Người phụ nữ quê Phú Thọ mang thai ở tuổi 51 bằng quả trứng duy nhất còn sót lại

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/04/2024 09:20 AM (GMT+7)

Dù đã qua tuổi ngũ tuần, nhưng chị Ngân vẫn quyết định sẽ mang thai vì luôn khát khao được làm mẹ. Cuối cùng hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ này.

ThS.BS Nguyễn Thị Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) cho biết, vừa tiếp nhận và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công cho chị Trần Thị Kim Ngân (51 tuổi, quê Phú Thọ). Được biết, đây là một trong số bệnh nhân lớn tuổi nhất đến làm IVF tại trung tâm.

Chị Ngân cho biết, trước khi làm IVF chị đã lường trước được những nguy cơ, rủi do khi mang thai vì tuổi đã cao. Tuy nhiên, với khao khát được làm mẹ, chị sẵn sàng chấp nhận, chỉ mong được đón con yêu.

Tháng 6/2023, chị Ngân đến trung tâm thăm khám, với mong muốn thực hiện hỗ trợ sinh sản để có con. Kết quả thăm khám cho thấy chị bị suy buồng trứng, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0,3ng/ml, trong khi chỉ số này ở phụ nữ khoẻ mạnh bình thường nằm trong khoảng 2,0 - 6,8ng/ml.

Với khao khát làm mẹ, chị Ngân quyết định mang thai ở tuổi 51. Ảnh: BVCC.

Với khao khát làm mẹ, chị Ngân quyết định mang thai ở tuổi 51. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Mai là người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân nhận định, đây là một trường hợp khó khăn do bệnh nhân đã lớn tuổi. Ngay cả khi làm IVF thành công, quá trình mang thai cũng sẽ rất vất vả, vì thế các bác sĩ đã tư vấn rất kỹ càng.

Tuy nhiên, bệnh nhân mong muốn được có con, vì thế các bác sĩ đã đồng ý thực hiện và áp dụng phác đồ điều trị riêng. Người phụ nữ này được dùng thuốc tạo vòng kinh, do nội tiết và kinh nguyệt không đều vì đang ở giai đoạn chuẩn bị mãn kinh.

Bệnh nhân có tình trạng suy buồng trứng, trứng rất ít và chất lượng kém. Ở thời điểm chọc trứng, các bác sĩ chỉ lấy được 01 trứng duy nhất có chất lượng tốt sau đó mang đi thụ tinh và tạo được 01 phôi duy nhất”, bác sĩ Mai chia sẻ.

Các bác sĩ đã chuyển phôi duy nhất cho chị Ngân và thai đậu ngay lần đầu thực hiện. Sau 14 ngày, thai đã vào buồng an toàn và người phụ nữ này vẫn đều đặn đến tái khám, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình mang thai.

Bệnh nhân đã lớn tuổi nên việc tiếp cận với thuật ngữ chuyên môn gặp nhiều rào cản. Bác sĩ thường chủ động liên hệ thăm hỏi, theo dõi và hướng dẫn điều chỉnh thuốc cho bệnh nhân. Đổi lại, chị rất hợp tác và tuân thủ phác đồ điều trị”, bác sĩ Mai kể lại.

Cả bác sĩ và bệnh nhân đều vỡ òa hạnh phúc khi chuyển phôi thành công, thai đã vào tổ. Ảnh: BVCC.

Cả bác sĩ và bệnh nhân đều vỡ òa hạnh phúc khi chuyển phôi thành công, thai đã vào tổ. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Mai, việc mang thai khi đã lớn tuổi có thể khiến thai phụ đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Song các bác sĩ tại trung tâm khẳng định sẽ cùng đồng hành với thai phụ trong suốt thai kỳ, để bệnh nhân có thai kỳ an toàn, khoẻ mạnh.

Mang thai khi tuổi đã cao và những nguy cơ dễ gặp phải

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc mang thai khi tuổi đã cao, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh khiến phụ nữ đối mặt với nhiều nguy cơ. Do vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo phụ nữ nên sinh đẻ trước 35 tuổi để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Dưới đây là một số nguy cơ có thể xảy ra với người mang thai ngoài 40 tuổi:

- Sảy thai: Phụ nữ mang thai và sinh con ở độ tuổi mãn kinh có thể gặp nhiều rủi ro chửa trứng và sảy thai. Theo một nghiên cứu từ Hiệp hội Thai sản Mỹ, nguy cơ sảy thai ở phụ nữ từ 35 tuổi lên đến 35% và với phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh là 50%.

- Loãng xương: Phụ nữ mang thai khi mãn kinh thường có tỷ lệ mắc bệnh loãng xương cao. Lý do là sự sụt giảm nội tiết tố estrogen trong độ tuổi mãn kinh cũng bắt đầu một giai đoạn mất xương nhanh hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương.

Bên cạnh đó, canxi trong cơ thể còn cần phải chia sẻ cho thai nhi trong bụng. Thai nhi càng lớn thì lượng canxi tiêu hao càng nhiều. Khi hệ xương đã bị lão hóa như loãng xương, khung xương chậu không còn sự giãn nở như người trẻ nên trong quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng.

- Sinh non: Các nghiên cứu cho thấy mang thai vào thời kỳ mãn kinh rất dễ dẫn đến sinh non do sức khỏe của mẹ ở độ tuổi này không đảm bảo, kèm theo các bệnh về thận, tim, xương khớp, huyết áp, đái tháo đường...

- Trẻ sinh ra dễ bị dị tật: Các em bé chào đời từ những người mẹ lớn tuổi có nguy cơ bị một số dị tật bẩm sinh cao hơn như hội chứng Down, dị tật tim, phổi, cơ xương, thai chậm phát triển...

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Nữ tiến sĩ kết hôn ở tuổi 38 nhưng hành động sau khi cưới khiến cô chẳng thế có con
Dù 38 tuổi mới kết hôn, người phụ nữ vẫn có quyết định bất ngờ là tiếp tục lo cho sự nghiệp thay vì tập trung vào gia đình, để rồi phải nhận cái kết...

Vô sinh nữ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm