12 năm đèn sách nhưng lại chọn sai ngành: Chuyên gia mách cách "học một ngành nhưng làm được nhiều nghề"

H.A - Ngày 01/05/2024 07:00 AM (GMT+7)

“Sinh viên chọn sai ngành dẫn đến không đam mê ngành học đã trúng tuyển rồi cuối cùng bỏ học. Đó là do sinh viên không tìm hiểu kỹ về sở thích và năng lực của bản thân mình”, chuyên gia khẳng định.

Hiểu rõ về sở thích và năng lực bản thân khi chọn ngành

Chọn ngành nghề là một câu hỏi khó đối với học sinh lớp 12 hiện giờ. Nhiều bạn đã định hướng được nghề nghiệp mình muốn theo học nhưng vẫn còn rất nhiều bạn mông lung giữa vô vàn ngành nghề hiện nay.

Chia sẻ từ Trường Đại học Duy Tân, những lý do khiến các bạn trẻ chọn sai ngành xuất phát từ chủ quan và khách quan. Ví dụ như chọn theo phong trào, các ngành hot, nghe tên thấy "sang" mà không hiểu rõ đó là ngành như thế nào; Chọn do bạn bè, người yêu rủ rê; Chọn theo nguyện vọng của bố mẹ; Chọn ngành theo xu hướng mà không quan tâm tới điều kiện gia đình, đam mê, sở thích của bản thân; Không tìm hiểu từ trước, đến giai đoạn nước rút thì vội vàng chọn bừa, chọn đại; Vì quá thích một trường mà đăng ký bừa vào một ngành trong trường đó,...

Do chọn sai ngành, khi theo học, nhiều bạn sẽ cảm thấy chán nản, bỏ dở việc học vừa phí thời gian vừa phí công sức và tiền bạc.

Nói về tình trạng hiện nay có sinh viên trúng tuyển đại học nhưng thấy mình chọn sai ngành, chán học, Thạc sĩ Ngô Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: "Thực trạng hiện nay các chương trình tư vấn hướng nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn chung và dàn trải nội dung, chưa dành nhiều thời gian tư vấn chuyên sâu hoặc dành rất ít thời gian để hỗ trợ học sinh hiểu mình, hiểu ngành/nghề; Chưa phân loại được nhóm học sinh đam mê theo lĩnh vực cụ thể để có những chương trình tư vấn về nhóm ngành chuyên sâu giúp các em có cái nhìn đúng với sở thích và năng lực bản thân.

Chính vì vậy dẫn đến việc sinh viên chọn sai ngành, không đam mê ngành học đã trúng tuyển rồi cuối cùng bỏ. Một điều rất đáng báo động đó là sinh viên chọn ngành học/trường học theo nhóm bạn để rồi khi học xong năm nhất mới phát hiện ra không phải ngành học mình yêu thích và trường học mình chọn không phù hợp (về chương trình học, về học phí, về vị trí địa lý)".

Cán bộ tư vấn chọn ngành, chọn trường cho thí sinh

Cán bộ tư vấn chọn ngành, chọn trường cho thí sinh

Để hạn chế việc chọn sai ngành/nghề của học sinh thì cần chú trọng công tác tiền hướng nghiệp. Đó là làm công tác khảo sát về lĩnh vực mà học sinh quan tâm, yêu thích từ đó tổ chức các chương trình tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành đào tạo về lĩnh vực học sinh có nhu cầu, tránh lãng phí thời gian tư vấn những ngành học mà học sinh không quan tâm, cần tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp thực tế tại các cơ sở đào tạo để sinh viên có thể trải nghiệm và cảm nhận được môi trường học tập thực tế.

Bên cạnh đó, cần đưa thêm các doanh nghiệp vào cuộc, để chia sẻ nhu cầu về trình độ, kiến thức, kỹ năng sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp. Từ đó học sinh sẽ ý thức được ngành học mình theo đuổi cần chú trọng các khối kiến thức và kỹ năng gì.

“Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động đưa học sinh về trải nghiệm thực tế môi trường học tập tại trường. Bên cạnh đó nhà trường xây dựng chương trình đào tạo song bằng, trong 5 năm được nhận 2 văn bằng dành cho những sinh viên có nguyện vọng mong muốn phát triển hai lĩnh vực cùng một lúc", Thạc sĩ Ngô Trí Dũng cho hay.

Theo TS Phan Đình Quyết - Phó trưởng phòng truyền thông và tuyển sinh Trường Đại học Thương mại: "Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cần có sự kết hợp hài hòa giữa trường phổ thông, các trung tâm tổ chức định hướng nghề nghiệp, trường đại học. Trong đó, các trường đại học sẽ cử chuyên gia có kinh nghiệm liên quan công tác định hướng nghề nghiệp để tư vấn cho các em.

Bản thân tôi cũng tham gia tư vấn tuyển sinh cho các em và thấy rằng so với nhiều năm trước đây, hiện nay các em đã có sự chuẩn bị, tìm hiểu rất kỹ. Các em đến tư vấn là hỏi luôn về ngành học yêu thích của mình chứ không còn tình trạng mơ hồ".

Việc chọn ngành thế nào, trường gì phù hợp là bài toán và đôi khi cũng là cái duyên với nghề nghiệp. Ai đi học cũng muốn sau này mình được làm nghề yêu thích. Tuy nhiên thực tế sau khi ra trường lại có cơ duyên khác rẽ hướng. Thật khó để khuyên các bạn theo hướng nào, chỉ biết rằng, các bạn hãy nghiên cứu thật kỹ xem mình hợp ngành nào để lọc ra lựa chọn.

Xu hướng ngành nghề thì theo giai đoạn, cách đây 5 năm, ngành du lịch rất hot nhưng dịch Covid-19 thì ngành này bị gián đoạn. Vì vậy, các bạn hãy chọn ngành học mình thích vì chỉ ngành mình thích mới hứng thú học và học tốt nhất, khi ra trường làm việc ở chỗ nào mình cũng có thể "bơi" được”.

Chuyên gia mách cách "học một ngành nhưng làm được nhiều nghề"

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương khuyên phụ huynh và thí sinh phải là "người tiêu dùng thông minh" khi đi mua dịch vụ giáo dục đại học.

"Nếu là người mua dịch vụ, chúng ta phải xem xét dịch vụ đó như thế nào. Phụ huynh và học sinh hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, cách mà ngôi trường đó giảng dạy để quyết định", bà Hiền nói.

Không phải cứ chọn ngành bây giờ là các em sẽ bó buộc vào ngành đó. Lời khuyên là các em hãy cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành.

Ví dụ như sinh viên học kinh tế có thể học thêm luật hay khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức. Không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng các em cần có một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó tốt trong tương lai.

"Ngành VIP hay ngành hot phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao thì việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm VIP hay hot là không khó khăn", bà Hiền nói.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa khuyên thí sinh đừng nên thấy ngành nào đang hot, đang có nhu cầu mà thi nhau vào: "Ngành học hot nhưng bản thân mình có "hot" hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. Các em đừng nên chạy theo ngành hot vội. Trước khi chọn ngành nghề, học sinh cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình? Cũng theo ông Khánh, ngành hot bây giờ chưa chắc còn hot trong 5 năm nữa. Do đó thí sinh cần cân nhắc”.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các em thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn về trường học, ngành học.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học

Trong đào tạo đại học hiện nay đã hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này sẽ cho người học một nền tảng rộng và phương pháp làm việc, phương pháp tự học để học tập suốt đời. "Việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất để cho các em những phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp. Chúng ta học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Tôi có thể khẳng định với phụ huynh và thí sinh như vậy.

Tôi từng học Trường Đại học Ngoại thương nhưng bây giờ làm quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Như vậy có trái ngành trái nghề không? Không hề trái ngành, trái nghề một chút nào. Đó là sự tích lũy rất nhiều kiến thức trong quá trình học tập ở nhà trường, trong quá trình làm việc về giáo dục đại học gần 30 năm qua cùng những cập nhật những biến động trên thế giới.

Mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng đến nay tôi vẫn không dừng việc học mà liên tục học, cập nhật kiến thức mới. Các em không chỉ dừng lại ở bậc đại học, không phải vì bằng cấp mà vì sự phát triển của chính chúng ta và phải đóng góp được cho xã hội, cho gia đình", bà Thủy cho hay.

Có một ngành học được săn đón trong mùa tuyển sinh 2024, lương tăng phi mã, Việt Nam đang cần nhân lực
Nhu cầu nhân lực trong ngành này không chỉ gói gọn trong thị trường nội địa mà còn thu hút ở các khu vực xung quanh, sinh viên mới ra trường vẫn có...

Ngành học hot

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục