Sở Công Thương Hà Nội vừa có tờ trình UBND TP.Hà Nội nghiên cứu "Đề án sử dụng xe đạp" trong nhân dân nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Đề án vừa đưa ra đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều...
Chỉ phù hợp tuyến ngắn
Theo Sở Công Thương, ở Hà Nội, các phương tiện giao thông như ôtô, xe máy phát triển quá nhanh là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường đô thị.
Do vậy, xe đạp phát triển sẽ là giải pháp giảm ùn tắc giao thông đô thị hiệu quả.
Đề án dự kiến được thực hiện trong 24 tháng với kinh phí khoảng 900 triệu đồng để tính toán về chất lượng đường sá, phương pháp quản lý, quy hoạch giao thông...
Tuy nhiên, thực tế, thói quen sử dụng xe đạp đi lại hàng ngày ở Hà Nội mới chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ dân chúng.
Đang có nhiều ý kiến trái chiều về Đề án khuyến khích đi xe đạp của Sở Công Thương Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Bách nhà ở Ngọc Thụy (Long Biên – Hà Nội, đang làm việc tại một công ty trên phố Thụy Khuê) vừa “tậu” một chiếc xe đạp để làm phương tiện chủ yếu đến cơ quan cho biết: Đi xe đạp không những rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường mà trong thời buổi kinh tế khó khăn còn đỡ được tiền mua xăng.
Đánh giá về đề xuất của Sở Công Thương Hà Nội, anh Bách cho rằng, đề xuất này cần có một bộ phận nhỏ công dân thử nghiệm.
Đối tượng áp dụng đầu tiên có thể là cán bộ viên chức nhà nước, rồi sau đó người dân sẽ noi theo. Sở dĩ anh Bách cho rằng đề án cần phải “thử nghiệm” bởi thực tế đi xe đạp đi làm cũng có những cản trở nhất định.
Thứ nhất, hiện nay giá xe đạp vẫn còn khá đắt do vậy sẽ rất khó để đông đảo người dân lựa chọn phương tiện này đi. Hơn nữa, xe đạp chỉ phù hợp với những người làm việc một chỗ cố định, ít phải “chạy” nhiều nơi.
“Những hôm không phải đi ra ngoài liên hệ công việc đi xe đạp tôi thấy rất tiện, nhưng nhiều hôm phải “chạy” ra ngoài, phải đi quãng đường xa đi xe đạp cũng rất bất tiện”, anh Bách nói.
Ông Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho rằng: Đề án khuyến khích đi xe đạp của Sở Công Thương Hà Nội đề xuất hoàn toàn khả thi, vừa giảm ùn tắc giao thông vừa bảo vệ môi trường và nâng cao sức khoẻ cho người đi xe đạp.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, đề án này chỉ hợp lý với những tuyến cự ly ngắn trong giới hạn hợp lý từ 4km trở xuống.
“Hiện nay những chuyến đi dưới 4km Hà Nội chiếm 50%. Do vậy nếu xét ở các tuyến cự lý ngắn đề xuất của Sở Công Thương Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện được. Đề xuất này phù hợp với xu thế chung của thế giới…”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nói rõ, không nên hiểu đề xuất này theo hướng cực đoan chuyển hết người đi xe ô tô, xe máy sang đi xe đạp mà nên hiểu chỉ một số bộ phận phù hợp với hoàn cảnh điều kiện thì khuyến khích chuyển sang đi xe đạp chứ không phải ép buộc.
Không khả thi
Ông Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ (Đại học GTVT Hà Nội) cho biết, một bộ phận người làm việc tại văn phòng đã sẵn sàng đi xe đạp như hình thức rèn luyện thể thao, với khoảng cách di chuyển gần khoảng 3-5 km.
Việc đi xe đạp tốt cho việc rèn luyện thể chất, có ý nghĩa nhiều hơn về mặt môi trường, còn về giảm ùn tắc thì chưa thể khẳng định được do diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy.
Trong khi đó, đánh giá về đề án đi xe đạp của Sở Công Thương Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thẳng thắn đưa ra quan điểm: Đề án không có tính khả thi trong bối cảnh giao thông Hà Nội hiện nay.
Ông Liên phân tích, chiến lược phát triển giao thông đô thị của Hà Nội trong tương lai là vận tải hành khách công cộng như buýt nhanh, đường sắt đô thị… chứ không phải xe đạp.
Xung quanh đề xuất của Sở Công Thương, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người dân có cách lựa chọn phương tiện đi lại riêng cho mình.
Trong điều kiện thành phố đã mở rộng như hiện nay, người dân đặt ra yếu tố thời gian khi lựa chọn phương tiện để đi làm, đi học hoặc kinh doanh buôn bán.
"Học sinh, sinh viên thường lựa chọn xe buýt để đi học vừa nhanh, thuận tiện, an toàn; gia đình có điều kiện thì trang bị xe máy, xe đạp điện cho con, em đi học để giữ gìn sức khỏe còn những người kinh doanh buôn bán thì chọn xe máy là phương tiện di chuyển để vừa nhanh vừa chở được nhiều hàng hóa…”, ông Tân nói.