Ở mỗi giai đoạn trưởng thành của con, mẹ phải đối mặt với những vấn đề, rắc rối khác nhau. Mẹ không những là người đồng hành mà còn là bác sĩ riêng của bé. Mẹ đã thuộc làu những kiến thức quan trọng này khi chăm sóc bé yêu chưa?
Các bước hạ sốt cho bé
Khi phát hiện bé yêu bị sốt, việc đầu tiên các mẹ cần làm là thật bình tĩnh xác định rõ nguyên nhân có phải bé sốt do nhiễm khuẩn hay do các nguyên nhân khác ảnh hưởng như sốt mọc răng, bị ủ ấm quá mức, sau chích ngừa,… Kế đến, các mẹ cần ghi nhớ những bước hạ sốt sau đây để chăm sóc bé:
Dùng nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ bé thường xuyên: thân nhiệt trẻ thường không ổn định và có sự dao động nhẹ nên cần dùng nhiệt kế để xác định chính xác nhiệt độ của trẻ sau mỗi 4 giờ. Có nhiều loại nhiệt kế khác nhau như: nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử, nhiệt kế bấm đo ở tai hay nhiệt kế dán ở trán, các mẹ lựa chọn loại phù hợp để theo dõi nhiệt độ bé.
Thay quần áo mỏng, nằm nơi thoáng mát: Không nên ủ ấm khi bé sốt vì sẽ làm thân nhiệt bé càng tăng, có thể dẫn đến co giật. Chỉ nên cho bé mặc áo lót mỏng để cơ thể dễ tỏa nhiệt đồng thời giảm nhiệt độ phòng và cho bé nằm nơi thoáng mát.
Lau mát đúng cách: nên dùng nước ấm từ 29-32 độ C. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn (vì rượu, cồn có thể thấm qua da gây ngộ độc cho bé).
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng: Do trên thị trường có nhiều loại thuốc với nhiều thành phần khác nhau nên các mẹ cần cẩn trọng khi lựa chọn và cho bé uống thuốc hạ sốt. Hiện nay, các loại thuốc chứa Paracetamol được các bác sĩ tin dùng nhất do ít tác dụng phụ và an toàn nhất; Nên cân nhắc khi sử dụng thuốc chứa Aspirin và Ibuprofen vì có nhiều tác dụng phụ (thuốc có Aspinrin có khả năng tổn thương não (có liên quan đến hội chứng Reye) và thuốc chứa Ibuprofen có thể gây ra các phản ứng khó chịu ở đường tiêu hóa của bé.
Các mẹ nên cẩn trọng khi lựa chọn thuốc hạ sốt cho bé (hình minh họa)
“Bác sĩ mẹ” cần lưu ý:
- Khi cho bé uống thuốc, mẹ không nên dùng đòn roi hoặc dọa nạt ép bé uống thuốc, nên bắt đầu việc uống thuốc như một “trò chơi”.
- Không tự tiện cho thuốc vào thức ăn, thức uống của bé mà nên thưởng cho bé bằng một món ăn mà bé thích sau khi uống thuốc.
- Đừng bao giờ nói với bé thuốc rất ngọt vì sẽ khiến bé tò mò, tự tìm uống.
- Không nên làm cho bé có cảm giác sợ hãi khi uống thuốc và nên khen ngợi khi bé tiến bộ trong bất cứ việc gì để tạo động lực cho bé, kể cả việc uống thuốc.
Tiếp sức cho con qua cơn sốt
Lúc bé ốm cũng là lúc bé cần sự chăm sóc của mẹ hơn bất cứ khi nào, do đó mẹ cần biết cách để “tiếp sức” cho bé. Để trở thành bác sĩ giỏi cho bé, mẹ nên nhớ:
- Sốt sẽ khiến cho bé mất nhiều nước qua da và hơi thở, do đó, mẹ nên bù nước cho bé bằng cách cho bé uống nhiều nước có chứa khoáng chất và vitamin như trái cây, súp. Không nên dùng nước có caffeine hay nước có gas.
- Khi bị ốm, bé thường khó ăn uống nên mẹ cần lưu ý giữ chế độ dinh dưỡng cho bé như thường ngày để đảm bảo sức khỏe. Không nên cho bé ăn kiêng khi không có lời dặn của bác sĩ vì sẽ làm bé sút cân, suy dinh dưỡng.
- Nếu bé ăn ít, có thể chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày, nên có canh để bé dễ ăn. Mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm một cữ nếu bé sốt, thức khuya bị đói.
- Có thể cho bé ăn các món bé thích, ăn thêm các món phụ như bánh flan, yaourt.
Nên giữ chế độ dinh dưỡng cho bé như thường ngày để tránh sụt cân, suy dinh dưỡng (hình minh họa)
Mẹ là người chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con, lại vừa phải biết cách xử lý mỗi khi con đau ốm. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ khi quyết định mang thai nhưng không ít mẹ vẫn lúng túng mỗi khi con yêu trở bệnh hay sốt cao. Vì vậy, các mẹ cần chú ý ghi nhớ những kiến thức quan trọng trên đây để chăm sóc bé yêu đúng cách và trở thành bác sĩ riêng giỏi nhất của con.
Nhiều phụ huynh thường truy cập fanpage Trung tâm hạ sốt bé để cập nhật những kiến thức về sốt và hạ sốt cho bé, cũng như các thông tin khác về chăm sóc trẻ.