5 tháng, 9 ca tử vong sau tiêm chủng

Ngày 08/06/2013 08:11 AM (GMT+7)

Con số báo chí phản ánh này được cộng dồn từ 2 tháng cuối năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013. Nói 9 ca tử vong cũng không “vênh” so với công bố của Bộ trưởng Bộ Y tế vì bộ trưởng “quên” không nhắc 4 ca của năm trước.

Hàng chục ca tai biến

Trong công văn của Bộ Y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Tại Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2013, toàn quốc ghi nhận 5 trường hợp tử vong sau tiêm (chứ không phải 9 trường hợp như báo chí nêu), và “Theo kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn… 5 trường hợp tử vong nêu trên có 4 trường hợp không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccin, 1 trường hợp chưa chẩn đoán được nguyên nhân tử vong”.

5 tháng, 9 ca tử vong sau tiêm chủng - 1

2 tháng nữa Bộ Y tế mới có kết luận về vaccin Quinvaxem.

Tuy nhiên, con số 9 mà báo chí đã đếm số trẻ (từ 2-4 tháng tuổi) tử vong sau khi tiêm chủng vaccin Quinvaxem là từ tháng 11.2012 đến tháng 3.2013. Cụ thể: 3 cháu ở Nghệ An (tiêm ngày 7 và 10.12.2012, tử vong sau 34 - 66 giờ sau tiêm), 1 ở Kiên Giang (tiêm 22.12.2012, tử vong sau 96 giờ), 1 ở Hà Nội (tiêm 4.1.2013, tử vong sau 20 giờ), 2 ở Lâm Đồng (tiêm 15.11.2012 và 15.3.2013, tử vong sau 2 ngày) và 1 ở Hải Dương (tiêm 25.3.2013, tử vong sau 2 ngày), 1 ở Thanh Hóa (tiêm 12.11.2012, tử vong sau 1 ngày).

Ngoài ra, tại các ngày có trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem ở Hải Dương, Thanh Hóa, Lâm Đồng đều có tai biến chùm với hàng chục trẻ bị phản ứng nặng nhưng đã được cấp cứu kịp thời nên qua khỏi. Những ca tai biến chùm này không được nhắc tới trong công văn của Bộ trưởng.

Các con số đó chỉ khẳng định, các ca tai biến nặng và tử vong sau tiêm Quinvaxem “5 trong 1” đã liên tục suốt một thời dài chứ không chỉ 3 tháng gần đây, khiến Bộ Y tế phải ngừng sử dụng vaccin Quinvaxem đầu tháng 5.2013.

Tử vong do trùng hợp?

Trong số 9 ca nói trên, chỉ có trường hợp tử vong ở Hải Dương được Hội đồng chuyên môn kết luận là sốc do nhiễm khuẩn huyết, còn kết luận của Bộ Y tế về các ca tử vong khác đều ghi “Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt” và “tử vong không rõ nguyên nhân”.

GS-TS Nguyễn Đình Bảng - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vaccin và sinh phẩm cũng nhấn mạnh: “WHO chỉ chấp nhận tỷ lệ vaccin có thể gây phản ứng (sốt, sưng tại vết tiêm, đỏ da) chứ không có giới hạn cho phép tử vong, dù là bất cứ loại vaccin nào”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Chưa có bằng chứng chứng minh các trường hợp tử vong có liên quan đến vaccin, các trường hợp tử vong trên có thể là sự trùng hợp vì tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi tại Việt Nam là 15,8 %o, hoặc do các bệnh khác như viêm phổi, tim mạch”.

Bộ trưởng cho biết: “Vaccin có chứa kháng nguyên, khi tiêm có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong đối với cá nhân có cơ địa mẫn cảm” và “Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng/1 triệu liều vaccin sử dụng đối với vaccin bạch hầu - ho gà - uốn ván là 20 trường hợp/1 triệu liều sử dụng, bại liệt là 1-3 trường hợp/triệu liều, sởi là 1-5 trường hợp/1 triệu liều”. Bộ trưởng khẳng định: “Ngừng vaccin chỉ là thực hành thông thường”.

Tuy nhiên, tổng kết của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng (nói chung) năm 2011 được ghi nhận là 10 trường hợp (trong đó 4 trường hợp có thể liên quan đến tiêm chủng, không có tử vong). Năm 2012 có 13 trường hợp (trong đó 4 trường hợp bệnh và 1 tử vong có thể liên quan đến tiêm chủng). Như vậy, sau 9 ca tử vong và hàng chục ca tai biến sau tiêm chủng Quinvaxem chỉ trong vòng 5 tháng gần đây thì khó có thể gọi là “thông thường”.

Theo Yến Nhi (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin