Khi lực lượng chức năng ra quân mạnh thì người bán rút hàng đi, sau đó lại bung ra buôn bán công khai. Ban quản lý chợ vẫn "vô tư", không chịu trách nhiệm gì...
Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác QLTT sáu tháng đầu năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018.
Quy trách nhiệm cho ban quản lý chợ
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP.HCM, tình trạng hàng giả, hàng lậu, không xuất xứ, nguồn gốc vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được đẩy lùi. Hàng nhập lậu chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, giá rẻ, được vận chuyển qua đường bộ các tuyến biên giới miền Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ rồi vận chuyển tiếp bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ vào TP tiêu thụ.
Đặc biệt ngoài hàng nhập lậu thì nổi cộm là hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp vẫn tăng. Cụ thể, thời gian qua các đội QLTT ra quân kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh phát hiện, tạm giữ hơn 67.000 sản phẩm đồng hồ, mắt kính, túi xách… giả mạo các thương hiệu Nike, Chanel, Gucci, Omega, Rolex…
“Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết là tái phạm nhiều lần, dù đã bị xử lý và ký cam kết không buôn bán hàng giả mạo thương hiệu. Nhưng vì đây là nguồn thu nhập chính nên các hộ kinh doanh gặp khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, do lợi nhuận cao và hình thức xử phạt còn nhẹ nên hàng giả vẫn còn bày bán công khai” - ông Bách nói.
QLTT TP.HCM cũng cho hay tình trạng hàng lậu, hàng giả vẫn tồn tại ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thì trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị này chưa quyết tâm trong quản lý, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Vì vậy mà tại những địa điểm trên các đối tượng bày bán công khai hàng hóa vi phạm nhưng không bị nhắc nhở, xử lý.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng đồng tình với trách nhiệm của người đứng đầu ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.
Theo ông Kiên, tình trạng hàng giả các nhãn hiệu bày bán ở chợ truyền thống cần phải giải quyết triệt để. Gần đây Cục QLTT đã phối hợp với chi cục tổ chức các đợt kiểm tra ở các chợ truyền thống.
Đơn cử như vụ phát hiện lượng lớn hàng giả các thương hiệu nổi tiếng ở chợ Bến Thành. Qua đó, cho thấy trách nhiệm ban quản lý các chợ, chứ ban quản lý không thể vô can. Khi QLTT ra quân mạnh người bán rút đi, sau đó bung ra buôn bán lại, cách làm như vậy là không ổn.
“Tôi nghĩ sắp tới sẽ có phối hợp giữa QLTT với UBND quận/huyện, chợ để nâng cao, xác định trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu của các đơn vị” - ông Kiên đề nghị.
QLTT TP.HCM đang kiểm tra vụ buôn bán hàng giả các thương hiệu ở chợ Bến Thành.
Khó xử lý hàng nhái, hàng giả trên mạng
Chi cục QLTT TP.HCM cho biết đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Cụ thể, hàng hóa được cất giấu tại các kho hàng, được quảng cáo và giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website.
Hàng hóa được đặt mua từ các website nước ngoài, sau đó sẽ xách tay hoặc vận chuyển bằng đường hàng không, hàng hải… về Việt Nam. Khi kinh doanh đối tượng trà trộn với hàng nhập khẩu có đầy đủ chứng từ theo quy định. Vì vậy, QLTT rất khó phát hiện, kiểm tra, xử lý.
Riêng việc kiểm soát các trang mạng điện tử, phần lớn hiện nay QLTT chỉ mới xử lý các trường hợp thiết lập websie thương mại điện tử, bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. QLTT chưa khai thác thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi cất giấu và chứa trữ, cũng như đầu mối cung cấp hàng hóa cho các đối tượng kinh doanh.
Ông Kiên thống nhất với phương hướng cuối năm và đề nghị thời gian tới đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hàng gian, hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm… để nâng cao nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện. Dù thời gian qua, QLTT đã thực hiện tốt công tác này khi tổ chức các hội thảo, triển lãm hàng giả, hàng thật giúp người tiêu dùng phân biệt nhưng vẫn chưa triệt để.
“Vai trò của QLTT TP.HCM rất lớn, nếu kiểm soát tốt thị trường giúp kích thích được sản xuất, kích thích tiêu dùng cạnh tranh lành mạnh trong nước. Doanh nghiệp Việt mới có điều kiện phát triển, làm ăn hiệu quả” - ông Kiên nói.
Tiêu hủy hơn 40 tỉ đồng hàng giả, hàng cấm Trong sáu tháng đầu năm, kiểm tra chuyên ngành, QLTT phát hiện 2.260 vụ vi phạm, giảm 20,54% so với cùng kỳ năm trước. Các vụ vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng cấm, buôn bán, chứa trữ hàng nhập lậu… QLTT đã xử phạt 2.211 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 63,6 tỉ đồng tiền phạt, tiền bán hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp. Trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 40,8 tỉ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỉ đồng. Đáng chú ý QLTT đã chuyển cơ quan CSĐT 7 vụ gồm năm vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu, một vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả và một vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa tang vật khoảng 1,5 tỉ đồng. Trong đó có một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu đã có quyết định khởi tố hình sự do Cơ quan CSĐT Công an quận 10 ban hành. |