Từ tháng 3/2022, nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương cũng như điều kiện mới về kinh doanh bất động sản, lệ phí trước bạ sẽ chính thức có hiệu lực.
Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 37/2021 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng thêm từ tháng 3/2022.
Theo đó, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động đang hưởng lương hưu hằng tháng; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng trước 01/01/2022 đang nhận mức lương hưu, trợ cấp từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng;
- Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng sẽ được tăng lên mức 2,5 triệu đồng/tháng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 nhưng việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp được thực hiện từ ngày 01/01/2022.
Tăng mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc
Thông tư 2/2022/TT-BNV về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 1-1-2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Cụ thể, mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 1-1-2022 (đã làm tròn số) đối với cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc được điều chỉnh như sau:
- Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 2.473.000 đồng/tháng;
(Trước đây, theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2019/TT-BNV mức hưởng là 2.116.000 đồng/tháng).
- Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng;
(Trước đây, mức hưởng là 2.048.000 đồng/tháng).
- Đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng.
(Trước đây, mức hưởng là 1.896.000 đồng/tháng).
Thu nhập dưới 2 triệu/tháng ở thành phố là hộ nghèo
Đây là nội dung tại Nghị định 07 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế Quyết định 59/2015. Nghị định có hiệu lực từ 15/3.
Từ thời điểm này, chuẩn nghèo sẽ điều chỉnh tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Ở khu vực thành thị, hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống (Ảnh minh họa)
Về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn được tính có mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người mỗi tháng và ở thành thị là 2 triệu đồng.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được quy định trên 6 dịch vụ gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Theo Nghị định 07, chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Ở khu vực thành thị, hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Quy định mới về hoạt động trạm thu phí đường bộ
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.
Thông tư quy định rõ tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ là phải đặt trong phạm vi của dự án; phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại UBND cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/03/2022 và thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Thay đổi điều kiện kinh doanh bất động sản
Nghị định 02 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực từ 1/3/2022.
Nghị định 02 bỏ quy định kinh doanh bất động sản phải có 20 tỷ đồng vốn pháp định như trước đây. Tuy nhiên, Nghị định vẫn có yêu cầu bắt buộc về tiềm lực tài chính của các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Theo đó, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô dưới 20ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô từ 20ha trở lên. Đây là một yêu cầu mới.
Ban hành kèm theo Nghị định này là 08 mẫu hợp đồng sử dụng cho các hoạt động: mua bán căn hộ chung cư; mua bán căn hộ du lịch; mua bán nhà ở riêng lẻ; chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Điều đáng nói, Nghị định này yêu cầu các hoạt động kinh doanh bất động sản từ thời điểm Nghị định có hiệu lực, tức là từ ngày 01/3/2022, đều bắt buộc phải sử dụng các mẫu trên.
Trong khi trước đây, các mẫu hợp đồng dược ban hành chỉ có giá trị để các bên tham khảo trong quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng, không bắt buộc phải tuân theo.
Người vi phạm giao thông tại Hà Nội nộp phạt trực tuyến từ ngày 1/3
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết từ ngày 1/3 tới đây, người vi phạm giao thông trên địa bàn TP có thể nộp phạt trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo đó, khi phát hiện trường hợp vi phạm, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu người vi phạm cung cấp số điện thoại, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân...
Từ ngày 1/3 tới đây, người vi phạm giao thông trên địa bàn TP có thể nộp phạt trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tiếp đó, CSGT ra quyết định xử phạt, đăng tải lên cổng dịch vụ công Quốc gia, đồng thời gửi mã số cho người vi phạm qua điện thoại. Nhận được mã số, người vi phạm truy cập vào cổng dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html), tiến hành tra cứu và làm theo các bước hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt online.
Theo Phòng CSGT Hà Nội, thông thường để nộp phạt, người dân phải đến trụ sở công an làm việc theo lịch hẹn, tiếp đến ra kho bạc nộp tiền, rồi trở lại trụ sở công an làm việc, nhận giấy hẹn. Cuối cùng, đến hết thời gian hẹn, người vi phạm lại đến trụ sở công an nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Với hình thức này, người vi phạm mất ít nhất 4 lần đi lại.
Với hình thức nộp phạt trực tuyến qua cổng dịch vụ công, người dân không phải đi lại, các tài xế tỉnh ngoài cũng không phải đi xa nộp phạt. Người vi phạm chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc nộp phạt trực tuyến sẽ tránh được việc đi lại, tiếp xúc dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Các trường hợp được miễn lệ phí trước bạ với nhà, đất
Theo Nghị định 10 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, có 19 trường hợp nhà, đất được miễn lệ phí trước bạ. Trong đó có nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng của những người thân trong gia đình, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nhà, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần và sử dụng vào mục đích công cộng; thăm dò, khai thác khoáng sản; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… cũng là trường hợp được miễn lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, quy định miễn lệ phí trước bạ còn được áp dụng với nhà, đất sử dụng vào mục đích cộng đồng của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng được Nhà nước công nhận hoặc được phép hoạt động; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa hay nhà, đất, tài sản đặc biệt, chuyên dùng, phục vụ quốc phòng, an ninh; nhà, đất thuộc tài sản công dùng làm trụ sở cơ quan của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân...