Tính đến 10 giờ sáng nay 29-7, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại liên tiếp xảy ra 14 trận động đất liên tiếp, nối tiếp 21 trận động đất xảy ra vào hôm qua cũng tại đây.
Trong 14 trận động đất xảy ra trong ngày 29-7, trận mới nhất xảy ra hồi 10 giờ 4 phút 45 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3,0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.885 độ vĩ Bắc, 108.236 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tâm chấn trận động đất sáng 29-7 ở Kon Tum
Như vậy, chỉ trong ngày 28 và đến 10 giờ sáng nay 29-7, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 35 trận động đất liên tiếp.
Trước đó, ngày 28-7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đã phát đi thông báo có 21 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), trong đó trận động đất có độ lớn 5,0 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plôn lúc 11 giờ 35 phút 10 giây tại vị trí có tọa độ (14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay ghi nhận được ở khu vực này, với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Trận động đất nói trên lan rộng đến nhiều địa phương lân cận và thậm chí một số người dân ở nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng cho biết cảm nhận được tình trạng rung lắc.
Theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg ngày 22-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi. Trong Quyết định này, độ lớn động đất sử dụng thang độ mô men. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0≤M≤3,9), động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9), động đất trung bình (5,0≤M≤5,9), động đất mạnh (6,0≤M≤6,9), động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9) và động đất hủy diệt (M≥8,0).
Như vậy, có thể thấy động đất ở Kon Plông ghi nhận 5,0 độ là ở cấp độ trung bình.
Sáng 29-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về trận động đất có độ lớn 5,0 ở Kon Plông gây rung lắc mạnh cho nhiều khu vực, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, cho biết đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được ở khu vực này. Trận động đất này đạt ngưỡng độ lớn trung bình, hiện các địa phương kiểm tra đánh giá thiệt hại. "Nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5 độ ở khu vực huyện Kon Plông hôm 28-7 vẫn là do động đất kích thích" - ông Xuân Anh nói.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Số liệu cho thấy, những trận động đất ở Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định; có những đợt liên tiếp xảy ra trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4-2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28-7 có độ lớn 5,0. Còn trước đó là trận động đất mạnh 4,7 độ xảy ra ngày 23-8-2022.
Ông Nguyễn Xuân Anh lưu ý hoạt động động đất ở khu vực Kon Plông vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. "Và theo nghiên cứu sơ bộ cho thấy động đất khu vực này khó có thể lớn hơn 5,5 độ. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn" - vị chuyên gia nói.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, khi xảy ra động đất, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống; thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân. "Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát đánh giá các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng của động đất và có giải pháp với các công trình này" - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo. |