Dù sở hữu trong tay khối tài sản lên tới hàng tỷ USD nhưng người phụ nữ này luôn xuất hiện giản dị với mái tóc thắt bím 2 bên, nói không với hàng xa xỉ. Cuộc kiện tụng tranh chấp tài sản giữa bà và bố chồng từng tốn không ít giấy mực của báo chí.
Nhắc đến Cung Như Tâm (Nina Wang), người ta thường nghĩ đến hình ảnh của nữ tỷ phú kỳ quặc bậc nhất thế giới. Bà có thể khẳng định được vị trí vững chãi ở Hồng Kông, nơi tưởng chừng chỉ là cuộc đua của các ông lớn. Nina Wang từng là người giàu nhất châu Á với khối tài sản thống kê được vào năm 2011 là 4,2 tỷ USD (102 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Cuộc đời người phụ nữ này đầy những thăng trầm, khúc mắc và tiếc nuối. Nina suốt đời sống rất giản dị. Bà chưa bao giờ mặc quần áo xa xỉ, càng đừng nói đến trang sức đắt tiền, chi phí hàng tháng nhiều nhất chỉ chưa đến 385 USD (9,3 triệu đồng). Có thể nói, cuộc đời của Nina Wang là minh chứng rõ ràng cho câu nói: “Chỉ những người đã chịu đựng đủ đau khổ mới có thể đứng trên đỉnh kim tự tháp”.
Tuổi trẻ và những năm yêu xa
Vào tháng 9 năm 1937, Nina Wang được sinh ra trong một gia đình thương gia ở Thượng Hải. Bố của bà và bố chồng tương lai lúc này là anh em kết nghĩa. Hai gia đình có điều kiện kinh tế tương đồng, mối quan hệ hai bên cũng tốt nên Nina Wang và Teddy Wang quen biết rồi có tình cảm với nhau một cách rất tự nhiên. Bố mẹ hai bên không biết về mối quan hệ của họ và chỉ coi họ là bạn tốt nhưng điều này không ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai người.
Năm 1947, Teddy Wang cùng gia đình rời Thượng Hải đến phát triển ở Hồng Kông. Gia đình Nina Wang ở lại Thượng Hải và tiếp tục công việc kinh doanh của mình. Hai người trẻ không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ qua những lá thư.
Năm 1949, một con tàu sang trọng không may gặp nạn và chìm trên đường từ Thượng Hải đến cảng Keelung ở Đài Loan, trong số nạn nhân có cha của Nina. Bà mất đi người bố thân yêu của mình, gia đình mất đi trụ cột. “Tôi cảm thấy cuộc đời mình lúc đó thật ảm đạm. Nếu không có sự kiên trì của anh ấy (Teddy Wang), tôi thực sự không biết bây giờ mình sẽ ra sao”, Nina hồi tưởng.
Cái chết của ông Cung không chỉ giáng một đòn nặng nề vào tâm lý của Nina mà còn lên cả việc học của bà. Nina trở thành niềm hy vọng và chỗ dựa lớn nhất của gia đình, buộc phải bỏ học tại Đại học Sư phạm Thượng Hải. Từ một gia đình giàu có nay lâm vào cảnh khó khăn, có thể nói nếu không có sự giúp đỡ của Teddy Wang, Nina có lẽ đã không vượt qua được. Trong những năm tháng đau khổ đó của Nina, Teddy chính là ánh sáng, không chỉ mang đến cho bà sự an ủi, động viên về mặt tinh thần mà còn giúp đỡ bà rất nhiều về tài chính.
Năm 1955, khi Nina vừa tròn 18 tuổi, bà đã vượt hàng ngàn dặm xa để đến Hồng Kông gặp Teddy. Tháng 9 cùng năm, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình, Teddy Wang kết hôn với mối tình đầu của mình. Ông cũng bày tỏ mong muốn được độc lập và phát triển sự nghiệp của riêng mình tại Hồng Kông. Chẳng bao lâu sau, cặp vợ chồng trẻ bắt đầu quan tâm đến ngành bất động sản Hồng Kông.
Vợ chồng đồng lòng, kề vai sát cánh
Năm 1960, Hồng Kông ở trong thời kỳ phát triển nhanh chóng. Người ta nói rằng, khi đó khắp nơi ở Hồng Kông đều có vàng. Ngành công nghiệp nào cũng cần lượng vốn lớn để khởi nghiệp, thứ duy nhất rẻ hơn chính là giá đất ở Hồng Kông. Không lâu sau, cặp đôi đã thành lập Chinachem Real Estate và chỉ trong vài năm, hiệu quả hoạt động đã giúp giá trị công ty tăng lên gấp nhiều lần.
Có thể nói, yếu tố làm nên thành công lớn của Chinachem Real Estate nằm ở dịch vụ một cửa, ý tưởng độc đáo của Nina. Từ việc xây dựng, bán nhà đến quản lý tài sản, Chinachem Real Estate đều cung cấp dịch vụ. So với phương thức tiếp thị của các nhà phát triển bất động sản khác lúc bấy giờ là chỉ tập trung vào việc mua đất và không quan tâm đến bất cứ điều gì khác, sự khác biệt của Chinachem Real Estate đã giúp họ nhanh chóng nổi bật giữa đám đông.
Thành công lớn trong ngành bất động sản đã biến "Chinachem Real Estate" thành "Chinachem Group". Quãng thời gian này cũng cho Nina cơ hội phát huy hết tài năng của mình trong quá trình sát cánh cùng chồng kinh doanh, giúp ông đưa ra những quyết định đúng đắn về một số xu hướng kinh tế thị trường. Đến những năm 1980, tập đoàn này có doanh thu lên tới hàng trăm triệu đô la Hồng Kông.
Sau nhiều năm chung sống, cặp đôi Nina và Teddy dù không có con nhưng hai người họ luôn rất tình cảm. Mối quan hệ không hề trở nên buồn tẻ vì thiếu đi tiếng trẻ thơ mà ngày càng trở nên khăng khít hơn.
Hai vụ bắt cóc xảy ra, nỗi đau chia cắt mãi mãi
Khi Bất động sản Chinachem đang phát triển mạnh mẽ, Teddy Wang đã bị một số đối tượng nhắm tới. Năm 1983, cặp đôi khi đang lái xe ra ngoài như thường lệ thì bất ngờ gặp tai nạn và bị một nhóm côn đồ bắt cóc. Để lấy tiền chuộc, bọn cướp đã thả Nina và ra lệnh cho bà không được gọi cảnh sát. Teddy được trả tự do sau khi Nina chuyển cho những kẻ bắt cóc 11 triệu USD (267 tỷ đồng).
Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài được bao lâu, ngày 10/4/1990, Teddy Wang lại bị bắt cóc với số tiền đòi chuộc cao ngất ngưởng, lên tới 60 triệu USD (1,45 nghìn tỷ đồng). Nina dù đã không ngừng chuẩn bị tiền chuộc nhưng sau khi bọn bắt cóc lấy được tiền chuộc, Teddy vẫn không trở về.
Sau đó, tất cả những kẻ bắt cóc đều bị cảnh sát bắt giữ, tin tức ông Teddy bị ném xuống biển cũng được chúng xác nhận song Nina không muốn tin vào điều đó. Bà tin rằng chồng mình là "người đàn ông may mắn", chỉ mất tích chứ chưa qua đời.
Trong lúc tiếp quản Tập đoàn Chinachem của chồng và trở thành nữ chủ tịch, bà đã chi rất nhiều tiền để tìm tung tích của chồng. 7 năm kể từ khi Teddy mất tích, Tập đoàn Chinachem dưới sự quản lý của Nina Wang phát triển rất thịnh vượng. Điều này lại khiến cha của Teddy cho rằng sự mất tích của con trai ông có liên quan đến con dâu với mục đích thống trị Tập đoàn Chinachem.
Nắm trong tay khối tài sản khổng lồ nhưng nữ đại gia này lại có cuộc sống rất khiêm tốn. Bà không bao giờ mua mỹ phẩm hàng hiệu, cũng không tốn nhiều tiền để làm tóc. Nina thường xuất hiện trong những trang phục đơn giản với giá chỉ vài chục nhân dân tệ, tóc luôn thắt bím 2 bên. Có thông tin cho rằng Nina luôn ăn vận như vậy thì ông Teddy từng thích như thế. Vì kiểu tóc này mà Nina còn có biệt danh là "Little Sweetie" trong ngành.
Bố chồng kiện con dâu ra tòa
Với những nghi ngờ trong mình, năm 1997, bố chồng 86 tuổi của Nina đã đưa bà ra tòa. Ông muốn đòi quyền thừa kế tài sản tài sản thừa kế do con trai ông để lại khi còn sống. Ông lấy di chúc do Teddy Wang đã lập năm 1968, trong đó ghi rằng sau khi Teddy qua đời, tất cả tài sản thừa kế đều thuộc về người bố.
Không chịu thua kém, Nina đã đưa ra di chúc do chồng viết vào năm 1990, trong đó nêu rõ sau khi ông qua đời, toàn bộ tài sản thừa kế sẽ thuộc về vợ. Bố chồng con dâu tranh cãi gay gắt trước tòa, tố cáo nhau rằng di chúc trong tay đối phương là giả. Cuộc chiến pháp lý của gia đình này xuất hiện trên trang nhất của báo chí trong nhiều năm liền.
Năm 2002, tòa ra phán quyết có lợi cho bố chồng nhưng Nina không phục và nhất quyết kháng cáo. Năm 2004, tòa vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu. Năm 2005, Nina đã thắng kiện thành công và bảo vệ được tài sản thừa kế do chồng để lại. Tuy nhiên, bố chồng bà lại phải gánh 600 triệu đô la Hong Kong (1,8 nghìn tỷ đồng) chi phí pháp lý sau khi thua kiện.
Vụ kiện kéo dài 8 năm kết thúc đầy kịch tính. 18 tháng sau khi thắng kiện, Nina Wang không may qua đời vì bệnh ung thư, bố chồng cũng qua đời 3 năm sau đó. Trước khi qua đời, Nina đã chuyển nhượng tài sản thừa kế của mình cho quỹ ủy thác của Tập đoàn Chinachem. Đối tượng thụ hưởng của quỹ chủ yếu là các tổ chức phúc lợi, y tế và giáo dục khác ở Trung Quốc.