Trong năm 2014 cả nước có 1.240.384 trẻ được sinh ra, trong đó có 656.673 là trẻ trai. Như vậy, tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2014 của Việt Nam là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Gần đây, vấn đề dân số cũng như những chính sách để phát triển dân số trong thời gian tới đang được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Để nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng Cục trưởng, phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Thưa ông, trong năm 2014 số trẻ sinh ra trong phạm vi cả nước là bao nhiêu trẻ? Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là bao nhiêu bé trai/bé gái?
- Theo Báo cáo Thống kê chuyên ngành của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, năm 2014 cả nước có 1.240.384 trẻ được sinh ra, trong đó có 656.673 là trẻ trai. Như vậy, tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2014 của Việt Nam là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang rất nghiêm trọng.
- Tỷ lệ chênh lệch giới tính như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến cán cân dân số và sự phát triển kinh tế xã hội nước ta?
Tất nhiên là có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số nước ta và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Đến năm 2050, số lượng đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành không có khả năng kết hôn tích lũy lại sẽ là 2,3-4,3 triệu người.
Mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội. (Ảnh minh họa)
Xã hội sẽ như thế nào nếu có hàng triệu đàn ông không có vợ? Điều đó sẽ dẫn đến việc tan vỡ cấu trúc gia đình Việt, làm xói mòn những nền tảng giá trị đạo đức. Kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng. Mặc dù không thể kết hôn nhưng họ vẫn có nhu cầu tình dục và sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia…
An ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa. Đối với những ngành nghề vốn được xem là thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc… cũng trở lên thiếu vắng nữ lao động.
Nhìn sang Trung Quốc, Ấn Độ - nơi đang thiếu hụt hàng chục triệu phụ nữ sẽ thấy rõ điều đó. Mới đây, lời khuyên của một vị giáo sư đã gây “bão” cộng đồng mạng Trung Quốc là nam giới nên kết hôn với nam giới hay phụ nữ lên lấy 2-3 chồng! Và sự thực thì Trung Quốc cũng chưa biết giải bài toán nhức nhối này như thế nào.
Điều đó cho thấy rằng những vấn đề dân số có tác động, hệ lụy lâu dài và có khi từ đời này sang đời khác. Nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ, con cháu chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề trong khi họ lại không phải là người gây ra.
Vậy, trong những năm tới, ngành dân số có những chính sách cụ thể như thế nào để ổn định tình hình dân số, đặc biệt là duy trì được cơ cấu “dân số vàng”?
- Để trả lời câu hỏi này, trong phạm vi một bài báo, khó có thể nói hết được. Xin được tóm lược trong mấy ý sau. Trước nhất, chúng ta cần xem là có những vấn đề mới nổi, những thách thức nào đối với dân số Việt Nam hiện nay.
Một là nhóm vấn đề về mức sinh và quy mô dân số: Phải khẳng định rằng quy mô dân số nước ta lớn, mật độ dân số đông và mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng, miền, tỉnh thành mặc dù chúng ta đã đạt và duy trì mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ 15-49 có 2,1 con) trong khoảng thập kỷ nay.
Hai là nhóm vấn đề về cơ cấu dân số: Chúng ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng như vừa đề cập đến ở trên. Chúng ta lại đang ở giai đoạn “già hóa dân số” đồng thời cũng ở vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn rất nhiều hạn chế và xã hội chưa kịp thích ứng với vấn đề “già hóa dân số”.
Ba là nhóm vấn đề về chất lượng dân số: Chất lượng dân số chúng ta có nhiều hạn chế, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tỷ lệ khuyết tật, dị tật bẩm sinh… còn cao.
Bốn là nhóm vấn đề về di cư, phân bổ dân cư, quản lý dân cư, lồng ghép dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi nhóm vấn đề như vậy lại có nhóm giải pháp khác nhau.
Đối với vấn đề tận dụng cơ cấu “dân số vàng”, có nhiều giải pháp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, việc làm, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng quản lý, sức bền...
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ:
"Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang rất nghiêm trọng"
Đối với ngành dân số, chúng tôi tập trung vào việc duy trì mức sinh hợp lý nhằm duy trì thời gian cơ cấu “dân số vàng” hợp lý, giảm tốc độ “già hóa dân số”.
Đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số như giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn, chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tăng cường cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ trong đó tập trung đến vị thành niên/thanh niên, người di cư, công nhân khu công nghiệp, dân cư vùng biên giới, ven biển, đảo… nhằm từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, chất lượng dân số Việt Nam.
Cũng xin được lưu ý rằng, chúng ta cũng cần có chiến lược và chính sách phát huy ý thức, trau dồi kiến thức, kỹ năng, tinh thần dân tộc của toàn xã hội cũng như từng cá nhân đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một vấn đề nữa cũng đang được rất nhiều người thực hiện, đó chính là tâm lý người dân chọn “năm đẹp” để sinh con. Điển hình là năm 2015, vậy ông có dự báo gì về số trẻ sinh ra trong 2015, liệu có tăng hơn so với các trước và có tác động gì đến quy mô dân số không?
- Theo tôi, vấn đề này có tác động nhưng không nghiêm trọng! Bởi tâm lý chọn năm đẹp để sinh con chỉ xuất hiện ở một phận dân cư nhất định chứ không phải số đông trong xã hội.
Đời sống kinh tế-xã hội phát triển, dân trí ngày càng nâng lên, người dân cũng dần thay đổi các quan niệm, đặc biệt là những quan niệm không còn phù hợp hoặc phi khoa học.
Năm 2015, theo quan niệm dân gian là năm “dê vàng”. Ngay từ đầu năm, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề này để có những cách thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước về Dân số-KHHGĐ.
Quan sát số liệu thống kê chuyên ngành dân số, tính đến tháng 8 năm 2015, không cho thấy có sự biến động lớn về mức sinh trong năm nay. Cụ thể là, hết tháng 8 năm 2015 có gần 730 nghìn trẻ sinh ra, tức mỗi tháng khoảng hơn 91 nghìn trẻ sinh ra.
Trong khi năm 2014, trung bình mỗi tháng khoảng 100 nghìn trẻ sinh ra. Điều đó càng cho thấy tác động của quan niệm về chọn năm đẹp, năm xấu để sinh con ngày càng giảm, những chuẩn mực giá trị xã hội tiến bộ trong lĩnh vực này ngày càng được chấp nhận rộng rãi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!