Một nữ họa sĩ trẻ mắc COVID-19, được đưa vào Bệnh viện Phương Thương (Vũ Hán). Sau khi trải qua căn bệnh này, cô muốn nói một câu với mọi người: Hãy ngừng thức khuya!
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một video truyện tranh ghi lại thói quen hàng ngày của nhân viên y tế tại Bệnh viện Phương Thương thuộc Trung tâm thể thao Vũ Hán. Tác giả của những hình vẽ đáng yêu này là một cô gái tên Lê Tịnh, thuộc thế hệ 8X - một bệnh nhân mắc COVID-19.
Bức tranh do Lê Tịnh vẽ khi trong bệnh viện
Vào ngày 17/2, Lê Tịnh bắt đầu vẽ tranh về nhân viên y tế, các công việc hàng ngày của họ, sau đó cô đã chỉnh sửa thành một video nhỏ. Từ tư vấn, giao bữa ăn, khử trùng, tập thể dục, đến xét nghiệm axit nucleic, kiểm tra CT… tất cả cuộc sống hàng ngày trong Bệnh viện Phương Thương đã được cô họa sĩ ghi lại từng chút một. Vào ngày 25/2, Lê Tịnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện, cô được nhân viên y tế của Đội y tế An Huy đưa đến khu cách ly 14 ngày để theo dõi thêm.
Nhân viên y tế dạy bệnh nhân tập thể dục.
Nhân viên vệ sinh đang phun thuốc khử trùng.
Theo Lê Tịnh chia sẻ cô bị sốt từ đầu tháng 2 và khi xét nghiệm axit nucleic đã cho kết quả là dương tính. Ngày 12/2, sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, cô được đưa vào Bệnh viện Phương Thương. Sau khi vào bệnh viện chữa trị, các triệu chứng sốt của cô dần biến mất và sức khỏe của cô được cải thiện. Cô nghĩ rằng bản thân bị mắc COVID-19 ngoài việc có thể lây lan từ người khác thì còn có thể liên quan đến cuộc sống không có quy luật của bản thân dẫn tới sức đề kháng yếu kém.
Lê Tịnh cho rằng những thói quen xấu hàng ngày dẫn đến giảm sức để kháng khiến cô dễ mắc bệnh hơn.
Lê Tịnh nói: “Trước khi bị bệnh tôi thường xuyên thức khuya, ngày nào thức khuya tôi cũng ngủ đến trưa ngày hôm sau mới thức giấc, bữa trưa kết hợp luôn bữa sáng, tôi cũng không tập thể dục, khiến sức đề kháng bị suy giảm, mới dễ bị virus xâm nhập”. Ở trong bệnh viện, Lê Tịnh trải qua cuộc sống rất khoa học, cơ thể nhanh chóng được hồi phục, thậm chí còn tăng được 2kg. Cô chia sẻ sau khi bị bệnh đã nhận ra được tầm quan trọng của cuộc sống lành mạnh.
Lê Tịnh chia sẻ cuộc sống trong bệnh viện: “Tôi đi ngủ trước 11 giờ, 7 giờ sáng thức giấc đã phát hiện có bữa sáng được đặt ở trên bàn, ngày ăn 3 bữa đúng giờ”.
Bác sĩ Vương Kiến Minh.
Bác sĩ Vương Kiến Minh, người điều trị cho Lê Tịnh chia sẻ: “Phần phổi của cô ấy không có tổn thương, có một số triệu chứng về hô hấp, sốt. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus, và một số loại thuốc khác. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là cơ thể cần được nghỉ ngơi, điều hòa tâm trạng tốt, ngủ đủ giấc, tăng cường dinh dưỡng, sức đề kháng được cải thiện, bệnh tình mới có thể nhanh chóng được đẩy lùi”.
Sau khi hồi phục, Lê Tịnh gửi lời nhắn nhủ tới mọi người, đặc biệt là giới trẻ - những người có lối sống thiếu lành mạnh như cô: “Tôi muốn nói với những bạn trẻ rằng thức khuya thực sự có thể khiến sức đề kháng bị suy giảm. Chúng ta từ bây giờ hãy nuôi dưỡng thói quen tốt, ngủ sớm thức dậy sớm, vận động nhiều. Sau khi bệnh tình qua đi, chúng ta vẫn nhất định phải nuôi dưỡng những thói quen tốt. Chúng ta hãy cùng cố gắng!”
Tác hại của việc thức khuya?
Tác hại lớn nhất của việc thức khuya chính là làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Ngủ không đủ giấc sẽ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, không có đủ năng lượng để làm việc. Không những thế, khoảng thời gian từ 12 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi để tiết ra những hormone cần thiết, giúp duy trì hệ miễn dịch cho cơ thể.
Nếu như tình trạng thức khuya kéo dài thường xuyên, đặc biệt là thức thâu đêm sẽ làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone. Vì vậy mà những người hay thức khuya thường có hệ miễn dịch kém, thường xuyên bị ốm, cảm cúm, virus dễ xâm nhập vào cơ thể hơn so với những người có thói quen ngủ đủ giấc.
Ngoài ra, thức khuya còn có những tác hại sau:
- Rối loạn nội tiết tố, mọc mụn trứng cá, da sần sùi và xuất hiện quầng thâm mắt.
- Suy giảm sự chú ý, giảm trí nhớ, hay quên, giảm khả năng học hỏi.
- Đau đầu, mất ngủ, dễ bị trầm cảm, mắc các bệnh như cảm lạnh, loét miệng,…