Lợn được coi là nguồn truyền nhiễm bệnh quan trọng nhất, vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus VNNB trong vùng dịch rất cao và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn.
“Thời điểm thời tiết bắt đầu vào hè cũng là lúc bệnh viêm não 'vào mùa' vì thế các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý khi chăm sóc trẻ”, đó là ý kiến của Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn- Hà Nội). Theo đó, bệnh viêm não có thể xảy rất bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thời điểm ghi nhận nhiều số ca mắc nhất đó là khi thời tiết bắt đầu vào hè.
Theo BS Thường, đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, nhất là nhóm trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh thường nhầm lẫn với những căn bệnh cảm cúm thông thường, nên khi đưa đến cơ sở y tế, bệnh nhi đã ở giai đoạn biến chứng nặng.
Còn tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), Ths,BS Nguyễn Văn Lâm (Trưởng khoa Truyền Nhiễm) cho biết: “So với các năm trước bệnh viêm não Nhật Bản năm nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương chưa thấy có biến động và chưa có chiều hướng gia tăng ca mắc mới”.
Bệnh nhi đang điều trị bệnh viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương.
“Điều này là tín hiệu đáng mừng, có thể do hệ thống bệnh viện vệ tinh góp phần chữa trị những ca bệnh nhẹ từ tuyến dưới, hoặc cũng có thể đây là thành quả của việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng vắc xin, trong đó có vắc xin viêm não Nhật Bản”, BS Lâm phân tích.
Tuy nhiên, BS Lâm cũng khuyến cáo, do đây là căn bệnh nguy hiểm đặc biệt là với trẻ nhỏ nên mọi người cần hết sức cảnh giác. Bởi khi mắc bệnh viêm não Nhật Bản trẻ nhỏ thường bị tổn thương hệ thần kinh trung ương, sốt cao, nôn vọt…nặng hơn nữa là hôn mê, co giật gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo BS Lâm, bệnh viêm não chủ yếu lây qua muỗi đốt thông qua một vật chủ chung gian như chim, lợn… Vì thế, việc vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống, tránh bị muỗi đốt là biện pháp vô cùng quan trọng để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, động vật nhiễm virrus có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người. Theo đó, nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim, và một số loài bò sát.
Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của virus.
“Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì: Tỷ lệ lợn bị nhiễm virrus VNNB trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).
Sự xuất hiện virus VNNB trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm virus huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virus VNNB trong máu rất cao đủ để gây nhiễm cho muỗi để từ đó truyền bệnh cho người” PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin.
Theo PGS Phu, biện pháp phòng bệnh VNNB hiệu quả nhất đó chính là tiêm vắc xin. Theo đó, đối với trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình TCMR. Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản: Mũi 1: càng sớm càng tốt; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.