4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại

Ngày 17/12/2019 00:14 AM (GMT+7)

Sức khỏe luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mọi người. Trong năm 2019 qua đã có những căn bệnh, vấn đề sức khỏe gây xôn xao dư luận bởi sự ảnh hưởng cũng như những tin đồn xung quanh khiến nhiều người hoang mang.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 1

Sáng ngày 15/3, gần 400 trẻ thuộc trường mầm non Thanh Khương và Mão Điền (huyện Thuận Thành – Bắc Ninh) được bố mẹ đưa xuống Hà Nội khám vì nghi ăn thịt lợn nhiễm sán.

230 bé 1-10 tuổi được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và 135 bé đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương xét nghiệm, trong đó phần lớn là học sinh Trường mầm non Thanh Khương. Chiều cùng ngày, 57 bé được phát hiện dương tính với sán lợn.

Kết quả này khiến hàng nghìn gia đình có con đang theo học tại 19 trường mầm non ở Bắc Ninh vô cùng lo lắng. Trong hai ngày 16-17/3, hơn 1.500 trẻ ở khắp các xã trên địa bàn Thuận Thành được đưa ra Hà Nội khám. Cuối ngày 17/3, 209 trẻ được phát hiện dương tính với ấu trùng sán lợn.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 2

Sự việc bắt đầu kể từ khi các phụ huynh phát hiện trường mầm non Thanh Khương sử dụng thịt lợn không đảm bảo để chế biến cho các bé ăn vào ngày 14/2. Mặc dù đã phản hồi với nhà trường nhưng các phụ huynh lại không nhận được câu trả lời hợp lý. Sau đó, một phụ huynh đã đưa con đi khám vì bị sốt và phát hiện con dương tính với sán lợn. 

Từ đó, dẫn tới sự việc nhiều phụ huynh vội đưa con đi khám. Trước tình hình này, ngày 18/3, Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Phía lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết tỉ lệ trẻ nhiễm sán lợn tại địa phương không có gì đột biến, bất thường vẫn ở trong ngưỡng trung bình của cả nước. Cùng với đó, nhiều chuyên gia trong ngành Y tế đã nói rõ người dân không nên quá hoang mang, chỉ cần đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ là phòng ngừa được sán lợn.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 3

BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh và điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ) cho biết cho biết, sán lợn chia làm 2 loại là nhiễm sán trưởng thành hoặc ấu trùng sán. Trong đó, nhiễm sán trưởng thành chủ yếu do ăn thịt lợn nhiễm sán (lợn gạo) chưa được nấu chín.

Còn nhiễm trứng sán (ấu trùng sán) thường là do ăn rau sống, uống nước lã có nhiễm trứng sán. Khi vào cơ thể, ấu trùng sán này có thể đi vào máu và di chuyển qua các cơ quan như da, não…

BS Thọ cho rằng nhiễm sán lợn không phải bệnh nguy hiểm, không cấp tính, điều trị dễ dàng. Do đó, việc người dân đổ xô đi làm xét nghiệm là không cần thiết và sẽ ảnh hưởng sức khỏe của cả trẻ và phụ huynh.

Theo BS Thọ, chỉ những trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, khi đi ngoài nhìn thấy đốt sán trong phân hoặc đốt sán bò ra ngoài hậu môn mới cần đi xét nghiệm gấp. Còn những trường hợp nghi ngờ nhưng không có triệu chứng gì đặc hiệu, cha mẹ có thể theo dõi phân của con trong 2,5 – 3 tháng.

Với những trường hợp bị nhiễm ấu trùng sán và lo ngại sán lên não làm tổ, hoặc đi vào các cơ… BS Thọ cho rằng, những trường hợp này thường có các triệu chứng đi kèm như động kinh, nhìn thấy u nổi dưới da, đi ngoài thấy đốt sán, đau đầu, co giật. Khi phát hiện ra thì việc điều trị có thể khỏi hoàn toàn.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 4

Năm 2019 chứng kiến sự quay trở lại của bệnh Whitmore - một căn bệnh đã bị lãng quên từ lâu, có nguy cơ bùng phát trở lại và tỷ lệ tử vong lên tới 40%.

Việc liên tiếp xảy ra nhiều ca bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” này khiến nhiều người dân hoang mang sợ sẽ lây lan thành dịch.

Tháng 8, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ghi nhận riêng trong tháng 8/2019, trung tâm đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Còn tính từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2019, trung tâm tiếp nhận 20 ca, số ca mắc bệnh này bằng cả 5-10 năm trước cộng lại. 

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 5

Hàng chục ca bệnh nhiễm vi khuẩn whitmore khiến nhiều người lo lắng bệnh có thể lây lan thành dịch.

Ngày 14/9, nguồn tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An phát hiện thêm 3 bệnh nhân nhi có vi khuẩn "ăn thịt người" ban đầu nghi do mắc quai bị. Đó là các trường hợp: Nghiêm Thanh Tuấn, 14 tuổi (Đức Thọ - Hà Tĩnh); Hoàng Văn Cao, 10 tuổi (Thanh ngọc, Thanh Chương); Nguyễn Công Hào, 11 tuổi (Công Thành, Yên Thành).

Ngày 18/11, một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội có 3 trẻ tử vong do mắc vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore trong một thời gian ngắn lại một lần nữa khiến nhiều người lo lắng. Ngày 7/12, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo phát hiện một mẫu đất trong khuôn viên gia đình phát hiện có khuẩn gây bệnh này.

Điều này đã khiến nhiều người dân lo ngại bệnh Whimore có thể lây lan và phát triển thành dịch. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định, vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho hay: “Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này."

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 6

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng nhiễm trùng tại chỗ nhẹ hoặc nhiễm khuẩn huyết kịch phát gây tử vong nhanh chóng. Bệnh gây áp xe ở nhiều cơ quan, đặc biệt ở da, gan, lách, phổi và tuyến tiền liệt, các khớp lớn cũng có thể bị ảnh hưởng. Bệnh nhân thường có biểu hiện khu trú, sưng tuyến nước bọt mang tai một bên (hay gặp ở trẻ nhỏ) và dễ nhầm sang bệnh quai bị.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Đặc biệt những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 7

Ngày 28/8, sự việc cháy công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông khiến nhiều người bất ngờ. Sau sự vụ, thông tin thủy ngân từ nhà máy bị bốc hơi ra ngoài môi trường đã gây hoang mang dư luận, đặc biệt là những người dân sống xung quanh khu vực.

Sáng ngày 30/8, đã có 12 người đi khám tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) do nghi ngờ bị nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết kết quả thủy ngân trong máu của các bệnh nhân bình thường.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 8

Nhiều người dân hoang mang trước thông tin nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông.

Bác sĩ Nguyên cho biết sau vụ cháy nhiều người dân lo ngại về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân là hoàn toàn chính đáng, bởi đây là cháy nhà máy sản xuất bóng đèn nên hoàn toàn có nguy cơ.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên cũng cho rằng trong trường hợp ngộ độc thủy ngân thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là nồng độ thủy ngân, tiếp theo là thời gian tiếp xúc... “Nếu nồng độ thủy ngân cao, thời gian tiếp xúc lâu và đặc biệt đứng theo đúng chiều gió thì nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn, đặc biệt là với người có thể trạng yếu như người già, trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Nói về những hậu quả khi không may bị ngộ độc thủy ngân, bác sĩ Nguyên cảnh báo, thuỷ ngân có nhiều dạng, khi vào trong cơ thể sẽ gây những tổn thương chính với đường hô hấp, đường tiêu hoá, thận, hệ thần kinh, một số trường hợp cả với máu và da, tổn thương phổi, suy thận, suy não, rối loạn vận động, giảm thể lực,...

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 9

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 10

Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm không khí lại được nhiều người dân quan tâm như năm 2019. Nửa cuối tháng 9, liên tiếp những cảnh báo về chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động.

Trong thời gian từ ngày 12-29/9, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Số liệu này dựa trên 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của tổng cục môi trường, 11 trạm của thành phố Hà Nội và 1 trạm của sứ quán Mỹ).

Đặc biệt trong tuần từ ngày 7-13/12, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội từ trước đến nay.

Đồng loạt nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu như ngày 13/12, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405. Cũng trong ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 11

Trong các vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất, loại bụi này chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

Trước tình hình ô nhiễm không khí nặng nề không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành, Bộ Y tế ban hành khuyến cáo cần thiết để hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, đối với người dân:

- Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

- Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

 - Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

- Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

- Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 12

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà trong những ngày ô nhiễm không khí hoặc đeo khẩu trang đúng quy cách khi ra ngoài. (Ảnh minh họa)

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý:

- Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn.

- Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

- Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

- Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.

- Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

4 vấn đề sức khỏe năm 2019 gây hoang mang: Vi khuẩn “ăn thịt người” quay trở lại - 13

Ý kiến bạn đọc

Vấn đề sức khỏe nào khiến bạn quan tâm nhất năm 2019?





2 anh em ruột tử vong do vi khuẩn Whitmore: Hít thở cũng mắc, nhưng không khó phòng bệnh
Việc tiếp xúc với bùn đất hoặc hít phải bụi có nhiễm vi khuẩn Whitmore đều có thể gây bệnh, đây là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong lên tới 40%.
Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva Top Pick 2019