Thấy con có biểu hiện này, bố hỏi có nên đưa đi khám thần kinh, bác sĩ đáp thẳng: "Người cần đi khám là bố mẹ!"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/04/2024 14:00 PM (GMT+7)

Khi thấy sự thay đổi của con như học hành chểnh mảng, hay cãi bố mẹ, tự nhốt mình... người mẹ vô cùng lo lắng và không biết có nên cho con đi khám thần kinh? Thạc sĩ, bác sĩ trị liệu tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý học và Truyền thông - thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam) sẽ chia sẻ về vấn đề này.

Ánh Tâm (Hà Nội) (hoanganhtam***@gmail.com)

Chào bác sĩ,

Con tôi học lớp 9, đang sống cùng bố mẹ ở Hà Nội. Trong vòng một năm qua, tôi thấy cháu thay đổi nhiều quá, nên rất lo lắng. Từ năm học lớp 1 đến năm học lớp 8, cháu luôn là học sinh giỏi trở lên.

Vậy mà chỉ trong 1 năm, từ một cậu bé ngoan, con tôi đã trở thành một đứa trẻ hư khi cãi lời bố mẹ, trốn học đi chơi, học hành chểnh mảng... Thậm chí, khi bị trách phạt, con còn tự nhốt mình trong phòng, có lần còn đạp xe bỏ nhà đi, khiến gia đình phải đi tìm.

Thực sự khi trách mắng con thì vợ chồng tôi cũng chỉ muốn tốt cho con, muốn định hướng cho con học để có tương lai rộng mở sau này. Giờ đây, con như vậy khiến tôi vô cùng lo lắng, không biết con có vấn đề gì về thần kinh không và có nên cho cháu đi khám không thưa bác sĩ. 

Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ.

img alt src/upload/2-2024/images/2024-04-15/day-thi-1713170830-252-width600height396.jpg stylewidth: 600px; height: 396px; /
Ths.BS Nguyễn Hồng Bách

Tôi nghĩ, không phải con bạn mà chính bạn mới là người có vấn đề nên đi khám. Theo tôi thấy, những biểu hiện của trẻ là phản ứng tâm lý hoàn toàn bình thường theo lứa tuổi, trong khi chính bố mẹ lại lo lắng tới mức nghĩ con có vấn đề thần kinh.

Hiện con bạn đang ở lứa tuổi có nhiều biến động nhất trong sự phát triển của trẻ. Những diễn biến phát triển tâm lý ở giai đoạn này khá phức tạp, bị ảnh hưởng và chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan để chuẩn bị cho quá trình dậy thì và trưởng thành sau đó. Vì thế, nếu bố mẹ không tâm lý, không có sự cảm thông và chia sẻ mà cứ áp đặt ý muốn của mình với trẻ thì sẽ không thể hiểu được con cần gì.

Có một điều không thể phủ nhận là ở giai đoạn này, trẻ có những thay đổi rõ rệt về hình thức (lớn rất nhanh), cũng như tâm sinh lý. Thậm chí ý thức bản thân của trẻ cũng có nhiều chuyển biến mới, từ đó giúp trẻ nhận thức, đánh giá mình thích gì, muốn gì và cần làm gì. Khi đó, trẻ sẽ dựa vào những tiêu chuẩn đánh giá của mọi người để xem xét hành vi và hoạt động của mình có phù hợp với chuẩn mực của gia đình và xã hội hay không.

Ở giai đoạn này trẻ cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Chính vì thế, đôi khi chỉ một lời khen nhỏ cho thành công nhỏ cũng sẽ khiến trẻ trở nên tự cao, tự mãn và đánh giá cao bản thân. Ngược lại, những thất bại nhỏ khi bị chê trách cũng có thể khiến các em rụt rè, tự ti.

Thấy con có biểu hiện này, bố hỏi có nên đưa đi khám thần kinh, bác sĩ đáp thẳng: amp;#34;Người cần đi khám là bố mẹ!amp;#34; - 2

Ở giai đoạn dậy thì trẻ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên bố mẹ cần làm bạn với trẻ. Ảnh minh họa. 

Tóm lại theo tâm lý học, đây là giai đoạn hình thành tính cách và nhân cách. Mọi yếu tố đều có thể xáo trộn tâm sinh lí của trẻ, bởi đây là tuổi các con thích thể hiện, nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ, thích được mọi người tôn trọng...

Nói theo cách khác, các con ở tuổi này đòi hỏi sự tôn trọng của các cá thể khác dành cho mình, khi không được đáp ứng, các con sẽ nổi loạn để đạt được một điều là: "Cố gắng cho mọi người nhìn thấy mình đã lớn rồi và muốn sống là chính mình chứ không sống cho người khác. Kể cả là bố mẹ".

Vì thế, nếu bố mẹ hiểu con trong giai đoạn này, chia sẻ với con theo thể thức “ngang hàng”, hạ mình xuống với với lứa tuổi của con để nói chuyện thì con sẽ có cảm giác được tôn trọng và có trách nhiệm với bản thân cũng như gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các cha mẹ không làm được việc này.

Thay vì hiểu và chia sẻ cùng con, bố mẹ luôn thiếu niềm tin ở con mình, luôn có cảm giác con còn bé bỏng phải nâng đỡ hay dạy dỗ. Kết quả cuối cùng là làm cho trẻ sống dưới cái bóng của bố mẹ, không có bản sắc riêng và không còn cảm giác về những quyết định của bản thân.

Các bố mẹ hãy chấp nhận sự nổi loạn của con, chấp nhận cái sai của con trong giới hạn cho phép. Đặc biệt, đừng bao giờ cho rằng, những biểu hiện đó của con là thần kinh hay hư đốn. Thay vào đó, hãy chú tâm quan sát con, hãy hồi tưởng lại chính mình khi ở lứa tuổi đó rồi sẽ tự nhận ra bản thân cần điều chỉnh như thế nào?

Và nếu những điều chỉnh của cha, mẹ với con trong lứa tuổi trên không kịp thời và xác đáng thì hệ lụy sẽ khôn lường. Trẻ sẽ trượt dài theo những hướng tiêu cực khác nhau và thực tế có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra với các con ở lứa tuổi này.

Tốt hơn hết, bố mẹ hãy:

- Tin tưởng các con;

- Tôn trọng các con;

- Tìm cách làm bạn với các con theo tư duy tâm lý lứa tuổi. Đặc biệt, phải lắng nghe các con, vì chỉ lắng nghe mới nhìn vào được mắt các con và biết con biết gì. Còn nếu áp đặt thì sẽ chỉ làm hại trẻ mà thôi.

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Trẻ tuổi nào dễ nổi loạn nhất? Bố mẹ nên làm bạn với con hay phải đứng vai bề trên để dạy dỗ?
Ở mỗi lứa tuổi trẻ sẽ có sự thay đổi về tư duy và nhận thức khác nhau, vì thế phụ huynh cũng cần thay đổi và làm bạn với con theo từng độ tuổi. Vậy...

Tâm sinh lý tuổi teen

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mental Health