Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, tai biến sau khi tiêm thuốc tê, cắt que thử HIV ở bệnh viện Xanh Pôn… là những sự kiện y tế được nhiều người quan tâm trong năm 2019.
Chiều ngày 22/11/2019, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vì bà đến tuổi hưu. Theo đó, có 424 đại biểu đồng ý phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (tỉ lệ 87%).
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hiện làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, quê quán tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bà học tiếp bác sĩ nội trú rồi làm cán bộ giảng dạy tại trường.
Sau thời gian đi tu nghiệp ở nước ngoài về, bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM giai đoạn 1998-2007. Từ tháng 2/2007 - 2011, bà làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ tháng 8/2011 đến ngày 22/11/2019, bà làm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngoài ra, bà từng làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Bà Tiến không trúng cử Trung ương khoá XII, là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ này. Sau khi Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Tiến làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Thay đổi thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh là một thành tựu trong thời kỳ làm Bộ trưởng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trong suốt thời gian làm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Tiến nhiều lần có những phát ngôn gây dậy sóng dư luận, đặc biệt là vào đợt dịch sởi xảy ra vào năm 2014 khi có trên 21.500 ca mắc và có đến 142 ca tử vong. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, những số liệu của dịch có lúc còn chưa được công bố rộng rãi. Ngoài một số vấn đề trên, những đóng góp của vị nữ Bộ trưởng này cho ngành y tế cũng không hề ít khi tỷ lệ quá tải bệnh viện đã giảm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng, chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ người bệnh có nhiều chuyển biến…
Vắc xin Combe Five được sản xuất tại Ấn Độ và bắt đầu đưa vào sử dụng đại trà tại Việt Nam từ năm 2018 để thay thế vắc xin Quinvaxem do nhà cung cấp dừng sản xuất. Đây là loại vắc xin phòng 5 bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B và Hib gây viêm màng não mủ/viêm phổi.
Đã có thời điểm người dân cho rằng nên dừng tiêm vắc xin Combe Five vì những tai biến xảy ra.
Sau khi đưa vào sử dụng đã có những trường hợp tử vong tại một số địa phương trên cả nước như Bình Định, Lào Cai, Hà Nội… Đặc biệt, tại Hà Nội, Hải Phòng, khi mới áp dụng tiêm đại trà, rất nhiều trường hợp gặp phản ứng nhập viện điều trị. Vì thế, nhiều người nghi ngờ sự an toàn của loại vắc xin này và đưa ra ý kiến nên dừng tiêm cho trẻ. Đỉnh điểm nhất là hồi tháng 3/2019, sau khi một trẻ 2 tháng tuổi ở Bình Định tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five.
Trước những dư luận trái chiều về loại vắc xin mới đưa vào sử dụng này, Bộ Y tế khẳng định không tạm dừng tiêm vắc xin Combe Five cho trẻ. Lý do được đưa ra là tỷ lệ tử vong và phản ứng vẫn ở mức nhà sản xuất khuyến cáo.
Sự việc nghiêm trọng trên xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vào sáng 30/6, khi sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982, ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) có dấu hiệu chuyển dạ nên đến Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ để thăm khám.
Tại đây các nữ hộ sinh và bác sỹ cho biết cổ tử cung chị Tình đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường. Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, thăm khám lần 2 bác sỹ cho hay tử cung đã mở hết và đưa lên bàn đẻ.
Tuy nhiên, đến 19h20 phút cùng ngày, anh Nguyễn Sỹ Chiến (SN 1977) – chồng chị Tình nhận được thông báo của ê kíp đỡ đẻ là con anh đã tử vong. Khi vào kiểm tra, anh Chiến bàng hoàng phát hiện trên cổ con trai đã tử vong có một vết đứt dài đã được khâu lại.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Trưởng khoa Sản, BV Đa khoa Đức Thọ là người trực tiếp khâu vết đứt ở cổ cho bé sơ sinh.
Được biết, người đỡ đẻ chính cho sản phụ tình là bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, bác sĩ có chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, không có chuyên môn về sản nhi nhưng lại đỡ đẻ cho sản phụ Tình với tư cách là bác sĩ trực chính. Bác sĩ Quyền cho biết, khi đỡ đẻ cho sản phụ, 2 nữ hộ sinh thay nhau kéo đầu thai nhi 2 lần, song gặp khó khăn. Vì vậy, họ đã gọi bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Trưởng khoa Sản - hỗ trợ.
3 phút sau, bác sĩ Đức đỡ đẻ, kéo đầu thai nhi thêm 2 lần thì đầu em bé đứt lìa. Sau khi đưa cháu bé ra ngoài, bác sĩ này cũng là người khâu lại vết đứt trên cổ trước khi thông báo cho gia đình sản phụ. Sau khi kết thúc công tác điều tra, 4 cán bộ bị kỷ luật gồm hộ sinh Hoàng Thị Trinh bị kỷ luật cảnh cáo; Hộ sinh Hoàng Thị Định và bác sĩ răng hàm mặt Nguyễn Hữu Quyền bị kỷ luật khiển trách; Trưởng khoa sản Nguyễn Minh Đức bị nhắc nhở.
Trong tháng 10 và 11/2019, tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đã xảy ra 3 vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng khiến 2 sản phụ tử vong là Lê Huỳnh Phương Triều, Lê Huỳnh Phương Triều. 1 sản phụ nguy kịch là chị Nguyễn Thị Huyền. Các sản phụ gặp tai biến sau khi được sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã tiến hành vào cuộc điều tra. Ngày 17/12, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, Hội đồng chuyên môn đã có kết luận về các vụ tai biến sản khoa này.
Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng - nơi xảy ra sự việc đau lòng.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.
Về nguyên nhân sự cố, Hội đồng chuyên môn xác định: Sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều, tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê Bupivacaine. Đối với sản phụ Võ Thị Nhất Sinh, tử vong nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc Bupivacaine. Còn sản phụ Nguyễn Thị Huyền, chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc Bupivacaine”.
Nạn nhân may mắn sống sót sau tai biến đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Cũng theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm xảy ra sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ, Sở chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các bệnh nhân bị sự cố từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc.
Sự việc rạch que thử HIV tại Bệnh viện Xanh Pôn vừa bị báo chí phanh phui hôm 9/12 và cho đến nay chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc. Theo thông tin ban đầu, hàng ngàn que thử HIV, viêm gan B đã bị nhân viên khoa Vi sinh y học cắt làm đôi để xét nghiệm cho bệnh nhân khiến dư luận hết sức hoang mang.
Ngay sau khi sự việc xảy ra lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cho biết đó chỉ là “thử nghiệm” nhưng đó không phải là chủ trương của bệnh viện mà chỉ là của khoa tự ý làm.
Vụ cắt que thử HIV khiến dư luận hoang mang trong những ngày cuối năm 2019.
Theo các chuyên gia về hóa sinh, việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B là việc làm sai và dối trá. Không chỉ có vậy, nó còn để lại hệ lụy rất lớn với người bệnh vì có thể gây nên tình trạng âm tính giả khi que thử không được thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Được biết, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm nếu có.