Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương. Từ 1/7/2024, tăng lương cơ sở hơn 30% lên 2.340.000 đồng. Vậy những đối tượng nào sẽ được áp dụng nếu tăng lương cơ sở?
9 nhóm đối tượng áp dụng mức lương cơ sở mới nhất từ ngày 1/7/2024
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Căn cứ vào kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương theo "lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi".
"Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQVN, tổ chức chính trị - xã hội và hội được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, TP trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Từ 1/7/2024, tăng lương cơ sở hơn 30% lên 2.340.000 đồng. Ảnh minh họa: TL
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 24/2023/NĐ-CP:
- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thoả thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP).
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Như vậy, 9 nhóm đối tượng trên sẽ áp dụng việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1/7/2024 theo như phương án Bộ Chính trị đồng ý.
Thiết kế bảng lương mới dựa trên yếu tố nào?
Khi thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương mới sẽ được thiết kế dựa trên việc xác định của 5 yếu tố theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 như sau:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.