Bệnh nhân thoát nguy cơ đột tử nhờ thay van tim không cần phẫu thuật

Ngày 27/06/2017 14:00 PM (GMT+7)

Được điều trị bằng phương pháp thay van động mạch chủ qua da (TAVI) - một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại và phức tạp nhất thế giới, ông Ngự không còn những cơn đau ngực, khó thở và đặc biệt thoát khỏi nguy cơ đột tử do suy tim.

Tháng 4/2016, ông Nguyễn Văn Ngự (77 tuổi, đến từ Việt Trì, Phú Thọ) đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh về van tim song không điều trị. Cuối tháng 5/2017, ông bị tăng huyết áp, đau ngực, khó thở tăng lên khi gắng sức. Tái khám cho thấy bệnh van tim của ông đã tiến triển thành hẹp van động mạch chủ khít, suy tim. Nếu không phẫu thuật sẽ ngày càng khó thở, mức độ suy tim tiếp tục tăng lên, bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào.

Ông Ngự được một bệnh viện đầu ngành về tim mạch tại Hà Nội giới thiệu sang Bệnh viện Đa khoa quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City để điều trị triệt để. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sỹ quyết định áp dụng kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) - một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại và phức tạp nhất thế giới điều trị cho ông Ngự.

Bệnh nhân thoát nguy cơ đột tử nhờ thay van tim không cần phẫu thuật - 1

Tiếp theo BVĐKQT Vinmec Central Park (TP HCM), Vinmec Times City (Hà Nội) đã làm chủ kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI)

Giải thích về việc áp dụng TAVI đối với ông Ngự, BS Phạm Thành Văn (Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City) cho biết: “Bệnh nhân đã lớn tuổi, lại có thêm bệnh rối loạn thông khí tắc nghẽn. Nếu mổ mở sẽ phải gây mê và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, nguy cơ cao sẽ tử vong trong lúc mổ. Nhưng với kỹ thuật TAVI - cho phép luồn ống thông qua da từ động mạch đùi đến động mạch chủ để thay van tim - sẽ tăng khả năng thành công, giảm nguy cơ chảy máu, tránh được nhiều biến chứng. Thời gian phục hồi của người bệnh cũng nhanh hơn - chỉ từ 5 đến 7 ngày so với 2 tuần nếu mổ mở”.

Ca can thiệp TAVI đối với ông Ngự diễn ra ngày 10/6, kéo dài 2h, do êkip tim mạch can thiệp dày dạn kinh nghiệm của Trung tâm tim mạch Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City thực hiện. Chỉ 2 ngày sau, ông Ngự bắt đầu đi lại được, hết khó thở và đau ngực, ăn uống bình thường. Ông tiếp tục được theo dõi chặt chẽ tại khoa Nội tim mạch và ra viện sau 5 ngày.

Các bác sỹ đánh giá ca can thiệp bằng TAVI có thể duy trì tuổi thọ van tim của ông Ngư từ 15-20 năm (cao hơn nhiều so với mổ mở). Hơn nữa, do cơ thể chưa bị ảnh hưởng nặng của suy tim, lại được can thiệp kịp thời nên người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Bệnh nhân thoát nguy cơ đột tử nhờ thay van tim không cần phẫu thuật - 2

GS Bùi Đức Phú (ngoài cùng bên trái) – Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City tặng hoa cho ông Ngự trong ngày ra viện

Đây là ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City thay van tim thành công bằng kỹ thuật TAVI. Trước đó, vào giữa tháng 3/2017, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park đã tiến hành kỹ thuật TAVI và mang lại cuộc sống hoàn toàn mới cho 4 bệnh nhân. Tuy hiệu quả điều trị vượt trội nhưng tính đến nay Việt Nam mới chỉ có hơn 20 ca thay van tim được thực hiện theo phương pháp này do chi phí cao, đòi hỏi gắt gao về trang thiết bị hiện đại và ekip chuyên môn trình độ cao.

Việc làm chủ một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại và phức tạp của thế giới là bước tiến quan trọng của Hệ thống Y tế Vinmec trong việc chinh phục mục tiêu trở thành Trung tâm tim mạch hàng đầu khu vực. Ngoài các lĩnh vực ung thư, y học tái tạo, ghép tạng, tim mạch là một trong những chuyên khoa mũi nhọn được tập trung đầu tư và phát triển tại hệ thống các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên cả nước, giúp người dân yên tâm chữa trị trong nước thay vì phải ra nước ngoài. 

Thông tin tham khảo

Những bệnh nhân có bệnh lý van động mạch chủ (hẹp van động mạch chủ khít) có nguy cơ cao không thể phẫu thuật được là đối tượng có thể sử dụng kỹ thuật TAVI.

Do yêu cầu nghiêm ngặt về trang thiết bị hiện đại và êkip trình độ chuyên môn vượt trội, TAVI thường được chỉ định cho bệnh nhân tim mạch có nguy cơ tử vong cao. Hiện nay, do trình độ của bác sỹ ngày được nâng cao, trang thiết bị ngày càng tốt nên đối tượng có nguy cơ trung bình cũng được chỉ định khiến số bệnh nhân làm TAVI có xu hướng tăng cao trên toàn thế giới.

Nguồn: [Tên nguồn].