Vì không sinh được con, hai vợ chồng bà Bình xin một đứa con về nuôi. Nào ngờ đứa con bị tâm thần, bại liệt nên người chồng sau đó li dị lấy vợ khác, một mình bà Bình 36 năm qua vẫn hết lòng chăm con nuôi mà không một lời than oán.
Đó câu chuyện thiêng liêng về tình mẹ với đứa con không phải do mình dứt ruột đẻ ra khiến bao người cảm phục.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Đoàn Thị Thanh Bình (61 tuổi, trú xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vào một ngày giữa tháng 10. Đó là một căn nhà cấp 4, ở mái hiên trước bày bán những món hàng tạp hóa nhỏ. Bên trong nhà vang lên tiếng ú ớ của một người con gái mỗi lúc một to. Nghe tiếng con, bà Bình chạy vội từ nhà dưới lên dỗ dành. Nhẹ nhàng vuốt mái tóc con, bà Bình nói: “Đã 36 năm qua, từ khi đưa con về nuôi, lúc nào tôi cũng bên cạnh. Chứ lên cơn đau con lại đập phá mà xót xa lắm!”.
Bà Bình cho biết, người con gái bà đang nuôi dưỡng tên là Thủy Thị Thanh Thúy (36 tuổi). Tuy chị Thủy không phải con ruột mà máu mủ bà sinh ra nhưng tình yêu thương của bà dành cho con vô bờ bến. Sau một hồi chăm để con ngủ yên giấc, bà mở lòng kể cho chúng tôi nghe về chuyện gia đình.
Đó là vào năm 22 tuổi, bà Bình lấy chồng là một chàng trai người cùng làng. Sau thời gian chung sống đã lâu mà hai vợ chồng không có con nên lúc nào cũng khao khát có đứa để ẵm bồng.
Bà Bình chăm sóc Thúy bị bệnh thần kinh, bại liệt từ lúc chào đời
Một hôm, nghe tin ở Trạm y tế xã có người phụ nữ sinh một đứa con gái rồi bỏ lại nên hai vợ chồng bà Bình ra xin làm thủ tục nhận con nuôi. Hai vợ chồng bà Bình đặt tên con là Thủy Thị Thanh Thúy.
“Từ ngày đem con về nuôi dưỡng lúc nào căn nhà cũng rộn ràng tiếng cười, hai vợ chồng yêu thương con gái như mình đẻ ra vậy. Nhưng nuôi con đã lâu mà thấy con không bi bô nói một lời, chỉ nằm một chỗ. Hai vợ chồng tôi khi ấy đem con đi ra bệnh viện thăm khám mới biết được rằng, con bị bệnh thần kinh và bại liệt ngay từ lúc chào đời. Có lẽ vì vậy nên người mẹ khi ấy sinh con đã bỏ lại...”, bà Bình nói trong nỗi bùi ngùi.
Biết tin đứa con nuôi bị bệnh, hai vợ chồng bà Bình đau khổ, tuyệt vọng. Chồng bà Bình không chịu nổi áp lực sau đó li dị rồi bỏ đi lấy vợ khác. Bà Bình nói: “Có lẽ là số mệnh. Tôi không thể bỏ con, không quan tâm chăm sóc cho con được. Dù đó không phải máu mủ do tôi sinh ra nhưng ông trời đã đưa con đến với tôi thì tôi sẽ nuôi dưỡng con cho đến khi mình không còn trên đời này nữa”
Từ khi chồng bỏ đi, một mình bà Bình phải tự bươn chải làm đủ mọi việc để có tiền ăn và mua thuốc cho con gái. Khi ấy Thúy còn nhỏ, bà Bình địu Thúy trên lưng để đi làm công nhân ở nhà máy gạch men rồi ra Đà Nẵng xin rửa chén, bát, quét dọn thuê cho nhà hàng, quán ăn. Đến năm 2005, Thúy cũng đã lớn, bà Bình đưa về lại quê nhà, lấy số tiền tích lũy đi làm thuê thời gian qua để mở quán tạp hóa nhỏ buôn bán.
Chúng tôi hỏi sao khi ấy còn trẻ bà không lấy chồng để có thêm người chia sẻ? Bà Bình dịu giọng, nói: “Chăm lo cho Thúy đã là gánh nặng đối với tôi, vả lại tôi muốn làm tròn bổn phận của một người mẹ đối với Thúy chứ nào nghĩ đến hạnh phúc lần nữa...”
Dù năm nay đã 36 tuổi nhưng Thúy bị bệnh bại liệt, thần kinh nên chỉ nằm một chỗ, mọi việc từ lo ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đều một mình bà Bình làm hết. Đã 36 năm qua nuôi dưỡng Thúy, bà Bình chưa bao giờ được nghe một tiếng “Mẹ ơi!” nhưng bà không than vãn hay oán trách số mệnh của cuộc đời mình. Bà chia sẻ rằng, chỉ sợ một mai bà mất đi sẽ không còn lo được cho Thúy nữa...