Dưới đây là một số thông tin quan trọng về thẻ Căn cước công dân gắn chíp người dân cần nắm rõ.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thẻ Căn cước công dân gắn chíp
Ngày 03/9/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (gắn chíp) với tổng mức đầu tư 2.696.000.000.000 đồng từ ngân sách nhà nước:
- Tên dự án: Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.
- Cơ quan chủ quản: Bộ Công an.
- Chủ đầu tư: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
- Mục tiêu của dự án: Xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ; phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo. Ảnh minh họa
- Quy mô, nội dung đầu tư: Xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an.
- Đối tượng thụ hưởng của dự án: Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trên phạm vi cả nước.
- Địa điểm đầu tư: Bộ Công an; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Thời gian thực hiện: 2020 - 2022.
Có bắt buộc đổi từ Căn cước công dân mã vạch sang Căn cước công dân gắn chíp?
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ (Bộ Công an), trong trường hợp dự án Căn cước công dân mẫu mới được Thủ tướng thông qua, thì người dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân dạng mã vạch vẫn sử dụng bình thường mà không cần thiết phải đổi lại. Tương tự, người dân đã được cấp thẻ CMND loại 12 số cũng không cần phải thay đổi lại.
Công dân đang sử dụng Căn cước công dân mã vạch nếu còn thời hạn sử dụng để thực hiện các giao dịch bình thường, nội dung thông tin cá nhân, số thẻ Căn cước công dân không có sự thay đổi giữa thẻ Căn cước công dân mã vạch và thẻ Căn cước công dân gắn chíp.
Khi thẻ Căn cước công dân mã vạch của công dân hết hạn sử dụng, công dân phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định hoặc công dân có yêu cầu đổi từ Căn cước công dân mã vạch sang Căn cước công dân gắn chíp thì được đổi theo yêu cầu.
Dùng thẻ Căn cước công dân gắn chíp - người dân được lợi gì?
Thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ; phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo. Khi tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. (Xem chi tiết nội dung tại đây)
Thời gian bắt đầu triển khai cấp Căn cước công dân gắn chíp
Bộ Công an dự kiến tháng 1/2021 sẽ triển khai thực hiện dự án cấp Căn cước công dân có gắn chíp cho người dân sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 03/9/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (gắn chíp).
Đồng thời, ngày 07/10/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn 8393/VPCP-NC về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân như sau:
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của bộ, ngành, địa phương mình vào chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân, thúc đẩy việc sử dụng thẻ Căn cước công dân đa mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
- Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân trong các lĩnh vực công tác; xây dựng các ứng dụng nền tảng để đưa vào chíp trước khi cấp Căn cước công dân cho công dân.
Như vậy, dự kiến việc cấp Căn cước công dân gắn chíp sẽ được triển khai từ tháng 1/2021.
Mẫu Căn cước công dân gắn chíp
Bộ Công an đang Dự thảo Thông tư Quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân, trong đó, nội dung trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp như sau:
Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:
- Bên trái, từ trên xuống: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 12mm; ảnh của người được cấp thẻ Căn cước công dân cỡ 20 x 30mm; có giá trị đến/date of expiry;
- Bên phải, từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM/SOCIALIST REPULIC OF VIET NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc/Independence - Freedom - Happiness; dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN/Identity Card"; biểu tượng của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; số/no; họ và tên/full name; ngày sinh/date of birth; giới tính/sex; quốc tịch/nationality; quê quán/place of birth; nơi thường trú/place of residence;
Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:
- Bên trái, từ trên xuống: Đặc điểm nhân dạng/personnal identification; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân/ date, month, year; chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ/director general of police department for adminstrative managerment of social order; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân; chíp điện tử.
- Bên phải, từ trên xuống: có 2 ô: vân tay ngón trỏ trái/left index finger và vân tay ngón trỏ phải/right index finger của người được cấp thẻ căn cước công dân.
- Dòng mã ICAO, mã QR code.