6 đại án nghiêm trọng dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2023: Có đại gia chiếm đoạt 304 nghìn tỷ đồng

H.A - Ngày 11/12/2023 14:43 PM (GMT+7)

Trong năm 2023, nhiều vụ đại án nghiêm trọng bị đưa ra truy tố, khiến dư luận dậy sóng, nổi bật trong số đó là vụ án ở Vạn Thịnh Phát và Tân Hiệp Phát.

Đại án Vạn Thịnh Phát, đại gia Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng

Ngày 18/11, bà Trương Mỹ Lan - chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. C03 cáo buộc hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được thực hiện như "một tổ chức tội phạm với quy mô rất lớn". 

Đại gia Trương Mỹ Lan bên chồng.

Đại gia Trương Mỹ Lan bên chồng.

Theo kết luận, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Những người được thuê này đều có quan hệ họ hàng hoặc là cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua nhóm lãnh đạo chủ chốt tại SCB, bà Trương Mỹ Lan sử dụng nhà băng này như "một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức…".

Bà Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần. Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân mình; cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB – vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào. 

Cơ quan điều tra xác định bị can Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2018 - 2020, bà Trương Mỹ Lan có các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư. Vụ đại án đã khiến 85 đối tượng bị truy nã, truy tố và vẫn đang trong giai đoạn điều tra.

Vụ án Trần Quí Thanh - Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát

Ngày 10/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương để điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Việc khởi tố cha con ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (cùng là phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát) sau khi có nhiều đơn tố cáo và được Bộ Công an giao Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) thụ lý từ ba năm trước, liên quan nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP.HCM và Đồng Nai. Tuy nhiên, đến tháng 11/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hạn và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan công tác giám định.

6 đại án nghiêm trọng dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2023: Có đại gia chiếm đoạt 304 nghìn tỷ đồng - 2

Cụ thể, vụ án được khởi tố căn cứ vào đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh, cùng một số cá nhân khác tố cáo bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cùng một số cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP HCM và Đồng Nai.

Theo đơn tố cáo, ông Trần Quí Thanh cùng một số cá nhân liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh hơn 1.000 tỉ đồng.

Trước đó, tháng 12/2020, UBND TP HCM nhận được đề nghị của Bộ Công an về việc ngăn chặn mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) và yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, pháp lý liên quan tới 33 thửa đất tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức đều do bà Trần Uyên Phương đứng tên.

Nhà xe Thành Bưởi: Từ tai nạn chết người đến loạt sai phạm nghiêm trọng

Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do nhà xe Thành Bưởi gây ra khiến 5 người tử vong tại Đồng Nai, ngày 10/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Quán đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Dương (SN 1991), Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi về tội "Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo khoản 3, Điều 263 Bộ luật Hình sự.

Loạt sai phạm của nhà xe Thành Bưởi bị phơi bày.

Loạt sai phạm của nhà xe Thành Bưởi bị phơi bày.

Trưa 10/11, Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh khám xét trụ sở chính Công ty TNHH Thành Bưởi (Công ty Thành Bưởi) tại số 266 - 272 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5 (TP HCM). Theo đó, hàng loạt sai phạm của công ty Thành Bưởi bị “phơi bày”. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vào cuộc thanh tra các hoạt động của Công ty Thành Bưởi và ra quyết định xử phạt 91 triệu đồng về 8 lỗi vi phạm, đồng thời tước giấy phép kinh doanh không thời hạn do "cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh".

8 lỗi vi phạm của Thành Bưởi bao gồm: Thứ nhất, không thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định. Thứ hai, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng kinh doanh vận tải khách du lịch không thực hiện đúng quy định về đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện. Thứ ba, có bộ phận quản lý theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông nhưng bộ phận này không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định.

Thứ tư, có lập nhưng không cập nhật đầy đủ, chính xác lý lịch phương tiện theo quy định. Thứ năm, có lập nhưng không cập nhật đầy đủ, chính xác lý lịch hành nghề của lái xe theo quy định. Thứ sáu, sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch có hợp đồng vận chuyển (hợp đồng lữ hành), danh sách hành khách nhưng không bảo đảm yêu cầu theo quy định.

Thứ bảy, sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch mà trên xe không có hợp đồng vận chuyển (hợp đồng lữ hành), danh sách hành khách kèm theo. Thứ tám, có tổ chức khám sức khỏe cho lái xe nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định.

Bắt đại gia Nguyễn Cao Trí - Lừa đảo chiếm đoạt 40 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan

Theo báo cáo của Cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại công ty cổ phần An Đông hay còn gọi là vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra phát hiện bà Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với ông Nguyễn Cao Trí.

Đại gia Nguyễn Cao Trí.

Đại gia Nguyễn Cao Trí.

Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho ông Trí số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bà Lan đã chuyển. Ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ việc bà Lan chuyển tiền cho ông Trí với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền kể trên.

Cụ thể, trong quá trình hợp tác kinh doanh, bị can Trí thỏa thuận chuyển nhượng 65% vốn của Công ty Cao su Công nghiệp (trị giá 45 triệu USD) cho bà Lan. Sau đó bà Lan đã chuyển 21,25 triệu USD (tương đương khoảng 476 tỷ đồng), tương ứng với 31,22% cổ phần.

Do cổ phần Công ty Cao su Công nghiệp không được chuyển nhượng trong 5 năm, nên các bị can thống nhất ký hợp đồng ủy thác đầu tư, nhờ ông Hồ Quốc Minh (người quen của cả ông Trí và bà Lan) đứng tên hợp đồng, không báo cáo Công ty Cao su Công nghiệp

Sau đó, bị can này đã nhiều lần nhận tiền của bị can Trương Mỹ Lan, tổng cộng 1.000 tỷ đồng, thông qua ba hình thức là chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, Trí thống nhất chuyển nhượng cho Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thống nhất với Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần. Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Cao Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng mà không trao đổi với bà Lan, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, chiếm đoạt tiền đã nhận của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tại Cơ quan điều tra, ông Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản của Trí để đảm bảo thu hồi tài sản trong vụ án. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh bị cáo buộc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ tài sản khi khám xét (trên 93 tỷ đồng), kê biên 7 bất động sản do vợ chồng ông Trí đứng tên (tổng trị giá hơn 266 tỷ đồng) và gia đình đại gia này đã nộp hơn 640 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả; tổng cộng trên 1.001 tỷ đồng.

Vụ án Tân Hoàng Minh - 6.600 nhà đầu tư bị chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng

Ngày 22/11/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người khác bị truy tố cùng tội danh trên.

Cơ quan truy tố cáo buộc ông Dũng cùng các đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch, thực hiện các phương án gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư lên đến hơn 8.600 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng trong vụ Tân Hoàng Minh.

Nhóm đối tượng trong vụ Tân Hoàng Minh.

Đầu năm 2021, tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể tám gói trái phiếu mà công ty đã phát hành. Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng chỉ đạo con trai mình tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.

Ba công ty con được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Công ty bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông. Do kết quả hoạt động của cả ba công ty không đủ điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu nên Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính theo hướng không đúng với thực tế. Từ đó, các báo cáo tài chính được "đánh bóng" tạo lãi "khống" để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Ông Dũng và các đồng phạm bị cơ quan truy tố cáo buộc thông qua phát hành trái phiếu đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng. Theo cáo trạng, số tiền huy động được từ việc gian dối phát hành trái phiếu đã bị chủ tịch Tân Hoàng Minh sử dụng gần hết không đúng mục đích, như dùng hơn 5.100 tỷ đồng trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.

Tại cơ quan điều tra, ông Dũng còn khai vào năm 2022 sử dụng 585 tỉ đồng từ huy động trái phiếu để đặt cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM).

Vụ án "thông thầu" ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai

Liên quan đến vụ án "thông thầu" tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bản án sơ thẩm nhận định, năm 2003, với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy) và ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), nhằm để AIC được chỉ định tham gia đấu thầu, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng bệnh viện, với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng trong vụ AIC.

Nhóm đối tượng trong vụ AIC.

Cụ thể, bà Nhàn sau đó trực tiếp đưa hối lộ và chỉ đạo Phó Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà nhiều lần đưa cho các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái, mỗi người 14,5 tỷ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện) 14,8 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Ngọc Thu 1 tỷ đồng.

Theo HĐXX, trong vụ án, bị cáo Nhàn là người điều hành mọi hoạt động của Công ty AIC, đồng thời, chỉ đạo nhân viên “móc nối” với cán bộ thuộc sở ban ngành tại Đồng Nai thiết lập công ty “quân xanh”, “quân đỏ” để thông thầu. Sau khi trúng thầu, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp chi tiền cho những người liên quan. Hành vi của bà Nhàn giúp AIC hưởng lợi trái phép hơn 140 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng. 

Đỗ Văn Sơn (SN 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC), đối tượng truy nã trong đại án AIC đã về đầu thú. Ngoài Đỗ Văn Sơn, 7 bị cáo khác (trong đó có cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn) vẫn đang bỏ trốn. Đỗ Văn Sơn bị cơ quan truy tố cáo buộc, với nhiệm vụ là Kế toán trưởng Công ty AIC, đã giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu của dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 95,9 tỷ đồng.

Với những sai phạm trên, đầu tháng 1/2023, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn tổng mức án 30 năm cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Nữ đại gia Việt với dung mạo xinh đẹp từng gây chú ý khi xuất hiện tại tòa án: Chồng tỷ phú đang ở tù, đời tư kín tiếng
Nữ đại gia thường được nhắc đến với tư cách là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh, đặc biệt là ngân hàng.

Đại gia tỷ phú

Theo H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đại gia tỷ phú