Ngoài vụ ông Lò Văn Muôn chở thi thể em gái từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La về nhà bằng cách buộc đằng sau xe máy, một trường hợp tương tự xảy ra ngày 8/9. Lãnh đạo bệnh viện khẳng định đã đề nghị trợ giúp, nhưng gia đình từ chối.
Ông Lò Văn Muôn chở thi thể em gái từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La về nhà
Chiều 17/9, chúng tôi trở lại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La (Mai Sơn, Sơn La) vì biết có thêm một trường hợp chở người chết từ viện về nhà bằng xe máy. Người đàn ông tên Sương (ở Quỳnh Nhai, Sơn La) vào viện cấp cứu sáng 8/9 rồi tử vong 1 giờ sau đó.
Thi thể bệnh nhân được con trai buộc đằng sau xe máy chở về quê. Trước đó, ông Lò Văn Muôn buộc thi thể em gái Lò Thị Phanh đằng sau xe máy, vượt gần trăm cây số về nhà ở bản Ít, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai, Sơn La).
Đăng lên “Phây” thì khối người chết
Trưa thứ Bảy, bệnh viện khá im ắng. Một số người dân buôn bán trước cổng bệnh viện kháo nhau, sáng 17/9, có một lễ cúng diễn ra trong bệnh viện sau vụ lùm xùm gần đây về việc chở xác người trên xe máy.
Thấy chúng tôi, chị Miến, người bán tạp hóa cạnh cổng bệnh viện, bảo: “Hôm trước tôi kể là trường hợp con chở xác bố chứ không phải trường hợp ông Muôn đâu”. Theo lời chị Miến, cả khu phố đều chứng kiến sự việc cậu con trai bế bố ra ngoài, trải chăn quấn thi thể rồi đặt lên xe.
“Lúc đó, tôi đang ăn cơm thì một người vào mua dây chằng. Tôi hỏi thì anh ta mếu máo nói người thân bị chết, phải buộc vào xe máy chở về. Nghe thế, tôi sợ hết hồn”, chị Miến kể.
Lúc sau, thấy trời sắp đổ mưa, chị Miến cho anh này một chiếc áo mưa để quấn quanh thi thể. “Ngày xưa có nhiều trường hợp cũng chết ở viện phải mang về, nhưng người ta cho ngồi, buộc hai chân vào hai bên xe như người bình thường nhưng có người đằng sau ôm chứ không chằng nằm ngang như thế”, chị Miến nói.
Quê ở Ninh Bình, theo chồng lên Mai Sơn lập nghiệp gần chục năm, chị Miến bảo, đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự. “Ngày mới lên trên này, tôi bán hàng ngoài quốc lộ, thấy chằng người chết sõng soài sau xe. Sợ lắm, về cứ băn khoăn sao ở đây sợ thế?”, chị Miến nói.
Theo chị, trước đây thì thế, nhưng gần đây, hầu hết thuê xe về, chỉ trừ hai trường hợp vừa rồi vì nghèo quá mới ra nông nỗi. “Hôm đó tôi bảo, nếu chụp ảnh mà đăng lên “Phây” (Facebook) thì khối người chết, thế mà có người tung lên thật”, chị Miến nói.
Cạn tiền, ăn cơm với nước sôi
Cùng giúp đỡ hai cha con ông Sương còn có một vài người dân ở quanh cổng bệnh viện. Bà Trần Thị Hương, chủ quán cơm gần đó, bảo rằng, con trai ông Sương xin nhà bà hai miếng ngói fibro xi măng vỡ đặt lên yên xe rồi đặt thi thể người bố lên.
“Sợ miếng ngói bị gẫy giữa đường, con trai tôi chặt cho hai thanh gỗ, luồn xuống dưới miếng ngói để chắc chắn. Chúng tôi cũng cho vài tấm vải mưa để che thi thể”, bà Hương nói. Kinh doanh quán cơm trước cổng bệnh viện nhiều năm, bà Hương hiểu rõ nhiều hoàn cảnh đáng thương.
“Thấy bảo nhà ông Sương nếu thuê xe về thì mất khoảng 5 triệu. Vì vậy, cậu con trai bảo để dành tiền đó về làm đám tang, rồi lấy xe máy buộc thi thể bố rồi chở về nhà”, bà nói. Hôm đó trời mưa to, ba người thân trong gia đình không có xe, phải chạy bộ ra quốc lộ bắt xe khách theo về, bà kể.
Về gia đình chị Lò Thị Phanh, bà Hương kể, khi xuống chăm chị Phanh, ông Pé (bố đẻ chị Phanh) và con dâu thường ăn cơm ở quán nhà bà. “Ông ấy ăn khỏe lắm. Có hôm thì không ăn gì. Cô con dâu thì ăn ít nước cháo. Có hôm tôi nấu canh ngao ngon lắm, nhưng cô ấy cứ bảo là chỉ ăn nước sôi thôi.
Tôi vẫn múc cho ông Pé, bảo đem về cho cô con dâu ăn chứ ăn nước sôi thì làm gì có chất”, bà Hương nói. Theo bà, bệnh nhân xuống nằm viện thường là 15-20 ngày, thậm chí 2 tháng, nhưng nhiều người không có tiền. “Có người ăn suất 10 nghìn, 15 nghìn. Gọi là có thịt thôi, chứ còn toàn rau với đậu. Họ ăn ít lắm”, bà Hương chia sẻ.
Khi phóng viên lên nhà thăm hôm 16/9, ông Lò Văn Pé bảo: “Sau khi chữa bệnh và lo tang ma cho cái Phanh, nhà chẳng còn gì ăn, chỉ có rau. Tôi già rồi, hai con trai lại bị bệnh tật, thần kinh. Giờ cả nhà chỉ trông vào cô con dâu, có gì ăn đó”.
Trao đổi với báo chí, ông Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La, nói rằng, sau khi bệnh nhân Sương tử vong, các y bác sĩ đã làm đầy đủ thủ tục, thanh toán chế độ cho bệnh nhân. “Chúng tôi cũng đề nghị gia đình sử dụng xe ô tô vận chuyển thi thể bệnh nhân về nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng gia đình họ nhất quyết không đồng ý. Họ nói phong tục của họ là như vậy. Họ không cần bệnh viện hỗ trợ hay thuê xe ô tô và cũng không có ý kiến gì”, ông Tuận nói. Còn trường hợp chị Lò Thị Phanh, ông Tuận nói: “Khi bệnh viện làm thủ tục xong thì gia đình chị ấy đã về, ngày 16/9 mới quay lại thanh toán viện phí, chứ không phải bác sĩ không cảm thông, chia sẻ”. |