ xuống mức 6-12 độ C. Do vậy, hiện tượng tuyết rơi là rất hiếm khi xảy ra.
Sa mạc Sahara bao trùm hầu hết Bắc Phi và các nhà khoa học đã ghi nhận sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm tại nơi đây. Dự đoán, sa mạc Sahara khô cằn nhất thế giới có thể sẽ được phủ xanh trong 15.000 năm nữa.
Một số hình ảnh thú vị khi tuyết rơi trên sa mạc Sahara cuối tuần qua: