“Khát khao làm phụ nữ trong tôi lớn đến nỗi tôi chấp nhận tất cả mọi thứ để được làm đàn bà, dù là một người đàn bà xấu..”, Cát Thy nói trong nước mắt.
Bơm silicon…trả góp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gần 10 người con, tuổi thơ Nguyễn Chí Hùng (28 tuổi, ngụ TPHCM) là những đêm dài ngập lặn trong nước mắt vì nhận ra sự “không bình thường” trong chính cơ thể mình. Ngay từ lúc còn nhỏ, cậu con trai trưởng trong gia đình đã bộc lộ ước muốn được làm con gái bằng sự biểu hiện qua dáng đi, lời nói, qua tâm hồn mong manh và yếu đuối, ai chọc ghẹo là khóe mắt Hùng cứ rưng rưng.
Những năm 2007 - 2008, Hùng trốn gia đình đi theo đoàn lô tô. Chẳng biết khi ấy cậu trai 18 tuổi nghĩ gì, bao nhiêu so tính thiệt hơn có bao giờ cậu nghĩ đến, Hùng bảo cậu chỉ biết: “Mình phải làm đàn bà”.
Hiện ngoài công việc hát, xiếc cho các đoàn lô tô, Thy còn tham gia rất nhiều hoạt động vì cộng đồng.
Làm công việc bán vé cho đoàn lô tô ở hội chợ, mỗi lần ngước mắt lên nhìn chị em nghệ sĩ cất tiếng hát, pha trò là mỗi lần Hùng nghẹn nuốt nước mắt vào trong. Lúc chưa có nhiều tiền, Hùng chọn cách uống thuốc ngừa thai liên tục để các đường nét cơ thể bớt “đàn ông”.
Từ khi bán vé ở hội chợ, thu nhập mỗi đêm được khoảng 25 ngàn đồng, Hùng dành ra 20 ngàn để trả góp mua một xị (khoảng 250ml) silicon bơm vào ngực, vào mông, chỉ có như thế mới hiện thực hóa được ước mơ làm đàn bà. Từ đấy cái tên Hùng đã chết, giờ đây chỉ còn lại vóc dáng, gương mặt và nỗi khát khao làm đàn bà trong hình hài Hoàng Kim Cát Thy.
“Phụ nữ là phải có ngực, có mông, không có tiền đi làm thẩm mỹ nên tôi đành chọn cách bơm sống silicon vào cơ thể mình. Bơm sống, tức là chẳng có thuốc mê, thuốc tê gì cả. Silicon được chích vào trong người, căng thịt, xé da, nhiều khi đau đến không thốt lên mà khóc nổi. Nhưng do ước mơ được làm đàn bà lớn quá, lấn át hết mọi thứ. Chỉ cần nghĩ đến việc được làm đàn bà, dù là người đàn bà xấu, tôi cũng cam lòng”, Cát Thy nhớ lại.
Những năm ấy, Thy bảo cụm từ “chuyển giới” theo suy nghĩ nhiều người chỉ đơn giản là thay đổi hình thể sao cho giống như hình mẫu giới tính mà mình mong muốn, chứ không hẳn là phải trải qua bất kì cuộc giải phẫu nào. Do vậy, nhiều người cứ đổ xô đi tiêm silicon, thậm chí có nhiều người chết ngay trong lúc đang tiêm dang dở. Giấc mơ tìm lại con người thật của mình còn chưa thực hiện, đành phải ngậm ngùi mang theo về thế giới bên kia.
Để thực hiện ước mơ được làm phụ nữ, cô gái vượt qua rất nhiều đau khổ, tổn thương.
Hành trình tiêm ngực, tiêm mông, môi, cằm hoàn thiện. Thy bắt đầu đi học nghề: từ làm MC hội chợ, xiếc, nhảy, múa, hát… tất tần tật cô đều trải qua. Nhờ đó, thu nhập của Thy cũng ổn định hơn trước, từ vài ba chục đến 100 - 200 ngàn đồng mỗi buổi tối hát đám ma, hội chợ.
“Hồi xưa hổng có tiền tôi còn trốn gia đình đi bán vé số để có tiền mà mua hormone uống. Giờ thì tôi đỡ cực hơn nhưng có một điều không thay đổi từ trước đến nay đó chính là cái nhìn giễu cợt của người đời. Họ chọc ghẹo, khinh khi, thậm chí sờ mó, bỡn cợt trên thân thể của mình. Mình phản ứng thì họ khinh khỉnh: Bê đê như mày mà cũng làm giá sao?”, Thy kể lại.
Ví cuộc đời mình như trái sầu riêng, dù xoay một vòng thì vẫn toàn là gai góc, Thy bảo người chuyển giới như cô: đau không sợ, chết cũng không sợ, công việc nào dù khó khăn mấy cũng có thể làm, miễn là lương thiện, miễn là được trao cơ hội, miễn là người đời đừng quá khắt khe.
“Ai cho tôi tình yêu…?”
Bật quẹt ga, mồi nhẹ điếu thuốc, rít một hơi dài, nhìn xa xôi, Thy bất chợt cất tiếng hát: “Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng. Tôi xin dâng vòng tay mở rộng và đón người đi vào tim tôi bằng môi trên bờ môi”, những câu hát buồn như chính cuộc đời người đàn bà không trọn vẹn.
Thy kể năm 21 tuổi, trong một lần đi hát, cô gặp người chồng đầu tiên của mình. Họ yêu nhau, và đến với nhau như một điều vốn dĩ. 3 năm sống bên nhau như vợ chồng, một mực tin tưởng vào tình yêu thật sự. Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ khi dần đi đến đỉnh điểm của bất hòa, lòng tin không còn, mâu thuẫn, cãi vã len lỏi vào từng ngóc ngách căn nhà trọ nghèo. Gắng gượng không thành, họ buông tay nhau, người đàn ông ấy đi tìm hạnh phúc mới bên một người đàn bà.
2 năm sau, tưởng chừng niềm tin vào tình yêu và hạnh phúc của những mảnh đời mang kiếp “thân sâu, hồn bướm” đã nguội lạnh trong trái tim của cô gái quá nhiều tổn thương thì bất chợt, người đàn ông Hà Nội tìm đến, ngỏ lời yêu, do dự hồi lâu, Thy gật đầu.
“Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc đến như thế, lúc ấy cuộc đời này trong tôi đẹp biết bao nhiêu. Thoáng chốc mình cứ nghĩ mình là một người đàn bà thật sự, được yêu thương, được chiều chuộng, được vỗ về. Cứ nghĩ đây là người đàn ông cuối cùng của cuộc đời mình, sẽ ở bên và cầm tay nhau đi đến hết đời. Thế nhưng, mọi thứ rồi cũng vỡ tan”, nói đến đây, mắt Thy ngấn nước.
2 ngày sau khi về thăm quê, người đàn ông gọi điện thoại và chủ động chia tay. Thy kể lúc chồng mình thốt ra câu nói đấy thời gian như dừng lại, hạnh phúc gia đình mà cô vun vén trong căn nhà nhỏ dù không có bất kỳ vết nứt, rung lắc nào, thoáng chốc đã đổ sập, trái tim một lần nữa nhói đau. Cô khóc, cô níu kéo. Vài hôm sau, chồng cô gọi lại và đồng ý vào Sài Gòn.
“Thế nhưng có lẽ những thứ đã rạn vỡ, khó mà lành. Hóa ra anh muốn chia tay là vì nghe theo lời gia đình: làm một người đàn ông, yêu một người đàn bà, lấy vợ, sinh con. Còn những người như tôi, nếu anh bên cạnh, sẽ không bao giờ có tương lai. Lần thứ 2 anh về lại quê, một buổi tối đi làm về, tôi gọi anh trò chuyện như thói quen mọi ngày vẫn thế. Bên kia đầu dây là tiếng một người phụ nữ: Alo, em là vợ anh Vũ. Nỗi đau lúc ấy trong tôi lớn đến nỗi, dù tiêm một lúc 10 cặp ngực cũng không đau đớn bằng”, Cát Thy dừng lại hồi lâu, lần này không khóc, cô khẽ mỉm cười.
Cát Thy (thứ 2 từ trái qua) là khách mời của rất nhiều chương trình truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBT.
Thy bảo lúc ấy tim cô dường như ngừng đập. Nói trong nước mắt, cô van xin người phụ nữ - vợ của chồng mình cho cô nói chuyện cùng anh lần cuối. “Anh hết tình cảm với em rồi, chia tay đi. Anh còn tương lai anh nữa, anh còn có con, có vợ nữa, không thể đánh đổi tương lai bên cạnh một người như em” là câu nói của người đàn ông mà chị bảo cả đời không bao giờ quên được.
Nhìn làn khói trắng nhẹ bay trong cái nóng của buổi chiều chạng vạng, Thy bảo mình không hiểu vì sao người chuyển giới như cô, chấp nhận đau, chấp nhận khổ, chấp nhận dè bỉu, khinh khi, để ước mơ, để khát khao một lần làm người đàn bà đúng nghĩa: được yêu, được thương, được hạnh phúc mà cả hạnh phúc cũng hết lần này đến lần khác chối bỏ mình.
“Có những lúc tôi nhìn những cặp vợ chồng già rồi ước mơ sẽ có người đàn ông yêu mình đến cuối đời như thế, cũng có đôi lúc khát khao được làm mẹ, được có một mái ấm gia đình. Thế nhưng, đối với những người chuyển giới, sống đúng với giới tính là điều duy nhất họ có thể lựa chọn trong cuộc đời của mình. Trách mình hay trách những người đàn ông kia? Câu hỏi này đến giờ tôi vẫn không giải đáp được”, Thy bộc bạch.
Thy đã mạnh mẽ đạp lên dư luận để được là chính mình, vượt qua những ánh mắt dè bỉu, gièm pha, những đớn đau trên cơ thể, trái tim hết lần này đến lần khác tan vỡ vì những cuộc tình chóng vánh đến rồi đi. Thế nhưng khi được hỏi nếu có thể chọn lại, Thy có chọn gò ép bản thân trở thành một người đàn ông bình thường, sống một cuộc sống bình thường hay không, người phụ nữ khẳng định chắc nịch: “Không! Tôi vẫn là tôi, vẫn là hình hài này, vẫn là đàn bà, dù xấu xí cũng được. Bản chất là bản chất, phẩm chất mãi sẽ là phẩm chất, không bao giờ thay đổi.”