Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Mai Hạnh sinh một người con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình. Khi nhận con, bà nhận ra đó không phải con mình. Đã 40 năm trôi qua, người con gái không hề hay biết và rồi một ngày oà khóc khi biết sự thật.
Mấy ngày nay, trên nhiều diễn đàn mạng liên tục chia sẻ câu chuyện hy hữu của một gia đình ở Hà Nội. Câu chuyện về người phụ nữ đã nhận và nuôi dưỡng người con gái không phải con mình hơn 40 năm.
Đó là câu chuyện về chị Tạ Thị Thu Trang, sinh năm 1974 tại Ba Đình, Hà Nội. Mẹ nuôi chị Trang, bà Nguyễn Mai Hạnh sinh một người con gái vào cùng ngày hôm đó và bà được đánh số 33 ở tay. Sau hơn ba tiếng sinh con, bà Hạnh mới được nhận chị Trang. Ngay khi bế chị, bà Hạnh đã nhận ra điểm sai sót vì chân chị Trang đeo số 32.
Bà Hạnh nghi ngờ chị Trang không phải con gái bà nên đi tìm và thắc mắc với bệnh viện. Cuối cùng do không tìm thấy đứa trẻ mang số 33 và bệnh viện giải thích rằng số đánh bị mờ trong lúc tắm cho trẻ.
Gia đình bà Hạnh đón chị Trang về nuôi dưỡng trong sự yêu thương hết lòng để chị lớn lên không phải oán trách gì cả. Cho đến năm chị Trang 20 tuổi, bà Hạnh quyết định đi thử AND và biết chắc chắn chị Trang không phải con của ông bà.
Tuy vậy, bà vẫn giữ bí mật với mọi người với hy vọng tự mình tìm ra bố mẹ đẻ cho chị Trang đồng thời tìm lại người con gái ruột của mình. Đến nay, chị Trang đã ngoài 40 tuổi và có 3 con, bà Hạnh cảm thấy mình không có đủ thời gian tìm kiếm nữa, bà quyết định nói ra sự thật để chị Trang và các cháu bà tiếp tục cuộc tìm kiếm.
Bà Nguyễn Mai H. (thứ hai từ trái sang) cùng gia đình
Sốc khi biết mình không phải con đẻ của bố mẹ
Chị Trang cho biết, khi nghe mẹ chị (bà Nguyễn Mai Hạnh) nói rằng chị không phải con đẻ của bà, chị đã không tin. Ngược lại, mẹ chị rất nghiêm túc trong chuyện này, bà bảo với chị rằng chuyện đó thật khó tin nhưng nó có thật đấy và đó cũng là chuyện của gia đình mình. Lúc ấy chị mới ngỡ ngàng, và sốc không nói nên lời.
Chị Trang kể: “Nghe mẹ nói xong, tôi òa lên khóc. Ngay lập tức tôi nhớ lại một lần mẹ và tôi sang nhà người cậu, có người họ hàng bảo tôi trông chẳng giống ai. Một người khác nói rằng tôi giống ông hàng xóm. Vậy là mẹ dắt tôi về luôn. Bây giờ biết sự thật tôi chỉ thấy thương mẹ rất nhiều! Tôi biết mẹ phải rất can đảm để nói ra sự thật với tôi. Mẹ khóc rất nhiều và bảo tôi hãy cố gắng tìm ra bố mẹ đẻ cho mình và minh oan giúp mẹ.”
Thực sự, lúc đầu chị cũng giận mẹ vì đã giữ sự thật quá lâu để bây giờ nói ra, mọi dấu vết đã bị xóa sạch. Rồi chị thấy tủi thân vì hóa ra mình không biết bố mẹ đẻ là ai. Cuối cùng, chị thấy thương mẹ Hạnh nhất, vì mẹ mới là người chịu nhiều mất mát và đau khổ. Bởi bà đã biết mình mất đi một đứa con mà không dám nói ra vì sợ chị sẽ bỏ đi nốt để tìm mẹ mình.
Chị Trang cho biết: “Tôi không hề oán trách bố mẹ đẻ. Ông bà không có lỗi gì cả, bởi đây là số phận. Ở nơi nào đó, ông bà đang nuôi dưỡng con gái của mẹ tôi và tôi tin ông bà cũng nhân hậu như bố mẹ tôi”.
Từ khi biết sự thật về nguồn gốc của mình, cuộc sống của gia đình chị Trang có nhiều xáo trộn. Bản thân chị đã suy nghĩ rất nhiều trước khi nói lại sự thật với chồng con. Chị chồng và con chị sẽ có những phản ứng tiêu cực hoặc họ sẽ lo lắng cho chị. “Thật may vì các con tôi đã khôn lớn và hiểu chuyện, các cháu động viên tôi. Con trai hỏi ý kiến tôi rồi đăng thông tin lên facebook của cháu với hy vọng tìm ra được bố mẹ đẻ cho tôi và tìm được con cho ông bà ngoại”, chị Trang kể.
Chị Trang tâm sự, ở tuổi ngoài 40 chị không hy vọng thay đổi số phận mà chỉ mong tìm lại được bố mẹ đẻ để các con chị có ông bà ngoại và biết được nguồn gốc sinh ra của mình.
Gia đình hạnh phúc của chị Trang
Nỗi canh cánh của người mẹ
Vì biết sự thật mà không thể nói ra nên bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng. Thỉnh thoảng bà lại kể những câu chuyện hoặc xem những bộ phim về tình huống cha mẹ nuôi nhầm con cái. Chị Trang và mọi người trong nhà rất vô tư nên không ai đoán ra tâm sự của bà.
Bà Hạnh còn hay kể về thời thơ ấu của chị Trang cho các con chị nghe. Cháu Đào Phương A., con gái chị kể lại: “Bà bảo rằng, không hiểu sao lúc vừa bế mẹ cháu ở viện về thì mẹ khóc thét lên, dỗ mãi không nín. Trong số 4 người con trong nhà, mẹ cháu là người khó nuôi nhất làm bà rất vất vả.”
Chị Trang kể: “Lúc nhỏ nghe nhiều người nói bóng gió tôi không phải con của bố, tôi chỉ thấy tức giận. Khi lớn hơn, tôi mới để ý thấy từ cái chân cái tay mình quả là không giống ai trong nhà. Tôi nói chuyện với mẹ, bà bảo rằng đó là do tôi giống các dì”.
Giờ đây khi biết sự thật, chị Trang đã làm mẹ của 3 đứa con, chị hiểu rằng nỗi đau của mẹ chị thật không tả xiết. Chị cho đó là ý trời nên bảo với bà: “Mẹ ạ, cũng là do duyên trời bạn kia mượn cửa mẹ để được sinh ra nhưng không được ở với mẹ, còn con tuy không được mẹ sinh ra nhưng lại được mẹ nuôi dưỡng. Suốt đời này mẹ vẫn là mẹ của con.”
Con gái chị Trang và bà ngoại
Gia đình thương yêu hơn
Chị Tạ Thị Thu Vân, con gái lớn của bà Hạnh chia sẻ: “Thực ra tôi cũng chỉ biết sự thật trước em Trang một chút. Mẹ gọi tôi tới, trấn an tôi rồi nói hết sự thật. Điều đó làm tôi rất bất ngờ nhưng tôi không hề thấy mất mát mà còn cảm thấy yêu thương em gái hơn.”
Chính chị Vân là người khuyên mẹ đừng nên nói sự thật với em gái. Chị sợ tình huống tiêu cực sẽ xảy ra nên bảo bà nên suy nghĩ kỹ đã. Bởi chị hiểu mẹ đã quá đau khổ khi phải giữ kín sự thật hơn 40 năm trời. Cũng vì hiểu mẹ nên chị Vân biết rằng nếu không tìm được bố mẹ đẻ cho em gái, bà sẽ đau đớn và ân hận cho đến cuối đời.
Điều làm cho bà Hạnh rất vui đó là khi biết sự thật, cả nhà tôi đều yêu thương Trang nhiều hơn. Tất cả chỉ có nguyện vọng là sớm tìm ra bố mẹ đẻ cho chị Trang để bù đắp thiệt thòi cho chị.
Chị Vân (bên phải) và em gái Tạ Thị Thu Trang
Sẽ tìm mẹ cho đến cuối đời
Chị Trang liên tục gạt nước mắt khi nói về câu chuyện khó tin của bản thân. Chị đã đi tìm hiểu và mang đơn đến một số nơi nhưng không được nhận giúp vì trường hợp của chị mơ hồ quá.
Chị Trang cho biết: “Mẹ tôi cũng đã âm thầm tìm kiếm nhiều năm nhưng không có manh mối nào. Đến nay tuổi đã cao, mẹ sợ có lỗi với tổ tiên vì đã để thất lạc mất một người con. Vì vậy bà mới quyết định nói sự thật với chúng tôi.”
Thông qua các phương tiện truyền thông, chị Trang mong những người ruột thịt của chị ở đâu đó sẽ tiếp cận được thông tin để chị có thêm cơ hội tìm ra nguồn gốc. Chị tâm sự: “Không biết thì thôi, bây giờ tôi nhất định phải đi tìm bố mẹ đẻ. Nếu trời thương cho tôi sớm tìm được thì thật là tốt, không thì tôi sẽ tìm những người đã sinh ra tôi cho đến tận cuối đời.”