Trong cuộc đời làm luật sư của mình, tôi chưa từng gặp một người dân tộc thiểu số nào theo kiện một cách kiên trì và quyết liệt như Giàng A Kỷ.
Vụ án 15 năm trước
Đa phần Người H'mông nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa nói riêng không quan tâm nhiều và cũng không có kiến thức về các quy định pháp luật. A kỷ là người hiếm hoi dám bỏ ra 15 năm trời, gửi đơn khiếu nại tới hầu như tất cả các cơ quan từ chính quyền đến các cơ quan tố tụng, từ thanh tra chuyên nghành đến thanh tra chính phủ, từ Đảng đến các đoàn thể xã hội.
Nếu không có niềm tin mãnh liệt vào công lý hẳn A Kỷ sẽ không bao giờ làm được cái việc mà nhiều người cho là điên rồ đó. Chính vì lẽ đó, cán bộ ở nhiều cơ quan tại địa phương từ tỉnh đến huyện đều có thái độ khá e dè đối với cậu thanh niên này.
Chuyện xảy ra vào năm 1993. Khoảng 8h tối ngày 14/1 (âm lịch), khi hoa đào, hoa mận vẫn còn ngậm cái lạnh tê tái của mùa đông, mọi người tronggia đình A Kỷ đang ngồi quây quần quanh bếp lửa, tận hưởng những dư vị còn sót lại của ngày Tết cổ truyền thì có hai vị khách bất ngờ xuất hiện. Đó là Giàng A Dinh và Giàng A Páo, cả hai đều là cán bộ văn hóa xã đến tìm bắt Giàng A Bua, kẻ bị tình nghi trộm một con trâu của bản.
Khi đó, Bua đang ngồi bên bếp lửa cùng với bố, chú của Giàng A Kỷ và nhiều người khác trong gia đình A Kỷ. Hai người này xông vào áp sát ngay Giàng A Bua. A Dinh lớn tiếng quát: “Giàng A Bua, mày đi với tao về Ủy ban để điều tra việc mất trâu”. Bua ngồi im không nhúc nhích.
A Páo chộp lấy hai khẩu súng kíp trên bàn thờ nhà A Kỷ, mình cầm một khẩu, khẩu còn lại đưa cho A Dinh. Vừa chĩa súng vào A Bua, A Dinh vừa quát: “A Bua, mày mà chạy là tao bắn chết!”
A Bua thấy thế, sợ quá, đứng bật dậy chạy ra phía cửa trước. A Dinh đứng gần cửa nhất đã xả súng vào lưng A Bua khiến người này gục ngay tại chỗ. Lúc này, mọi người trong nhà Giàng A Kỷ đều rất sợ hãi, không ai dám lên tiếng.
Trước đây, súng kíp là một tải sản lớn của các gia đình người Mông (ảnh minh họa)
A Dinh tiếp tục lớn tiếng dọa bố của A Kỷ: “Nó là tội phạm, ông chứa chấp nó ông cũng phạm tội…”. Bố A Kỷ sợ quá không nói được lời nào.
Sau đó, chính A Dinh yêu cầu gia đình A Kỷ lấy một bộ quần áo người H’mông thay cho A Bua và ra lệnh cho gia đình Giàng A Kỷ gọi thêm người làm cáng để khiêng Bua đi trạm y tế cách đó 15km ở xã Xá Nhè.
Khi cáng được làm xong, A Dinh còn yêu cầu gia đình A Kỷ làm một mâm cơm đầy đủ rượu thịt để cho cán bộ ăn vì đói.
Tại thời điểm đó, từ nhà a Kỷ đến trạm y tế Xá Nhè chỉ có thể đi bộ hoặc ngựa thồ theo đường rừng cho nên khi đưa được A Bua đến nơi, người này đã không qua khỏi.
Ngay sau khi có án mạng xảy ra, phía gia đình của Giàng A Bua đã có đơn khiếu nại, yêu cầu các cấp chính quyền và cơ quan điều tra vào cuộc, nhằm đảm bảo kỷ cương phép nước, cũng như tuân thủ pháp luật và quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân.
Được sự chỉ đạo của Công An Huyện Tủa Chùa, chính quyền sở tại đã tiến hành gặp người nhà gia đình nạn nhân để thỏa thuận bồi thường. Lúc đó, Giàng A Dinh có đi cùng bí thư xã Tủa Thàng đến gặp Giàng A Sử là em trai của Giàng A Bua để thỏa thuận việc bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Theo thỏa thuận, A Sử đã nhận 3 triệu đồng và có văn bản cam đoan từ nay gia đình phía Giàng A Bua sẽ không khiếu kiện gì nữa.
Tin tức từ phía Công An huyện Tủa Chùa lúc đó cho rằng: “Việc Giàng A Dinh thi hành công vụ đã vô ý làm chết người và phía gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại, cùng với cam kết hòa giải không khiếu kiện gì nữa…” làm cơ sở pháp lý để cơ quan Công An huyện Tủa Chùa không ra quyết định khởi tố bị can đối với Giàng A Dinh và khởi tố vụ án “vô ý giết người trong khi thi hành công vụ ”.
Chuyện A Kỷ đi kiện
Khi vụ việc xảy ra, A Kỷ mới 12 tuổi, đang theo học lớp ba xóa mù chữ của huyện. Chính vì được đi học mà suốt 15 năm qua, con người đặc biệt này đã khiếu kiện không biết mệt mỏi đến các cơ quan từ huyện, tỉnh đến tận thủ đô Hà Nội chỉ nhằm một mục đích duy nhất là: “đòi bồi thường danh dự, chi phí, phí tổn do việc giết người của Giàng A Dinh” đã gây ra cho gia đình Giàng A Kỷ.
Các khoản bồi thường được A Kỷ liệt kê như sau:
Tiền hai khẩu súng kíp: 1.600.000 đồng
Tiền một bộ quần áo: 80.000 đồng
Tiền một bữa cơm: 200.000 đồng
Tiền công đi lại theo đuổi kiện cáo: 4.000.0000 đồng
Tiền công khiêng người chết: 400.000 đồng
Tiền làm lý H’mông: 2.000.000 đồng
Tiền bồi thường danh dự: 5.000.000 đồng
Nhận thấy việc khiếu nại trên là hoàn toàn chính đáng, chúng tôi đã nhận lời A Kỷ. Sáng ngày 7/8/2008, chúng tôi đã không quản ngại đường xá xa xôi hiểm trở, lặn lội đến tận nhà chàng thanh niên này ở bản Vua (Tủa Thàng, Tủa Chùa, Điện Biên).
Đường đi chỉ bé bằng bàn tay, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Mưa rừng khiến con đường hiểm trở trơ ra những mỏm đá tai mèo trơn tuột. Chỉ khi đi trên con đường sinh tử này tôi mới hiểu cái chết gần mình đến thế nào.
Nhà A Kỷ nằm chót vót trên đỉnh của một ngọn núi cao. Để lên được đến nơi, chúng tôi phải leo lên những con dốc thốc thẳng lên tận mây xanh. Sau không biết bao nhiêu lần hụt hơi, lăn lông lốc bên sườn núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà A Kỷ. Từ vị trí này, tôi có thể nhìn bao quát toàn cảnh núi rừng Tây Bắc xanh ngút ngàn. Một cảm giác khoan khoái lạ thường bao trùm tâm trí. Lúc đó, tôi mới hiểu vì sao người Mông lại luôn chọn những nơi cao nhất để sống.
Công lý cần phải được thực thi ở bất cứ đâu
Khi đó, bản thân tôi cũng không hiểu mình lặn lội cả ngàn dặm xa lên chốn sơn cùng thủy tận này để rồi sẽ làm được gì khi vụ án đã xảy ra cách đó quá lâu và mọi quyết định đều đã được công bố. Tôi chỉ biết rằng, A Kỷ và những người dân ở đây có một niềm tin mãnh liệt vào công lý và công lý cần phải được thực thi.
9h sáng hôm sau, chúng tôi cùng bố con Giàng A Kỷ và vợ A Bua đến trụ sở UBND xã Tủa Thàng để gặp và làm việc với Giàng A Dinh. Khi này, Dinh đã là chủ tịch xã. Tôi nói: "Ở đây, có cả vợ của Giàng A Bua, là người phải viết giấy chứ không phải em trai của Bua. Đây là quy định của pháp luật. Còn Giàng A Kỷ đến để đòi ông phải bồi thường cho những thiệt hại mà ông đã gây ra khi gây án tại nhà anh ta.
Cuối cùng, sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng, đôi bên cũng đi đến thống nhất. Giàng A Dinh sẽ bồi thường cho gia đình nhà Giàng A Kỷ tổng số tiền là 3,5 triệu đồng và phải thanh toán ngay.
Dưới trời mưa tầm tã, dáng điệu hấp tấp của chủ tịch xã Giàng A Dinh cầm ô chạy ra cửa hàng tạp hóa của cặp vợ chồng quê Thái bình để vay tiền có lẽ là hình ảnh chiến thắng mà Giàng A Kỷ và gia đình đã phải mất 15 năm trông đợi.
Việc chúng tôi làm, nếu tính theo giá trị kinh tế mang lại cho Giàng A Kỷ và người thân của anh có lẽ một vụ thua rõ ràng. Với một người đã phải bỏ ra 15 năm cùng bao tâm sức và chi phí đi lại, lặn lội ra tận Thủ đi để tìm công lý thì số tiền bồi thường kia dù có gấp nhiều lần hơn thế thiết nghĩ cũng chẳng đáng. Nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin và công lý phải được thực thi, là danh dự, là cái lý của người H’mong dưới ánh sáng của luật pháp.