Việc thực hiện “cái ôm đầu tiên” với trẻ sơ sinh không chỉ phòng chống được nhiều bệnh tật, giảm thiểu tử vong mà còn giúp mẹ và bé gắn kết tình cảm yêu thương.
Đó là nhận định của bác sĩ Đoàn Thị Phương Lan (Khoa Đẻ - Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khi chia sẻ về những lợi ích của “cái ôm đầu tiên” của mẹ khi trẻ mới sinh ra.
Theo BS Phương Lan, trước đây nhiều người cho rằng, thiệc thực hiện “cái ôm đầu tiên” ở trẻ sơ sinh là không nên vì những nguy cơ lây bệnh. Bởi, em bé mới sinh ra rất bẩn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thông thường, khi em bé nằm trong bụng mẹ với khối lượng nước ối vừa đủ, nước ối này giúp nuôi dưỡng em bé và hoàn toàn được vô khuẩn, nên không có chuyện mất vệ sinh.
Đến khi ra đời, em bé sẽ được lau khô sạch sẽ trước khi được cho tiếp xúc da kề da với người mẹ, nên quan niêm thực hiện “cái ôm đầu tiên” mất vệ sinh là hoàn toàn sai lầm.
Nói về lợi ích của việc thực hiện “cái ôm đầu tiên” giữa trẻ sơ sinh và mẹ, BS Lan cho biết, phương pháp này khi thực hiện sẽ có nhiều lợi ích rất lớn. Đó là khi tiếp xúc như vậy trẻ sẽ được ủ ấm ngay sau khi chào đời. Ngoài ra, còn làm tăng tình cảm giữa mẹ và bé. Điều này làm kích thích trẻ bú sớm cũng như thúc đẩy sữa người mẹ về nhanh sau sinh.
Thực hiện cái ôm đầu tiên không chỉ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, mà còn tăng tình cảm giữa mẹ và bé.
“Chúng ta cần phải biết, khi trong bụng mẹ em bé đang ổn định về mặt thân nhiệt. Khi sinh ra, em bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài, việc thay đôi môi trường khiến bé bị hạ thân nhiệt, bởi vậy việc tiếp xúc da kề da với người mẹ ngay khi chào đời sẽ khiến trẻ tăng thân nhiệt cơ thế, bảo vệ trẻ không bị lạnh.
Ngoài ra, còn tránh được các bệnh lý về suy hô hấp, toan hóa máu, cũng như những bệnh lý về đường hô hấp của em bé”, BS Lan chia sẻ.
Theo BS Lan, phương pháp này được thực hiện đối với tất cả các bà mẹ, kể cả với các sản phụ sinh mổ. “Trong trường hợp sản phụ sinh mổ, nếu người mẹ và em bé hoàn toàn khỏe mạnh thì việc cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ là rất cần thiết”, BS Lan nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Lê Thiện Thái –PGĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hàng năm, trên thế giới có khoảng 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác chăm sóc thiết yếu cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức.
Với vai trò là bệnh viện tuyến đầu về sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 1 trong 3 trung tâm được lựa chọn để triển khai các biện pháp chăm sóc thiết yếu ngay từ những ngày đầu cho trẻ sơ sinh. Các biện pháp này cần được thực hiện ngay tại nơi các cháu bé sinh ra với sự giúp đỡ của nhân viên y tế, nhưng vai trò của các bà mẹ là hết sức cần thiết.
Theo TS Thái, "Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé" cần được thực hiện trên mọi trẻ, trong mọi trường hợp để tạo sự gắn kết tình mẫu tử và chăm lo cho trẻ ngay từ giây phút cất tiếng khóc chào đời".
Theo nhận định của các chuyên gia, phương pháp chăm sóc thiết yếu sau sinh da kề da được đánh giá là an toàn cho cả mẹ và bé. Việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé trong vòng 1 giờ đầu sau sinh giúp trẻ phát triển tốt về tâm lý và thể chất ngay những giây phút đầu tiên từ khi chào đời. Quy trình chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh da kề da là hoạt động có ý nghĩa trong việc cải thiện tình trạng tử vong mẹ, trẻ sơ sinh.