9X bỏ việc thiết kế, theo đuổi nghiệp làm bánh từ đường thu tiền triệu mỗi ngày
Tốt nghiệp trường Kiến trúc ở TP.HCM, có nhiều năm kinh nghiệm làm nhân viên thiết kế ở môi trường công sở, Nguyễn Gia Bảo Khanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã chọn rẽ sang con đường nghệ thuật tạo hình và khởi nghiệp cùng tiệm bánh mơ ước của mình.
Mang nhiều trăn trở về một lối đi riêng nhưng không biết mình thích gì, Bảo Khanh cho biết mình có sở thích làm bánh như một thú vui giải stress những ngày làm việc căng thẳng trong vị trí nhân viên thiết kế đồ họa. Mưa dầm thấm lâu, cô nàng xinh đẹp tâm sự không biết mình đã yêu những điều ngọt ngào từ bơ sữa đường này lúc nào.
“Lúc đầu mình chỉ tham gia các khóa học làm bánh để có không gian thư giãn, kết bạn với mọi người và nhào nặn cái gì đó cho đỡ buồn chán tay chân thôi. Nhưng không ngờ lại bén duyên luôn với nó đến tận bây giờ. Khi xác định niềm yêu thích với công việc này, mình đã dành thời gian đi học nghiêm túc và tìm hiểu nó một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, mình cũng tìm nhiều vị trí làm thuê liên quan đến làm bánh”, Bảo Khanh chia sẻ.
Quá trình tạo hình người từ nguyên liệu fondant (kẹo đường)
Khi có tay nghề làm bánh, cô nàng bắt đầu mở một tiệm bánh nhỏ để làm những loại bánh đơn giản, cô nhớ lại lúc đấy những đơn đặt hàng đầu tiên vẫn từ khách quen, rồi dần dần mọi người giới thiệu nhau và cô được biết đến nhiều hơn. Bảo Khanh tâm sự: “Khi bố mẹ biết tin con gái bỏ việc văn phòng, gia đình cũng rất lo vì sợ con không chịu nổi áp lực nếu làm chủ, chỉ muốn con gái đi làm công ăn lương, chăm chút cho bản thân thay vì thử sức ở một lĩnh vực khác. Nhưng rồi bố mẹ cũng ủng hộ mình và theo dõi con đường mình đi từ khi bắt đầu đến nay”.
Sau khi nghỉ việc làm nhân viên thiết kế đồ họa, Bảo Khanh thuê một cơ sở nhỏ ở quận 3 để làm bánh theo yêu cầu và nâng cao tay nghề mỗi ngày. Sau khi tiệm mỗi lúc một phát triển hơn, nhu cầu về đào tạo, nhân viên tăng lên, Bảo Khanh quyết định đổi sang một chỗ lớn hơn ở quận Gò Vấp. Bảo Khanh cho biết hiện tại cô đã có những lớp dạy học viên làm bánh, nhiều nhân viên để quản lý hơn sau thời gian cố gắng xây dựng tiệm bánh mơ ước của mình.
“Dù thời gian bây giờ bận rộn hơn trước khi đi làm công nhiều, hầu như mình phải chôn chân luôn ở tiệm bánh nhưng giây phút nào cũng chứa đầy những niềm vui. Mỗi khi có khách cũ quay lại tin tưởng gửi cho mình những mẫu bánh khó để mình chinh phục thì bản thân luôn cảm thấy tự hào về quyết định của mình rất nhiều”, cô xúc động kể.
Cận cảnh hoàng tử chibi được nặn thủ công theo yêu cầu
Cô cho biết nhờ những kiến thức học từ giảng đường đại học và kinh nghiệm từ thời gian đi làm, cô tự tin vào tay nghề của mình hơn bất kì trường lớp dạy làm bánh nào. Bảo Khanh nói: “Cách phối màu sắc, bố cục, hiểu về tỉ lệ cơ thể người… giúp mình đi nhanh hơn trên con đường làm bánh nghệ thuật tạo hình từ đường”
Bảo Khanh chia sẻ, nhiều người đã quen với các loại bánh kem bơ, sữa tươi, tuy vậy dòng bánh kem tạo hình làm từ đường, được gọi là fondant cũng có những đặc điểm riêng khiến nhiều thợ bánh muốn chinh phục thể loại này. Theo cô, nhờ nguyên liệu fondant là sự kết hợp giữa đường cát xay nhuyễn, lòng trắng trứng và một số chất phụ gia kết dính tạo thành một khối mềm dẻo để tạo hình mà vẫn ăn được, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người làm bánh có thể nhào nặn, mô phỏng hình người, búp bê y như thật.
Thợ làm bánh mô phỏng, tạo hình người từ hình ảnh mẫu
Sở dĩ cô nàng lại chọn dòng bánh fondant làm thế mạnh của mình bởi cô yêu những điều do bàn tay tạo nên. Bảo Khanh chia sẻ: “Loại bánh nào cũng có những ưu nhược riêng, như kem bơ, sữa tươi thì khó tạo hình thù người với nhiều chi tiết tỉ mỉ, chính xác, fondant cho mình làm được điều đó. Không chỉ làm được hình người, thợ làm bánh có thể mô phỏng bất cứ thứ gì mà họ muốn vì fondant như một khối đất nặn để tạo hình vậy. Người thợ có thể tha hồ sáng tạo”.
Búp bê bước ra từ vườn hoa được nhào nặn hoàn toàn thủ công bằng đường
Sau khi nhào nặn, để trong nhiệt độ lạnh khoảng 15-30 phút, fondant sẽ cứng lại và giữ nguyên các chi tiết nặn mà khách hàng vẫn có thể ăn được vì đây là nguyên liệu an toàn.
Bảo Khanh bật mí: “Tạo hình người thật luôn là phần khó với người thợ, phải làm sao có tỉ lệ giống người, gương mặt có hồn. Mình theo đuổi thể loại này và muốn làm ra những mẫu khó thiên về chi tiết, độc lạ, mô phỏng giống hình thật nhất có thể mà bất cứ ai nhìn vào cũng không nghĩ nó làm từ đường cát xay”.
Trung bình để hoàn thành một chiếc bánh với nhiều chi tiết theo yêu cầu của khách hàng, Bảo Khanh phải mất khoảng 1 ngày. Dù phải gắn liền với công việc “giãn xương cốt” như vậy, cô nàng vẫn tìm thấy niềm vui từ việc làm bánh, cô vui vẻ nói: “Trước đây khi đi làm nhân viên, ngồi trong phòng kín mình luôn cảm thấy mệt mỏi và đau mắt, bây giờ cũng là diện tích đó, công việc có khi còn đau lưng hơn vì phải ngồi tỉ mỉ cả ngày nhưng mình luôn hài lòng và thoải mái. Đó chính là sức mạnh của đam mê chăng?”.
Tại cửa hàng, Bảo Khanh có rất nhiều mẫu bánh với tạo hình đa dạng.
Được biết, trung bình mỗi chiếc bánh tùy vào chi tiết, hình thù khách yêu cầu sẽ có giá dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Trong tương lai, Bảo Khanh mong muốn sẽ có nhiều cơ hội làm bộ sưu tập cho riêng mình như danh lam thắng cảnh Việt Nam, người phụ nữ mang đậm bản sắc Việt từ nguyên liệu đường này và trưng bày ở một showroom dành cho những người yêu bánh ngắm nhìn.
Tin liên quan
Bà là con gái của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, là vợ của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Vốn là...
Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn
Chớp mắt đã hơn 40 năm theo đuổi công việc khắc chữ lên thân bút, tranh vẽ, đồ gốm sứ, ông Dũng không đếm xuể số lượng tác phẩm của mình. Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, sản phẩm của ông...