Chuyện sống ở Việt Nam nhưng không biết nói tiếng Việt chỉ là một phần tuổi thơ khó khăn của chàng trai mang 5 dòng máu trong người. Bởi cậu còn có một nỗi khổ dằn vặt giấu kín, không thể chia sẻ hay nói với bất cứ ai, kể cả gia đình.
Chàng trai có tên Jamie Tô Johnston (SN 1997, TP.HCM) là con lai giữa 5 dòng máu: Việt, Hoa, Pháp, New Zealand và Scotland. Tô được nhiều người ca ngợi hội tụ đủ nét đẹp của những dòng máu mà cậu mang trong mình: dáng người cao, nước da trắng của trai Pháp; ánh mắt sắc lẹm màu nâu đen đặc chất người Hoa; chiếc mũi cao vút của dân New Zealand lai Scotland và tính cách thẳng thắn, kiên trì hệt người Việt.
Jamie Tô Johnston (SN 1997, TP.HCM) là con lai giữa 5 dòng máu.
Nhưng ít ai biết rằng, chàng trai con lai này đã trải qua vô vàn khó khăn, áp lực để có thể “đồng hóa” ngôn ngữ - văn hóa – lối sống của đa dòng máu thành một. Thậm chí, cậu phải dằn vặt bản thân để sống thật với giới tính của mình.
“Mẹ mình là người Việt lai Trung – Pháp, còn ba là con lai giữa New Zealand và Scotland”, Tô mở đầu câu chuyện bằng lời giải thích ngắn gọn về 5 dòng máu chảy trong người. Từ từ ngược về quá khứ, cậu kể cho chúng tôi nghe về hành trình lớn khôn của một đứa trẻ cô độc, không có bạn bè…
Tô sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng từ nhỏ đã được “định hình” sẵn ngôn ngữ chính là tiếng Anh. “Đó là ngôn ngữ đầu tiên, mặc dù mình sống ở Việt Nam. Ngày ấy, ngoại ngữ chưa phổ biến như bây giờ nên mình bị người ta kỳ thị nhiều lắm!
Mình sợ ánh mắt dè bỉu của hàng xóm, sợ lời mỉa mai “da trắng, mũi lõ, tóc vàng” của tụi trẻ trong xóm. Mình sợ họ bàn tán về nguồn gốc của mình bằng tiếng Việt. Mình không có bạn bè, cũng chẳng có ai chơi cùng cả.
Mình từng khóc lóc cầu xin ba: “I want to learn Vietnamese like other kids in our neighborhood (Con muốn học tiếng Việt giống như những đứa trẻ hàng xóm)”. Nhưng ba lắc đầu và bắt mình phải nói tiếng Anh”, Tô nhớ lại.
Chứng kiến cảnh cháu ngoại sống đơn độc, bà của Tô đã thẳng thắn nói chuyện với bố cậu và đề nghị cho cậu học thêm ngôn ngữ “mẹ đẻ” thứ 2. Cậu kể, bà đã thuyết phục bố bằng cách nói về sự trong sáng của tiếng Việt, nét văn hóa độc đáo của người Việt… Hơn cả bà muốn cậu có một tuổi thơ đẹp như bao đứa trẻ sinh sống trên dải đất hình chữ S.
Tô gặp khá nhiều khó khăn khi học cùng lúc 2 thứ tiếng. Nhưng nhờ có tình yêu thương, chỉ dạy của bà ngoại mà cậu đã có thể nói thành thạo tiếng Việt. “Đến giờ có nhiều từ mình vẫn chưa biết đọc và viết, nhưng mình luôn biết ơn bà ngoại. Bà đã giúp mình biết thêm một ngôn ngữ, nền văn hóa mới.
"Con muốn học tiếng Việt giống như những đứa trẻ hàng xóm"
Từ đó mình có nhiều bạn bè ở Việt Nam, không bị cô độc nữa. Thậm chí, nếu ai hỏi mình về quê hương, mình có thể hãnh diện kể rằng mình là người Việt Nam, sống ở Việt Nam và ăn cơm gạo trắng”, chàng trai 23 tuổi vui vẻ nói.
Mặc dù nói cả tiếng Anh lẫn Việt nhưng Tô gặp không ít rào cản trong mối quan hệ với bạn bè quốc tế. Cậu kể, năm 16 tuổi, cậu sang New Zealand du học ngành Báo chí. Tại đây cậu học cùng với nhiều bạn bè châu Á lẫn châu Âu. Họ gọi cậu bằng cái tên lạ: “Cậu bé tây chẳng ra tây, ta không ra ta”.
“Mình chơi với người châu Á thì người ta nói mình nhìn tây quá. Nhưng khi chơi với người châu Âu thì họ lại bảo mình đặc người Á đông. Hồi đầu mình khá buồn rầu vì chẳng biết mình thuộc người châu nào? Sau đó mẹ và bà ngoại đã khích lệ, khuyên mình nên tự hào vì sở hữu nét đẹp của ba châu (châu Âu, châu Đại Dương và châu Á) trên thế giới. Giờ đây mình rất tự hào vì mang nhiều dòng máu trong người”, Tô tâm sự.
Chuyện sống ở Việt Nam nhưng không biết nói tiếng Việt chỉ là một phần tuổi thơ khó khăn của chàng trai mang 5 dòng máu trong người. Bởi cậu còn có một nỗi khổ dằn vặt giấu kín, không thể chia sẻ hay nói với bất cứ ai, kể cả bà ngoại. Đó chính là phận “thân sâu hồn bướm”.
“Thật nực cười nếu mình nói rằng có 5 dòng máu chảy trong cơ thể và mình không phải con trai. Nhưng đó là sự thật!
Từ nhỏ, mình đã cảm thấy cơ thể rất khác, rồi cố trấn tĩnh bản thân rằng: Có lẽ mình mang 5 dòng máu nên mới vậy! Sau đó, mình phát hiện ra mình không thích con gái, thay vào đó là có cảm xúc với bạn cùng giới”, Tô cho hay.
Dẫu vậy, chàng trai 9X vẫn “gồng mình” quen bạn gái để mọi người không nghi ngờ, kỳ thị giới tính thật của mình. Cậu không dám nói với bà ngoại và mẹ. Vì gia đình đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào cậu. Cậu không thể làm tổn thương họ.
Đến năm 18 tuổi, Tô thẳng thắn đối diện với bản thân, lấy hết can đảm nói với mẹ rằng, cậu thật sự thích con trai. “Mẹ hỏi lại mình rằng: Con thích trai hay gái? Và khi mình nói: Con thích trai từ lâu, giới tính vốn không xấu mà chỉ có người xấu mới làm giới tính xấu đi… thì mẹ bình tĩnh trả lời không quan tâm đến việc mình là trai hay gái. Mẹ mong mình là một người tốt. Như thế, mẹ đã đủ hạnh phúc rồi”, Tô xúc động.
Sau khi tự nhận với gia đình là người thuộc giới LGBT, Tô tiếp tục công khai giới tính với bạn bè chơi thân. Cậu không ngờ rằng đã bị họ “quay lưng”, thậm chí hủy kết bạn trên Facebook, từ chối gặp mặt.
“Mình luôn nghĩ bạn bè thân thiết sẽ thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận con người thật của mình. Nhưng khi mình thú nhận, họ đã bỏ mặc mình không một lời từ biệt. Mình chỉ biết khóc, than trách bản thân tại sao lại để bạn bè miệt thị… Nhưng mình vẫn hy vọng một ngày nào đó họ ủng hộ mình sống thật với bản thân”, Tô chia sẻ.
Chính sự miệt thị, quay lưng lại trở thành thử thách khiến Tô sống mạnh mẽ và can đảm hơn. Cậu sẵn sàng đối diện với mọi lời bàn tán ra vào, tự tin sải bước trên đường đời đã chọn. Hiện tại, cậu đang làm mẫu ảnh và dự định sẽ tham dự các cuộc thi người mẫu chuyên nghiệp. “Mình cực kỳ tự hào về bản thân. Mình tin tương lai sẽ tỏa sáng”, Tô khẳng định.