Năm 2019 vừa mới đi qua và câu chuyện về những người phụ nữ can đảm này đã khiến trái tim của bao người phải thổn thức.
Chỉ nặng 20kg và phải ngồi xe lăn nhưng đôi mắt của Nguyễn Thị Vân - cô gái khuyết tật 32 tuổi - vẫn sáng rực cùng nhiều hoài bão cho cộng đồng người khuyết tật. Điều hành một trung tâm dạy nghề và một công ty đạt nhiều giải thưởng danh giá, Vân vẫn có giấc mơ xây dựng một “vườn ươm”, nơi sẽ nuôi dưỡng và chắp cánh cho những người khuyết tật mang hoài bão, ước mơ và dám chấp nhận mạo hiểm.
Chị có thân hình nhỏ nhắn và ngày càng teo tóp. Khi mới sinh ra chị cũng như bao trẻ em khác với cơ thể phát triển bình thường. Thế nhưng càng lớn, chân tay chị càng nhỏ dần, cơ thể co lại và đến một thời điểm, mọi hoạt động của chị đều phải gắn liền với chiếc xe lăn.
"Ngày xưa tôi còn nghĩ mình chết đi cho rồi, có những giai đoạn trong cuộc đời quá khủng khiếp. Đi đâu tôi cũng gặp khó khăn, bị người đời coi khinh. Tại sao tôi nỗ lực nhiều nhưng rồi kết cục lại phải chịu như thế, có quá bất công với tôi không?", Vân tâm sự.
Thế rồi chẳng có nỗi tự ti hay khó khăn nào khiến người phụ nữ bé nhỏ này cảm thấy nhụt chí: "Từ nhỏ tôi đã có thôi thúc phải làm gì đó, không chấp nhận hiện tại, từ đó tôi có hành động quyết liệt hơn so với các bạn cùng trang lứa bị khuyết tật khác, giúp cho bạn bè có cuộc sống tươi mới hơn. Tạo trung tâm dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật để có cuộc sống bền vững, từ cơ sở từ thiện, tôi lập thêm công ty kinh doanh, giúp cho người khuyết tật hiểu rằng mình không có gì khác biệt với xã hội. Hiện Trung tâm đã đào tạo một ngàn em khuyết tật, giúp các em có việc làm, tôi khá hài lòng với cuộc sống của mình. Giờ tôi trưởng thành hơn, tôi thấy những khó khăn trước đây đều nhỏ bé và bình thường. Sau những cú sốc lớn, tôi tự học cách tự đứng lên và tiếp tục".
Cuối năm 2012, chị tiếp quản trung tâm Nghị lực sống sau khi anh trai là Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng qua đời. Chị tiếp tục chèo lái và trung tâm đã đào tạo hơn 1000 người khuyết tật và hơn 80% trong số đó đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt, tự lập và có gia đình. Vân cho biết, có những bạn sau 6 tháng đào tạo đã có thể kiếm được công việc cho thu nhập 300 – 600 USD/tháng.
Nhiều người bất ngờ hơn khi biết câu chuyện tình yêu của Vân cùng người chồng hiện tại. Chồng chị là anh Neil Bowden Laurence - một kỹ sư người Úc gốc Anh. "Chúng tôi quen nhau qua facebook. Nói chuyện qua facebook cả hai đều thấy anh ấy là kỹ sư, đi nhiều mà lại ít bạn và cô đơn. Tôi thì ngược lại, dẫu là người khuyết tật nhưng đi hết chỗ này đến chỗ khác, và có không biết bao nhiêu bạn bè. Thế là chúng tôi đến với nhau", chị Vân hồi tưởng về những ngày mới quen chồng.
Câu chuyện của chị là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người về một tình yêu chân thật không có khoảng cách và phụ thuộc vào bất kỳ điều gì.
“Tôi có thể đến các hội nghị và ngồi xe lăn, đôi khi sự bất bình đẳng đến từ sự yếu thế. Khó khăn chính là phần tất yếu của cuộc sống, vì mọi việc dễ dàng thì cuộc sống tẻ nhạt lắm. Bạn không cần giống ai cả, hãy là chính mình. Khi anh ấy cầu hôn tôi, tôi đã hỏi anh ấy “Em có đẹp không”, anh trả lời “Đẹp”, tôi hỏi tiếp “Em có sexy không”, anh trả lời “Có sexy”. Vậy thì mình kết hôn!
Tôi không muốn anh ấy lấy tôi chỉ vì thương hại. Tôi nhìn vào gương thấy mình đẹp mà. Đằng sau người phụ nữ hạnh phúc viên mãn là người đàn ông yêu thương vô điều kiện. Để được yêu thương, bạn hãy tự tin với chính mình”, chị Vân chia sẻ.
Còn anh chồng của chị thì luôn dịu dàng: "Tôi rất thích nụ cười của Vân. Nụ cười ấy lúc nào cũng tươi. Cô ấy là một người truyền cảm hứng luôn nhìn thấy điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người".
Cụ bà Đỗ Thị Mơ từng là một nguồn cảm hứng lớn khi nhất định xin chính quyền cho mình ra khỏi diện hộ nghèo. Cụ Mơ năm nay 83 tuổi, sống ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Cụ Đỗ Thị Mơ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng biển xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.
Năm 1987, chồng cụ đột ngột qua đời sau một trận ốm nặng, để lại cụ một mình làm ruộng, bán hàng ăn kiếm tiền nuôi 11 người con. Cụ vẫn tự hào vì 1 mình nuôi được 11 người con đi học đầy đủ.
Năm 2018, cụ Mơ từng đạp xe từ nhà lên UBND xã, đề nghị phòng chính sách xã hội cho cụ được trả sổ hộ nghèo nhưng chưa được xem xét. Năm 2019, cụ quyết tâm "không còn nghèo" vì bản thân còn có thể giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn.
Hiện cụ chỉ còn 9 người con do hai anh con trai đã mất sớm. Những người con còn lại đều đã ổn định cuộc sống và có gia đình riêng. Riêng cụ vẫn khỏe mạnh, sống một mình trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 30 mét vuông. Tuy căn nhà của cụ trông có vẻ tồi tàn nhưng lại chẳng thiếu thứ gì: hai quạt máy, một bếp từ, một nồi cơm điện, một tủ đứng, mười mấy chai mỡ,...
Cụ không cần tập thể dục, sáng sớm chỉ cần đạp xe mấy vòng là khỏe. Cụ không khi nào ngồi yên một chỗ vì ngồi nhiều thì thấy đầu óc choáng váng, còn khi trèo lên xe đạp cụ vẫn phóng vù vù. Phương châm sống của cụ là sống vui, sống khỏe, sống vô tư.
Công việc hằng ngày của cụ Mơ là nuôi gà, trồng rau rồi đem ra chợ bán kiếm đồng ra đồng vào mà không phải nhờ cậy con cái. "Nếu ở với con cái thấy bạn bè mình túng khổ, hay những người khó khăn hơn, tôi muốn giúp người ta, không lẽ lấy của con mà cho. Cho nên tôi ở một mình như vậy, tôi cho là của tôi, còn đứa mô gặp khó khăn thì tôi giúp đỡ. Đứa mô giàu có thì tôi không xin. Rứa đó nả! 11 đứa con mà tui chưa phải phiền đến đứa mô", cụ chia sẻ.
Thực tế, nếu chiếu theo quy định, quy chế hiện hành, thì gia cảnh cụ Mơ vẫn thuộc diện hộ nghèo. “Tôi có chỗ nương tựa rất nhiều, nhưng tôi chưa phải nương tựa ai. Tôi xin phép Ủy ban cho tôi trả lại cái sổ hộ nghèo. Tôi xin thoát nghèo" - cụ Mơ khảng khái.
Cụ Mơ từng khiến nhiều người cảm phục vì tự đạp xe lên xã đòi ra khỏi hộ nghèo, xã hỏi rằng: "Giờ bà già bằng ấy tuổi rồi, còn ở một mình, mà bà xin thoát nghèo, liệu có đảm bảo được không?".
Cụ khẳng định luôn: "Tôi đảm bảo được mới xin thoát nghèo! Tôi đang còn giúp đỡ những người nghèo khổ hơn tôi cơ mà. Hay là các ông định để tôi nghèo, mà đến lúc chết tôi còn chết trong cảnh nghèo à? Tôi làm đơn rồi, các ông kí vô đi! Tôi nói không phải chê, nhưng mỗi tháng lên xã xách mấy bao gạo với quần áo về, tôi không làm thế được. Các thứ đó phải nhường cho những người khác".
"Tôi thoát nghèo cũng là để giữ danh dự của tôi. Tuy rằng tôi tuổi cao, nhưng tuổi cao thì ý chí càng cao, có tư duy, có bản lĩnh, nên không có việc gì khó. Những việc khó nếu hạ quyết tâm thì sẽ vượt qua được. Tôi tự tính toán cho cuộc đời của mình, để khi về già không phải sống trong nghèo khổ. Cứ làm việc chân chính, sống có tình làng nghĩa xóm, thì dẫu mình có nghèo, người ta cũng không để mình phải nghèo".
Thoát nghèo, cụ Mơ lên chức... cận nghèo. Không lương bổng, cụ chỉ còn được hưởng tiền chế độ tuổi già, mỗi tháng 270.000 đồng. Cứ 2 tháng, cụ để dành được 540.000 đồng. Cụ chỉ dám tiêu 40.000, đem 500.000 gửi vào Hội chữ thập đỏ của xã, trao tặng chị Nguyễn Thị Lý ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Chồng chết, chị Lý một mình nuôi 4 đứa con chất độc màu da cam. Mỗi ngày, chị đi nhặt sắt vụn, ve chai, ai thuê gì làm nấy, cụ Mơ bảo chị còn khổ hơn cụ gấp vạn lần.
Sau khi qua đời, cụ Mơ có nguyện vọng nhường căn nhà cấp 4 hiện đang sinh sống cho Hội từ thiện, để bất cứ ai nghèo khổ đều có thể đến ở.
Những ngày cuối tháng 7, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều bất ngờ trước bức thư đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng gửi tới hơn 40 trường học của em Nguyễn Nguyệt Linh (cựu học sinh lớp 5, hiện đang học lớp 6G2, trường Marie Curie, Hà Nội). Lần đầu tiên ý kiến của một em nhỏ lại nhận được sự quan tâm đến thế từ những “người lớn”.
Chị Lê Nguyệt mẹ của Nguyễn Nguyệt Linh cho biết: con gái đã "từ chối" trò chơi thổi bóng bay, vì biết đây cũng là rác thải, không tốt cho môi trường. Mới đây, Nguyệt Linh bày tỏ mong muốn viết thư gửi đến các trường tại Hà Nội về việc không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Thấy ý tưởng của con nhân văn, ý nghĩa với môi trường, gia đình đã ủng hộ và động viên con. Cô bé tìm địa chỉ email của hiệu trưởng các trường học ở Hà Nội, tự đánh máy và gửi thư đến 40 nơi khác nhau.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội khi nhận được bức thư này từ một người bạn thân gửi đến đã rất bất ngờ, xúc động và viết thư trả lời em Nguyễn Nguyệt Linh:
"Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là 'Lễ khai giảng Nguyệt Linh' để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng. Thầy hạnh phúc vì con."
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, bà rất ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của Nguyệt Linh, em học sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước một vấn đề nóng của xã hội và có ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường.
"Bức thư của em những ngày qua đã truyền cảm hứng và "đánh thức" người lớn nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa từ việc thả bóng bay - một việc thường được làm trong mỗi dịp khai giảng nhưng ít ai nghĩ về tác hại của nó. Bộ GD&ĐT hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng xuất sắc, thiết thực của em Nguyệt Linh", bà Nghĩa nói.
Trước khi có hoạt động viết thư, tháng 4/2019, Nguyệt Linh xin thầy Lekima Hùng ("kẻ săn rác" với hành trình xuyên Việt chụp 3.000 bức ảnh về rác thải) một số bức ảnh từ chuyến đi xuyên Việt của thầy, dùng công cụ được học từ 1 khóa làm phim của trung tâm Innovakid để dựng thành 1 clip dài 5 phút tuyên truyền về việc hạn chế rác thải nhựa. Sau đó, em gửi clip cho cuộc thi Dream and Do Contest và đạt giải 3. Tháng 6/2019, Nguyệt Linh tham gia khóa học làm phim của trung tâm TPD, em đã viết kịch bản về chủ đề rác thải nhựa và cùng các bạn hoàn thành một phim ngắn về chủ đề này.
Thái Vân Linh (sinh năm 1977) là một doanh nhân Việt Nam. Chị hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures chuyên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thái Vân Linh còn được nhiều người gọi với cái tên “Shark Linh” bởi chị là một trong các “Shark” trong chương trình “Shark Tank” - Thương vụ bạc tỷ.
Ngay từ nhỏ, Shark Linh đã có ý tưởng độc lập và làm rất nhiều việc để phụ giúp gia đình. Lớn lên, chị cũng học giỏi, chăm chỉ khi tốt nghiệp thạc sĩ và làm việc trong lĩnh vực tài chính. Sau thời gian bươn chải ở Mỹ, chị quyết định về Việt Nam để sinh sống và cống hiến. Shark Linh hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Vingroup Ventures - chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, chị còn là người sáng lập của một thương hiệu thời trang có tiếng.
Trên thương trường, Shark Linh nổi tiếng là người mạnh mẽ. Vì quá cá tính như vậy nên chị từng nghĩ mình sẽ không cần lấy chồng và sống cuộc đời độc thân vui vẻ. Chị trau dồi kiến thức của mình bằng cách học và thi liên tục, chị giành điểm cao và liên tục nhân bằng. Chị thăng tiến trong công việc một cách nhanh chóng. Thời gian chị dành cho công việc là hơn 12 tiếng/ngày và bỏ quên mất bản thân mình.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ sau khi chị gặp lại người bạn cũ từ thời sinh viên vốn đã mất liên lạc đến tận 10 năm. Shark Linh đã kể về cuộc hôn nhân của mình bằng câu nói "cái duyên cái số nó vồ lấy nhau" là như vậy. Và thành quả hiện tại của chị là một tổ ấm hạnh phúc với công chúa nhỏ và một thiên thần nữa vừa mới chào đời vào cuối năm 2019 vừa qua.
Giờ đây Shark Linh không chỉ bận rộn với công việc mà còn bắt đầu tập tành hành trình làm vợ, làm mẹ. Chị vào bếp để tự tay nấu đồ ăn dặm cho con dù trước giờ chị chẳng biết nấu món gì. Chị cũng thường xuyên khoe những bức ảnh hạnh phúc bên chồng và 2 con nhỏ. Người phụ nữ từng cho rằng mình không cần lấy chồng giờ đây cũng hưởng niềm hạnh phúc như bao người phụ nữ khác.
Những quan điểm cá nhân của Shark Linh trên mạng xã hội luôn nhận được sự ủng hộ của người mến mộ. Nhiều người coi chị là một nguồn cảm hứng giúp họ có một hình mẫu để học hỏi. Khi vừa sinh em bé, ngày 12/12 vừa qua, chị nhắn nhủ tới những thiên thần đáng yêu của mình: “Làm mẹ là một chức vụ khó đảm nhận nhất mà mẹ từng có, nhưng nhờ đó mẹ cũng đã nhận được những điều thiêng liêng nhất. Có một câu nói: “Trong khi chúng ta cố gắng để dạy trẻ em của chúng ta tất cả về cuộc sống, bọn trẻ lại dạy chúng ta ý nghĩa cuộc sống là gì”.
Con và chị con đã làm mẹ rất hạnh phúc từ những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống và trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau. Các con là động lực để mẹ duy trì sự lạc quan và bình tĩnh đương đầu với những thử thách. Con tạo cho mẹ nguồn cảm hứng để trở thành một hình mẫu lý tưởng cho các con.”