Việc bị bắt giam trong hoàn cảnh vừa sinh nở đã trở thành một cơn ác mộng đối với những người phụ nữ nhập cư ở Malaysia.
Sin Sin, 29 tuổi, bế trên tay đứa con trai vừa sinh được hai ngày cùng chồng là Za Tim, 32 tuổi, chuẩn bị rời khỏi Bệnh viện Kuala Lumper. Cả hai vẫn còn ngập tràn cảm giác hạnh phúc được làm cha mẹ lần đầu và không hề biết nhân viên quản lý nhập cư đã chờ sẵn ở phía ngoài.
Sin Sin và con trai, hai mẹ con bị bắt giam một tháng rưỡi khi đứa bé vừa mới hai ngày tuổi.
Vừa bước chân ra khỏi cổng bệnh viện, cặp vợ chồng bị tách đôi bằng vũ lực. Sin Sin và con trai bị đẩy lên một chiếc xe chở họ đến một khu vực giam giữ hoang vắng, thiếu nước và không có dịch vụ y tế.
Sin Sin rời Myanmar năm 2013 đến Malaysia để được sống gần chồng. Nghề phu khuân vác cho quân đội cực nhọc ở quê nhà khiến Za Tim phải trốn đến Malaysia tìm công việc khác.
Za Tim đã có thẻ cư trú tại Malaysia nhưng Sin Sin thì chưa. Cặp vợ chồng đã làm đơn đề nghị nhập cư cho Sin Sin lên Liên Hợp Quốc và đang chờ đợi.
Cảnh sát Malaysia đi kiểm tra giấy tờ trên đường phố.
Sin Sin chỉ là một trong số những người xin quyền tị nạn đến từ các quốc gia khác bị chính quyền Malaysia bắt giam trong tình trạng vừa mới sinh con. Chiến dịch bắt bớ này bắt đầu từ năm ngoái.
Luật nhập cư của Malaysia không phân biệt người nhập cư, người tị nạn và người xin quyền tị, tất cả đều bị xem là cư trú bất hợp pháp và họ dễ bị bắt giam, trục xuất.
Sự thương tổn nặng nề
“Tôi không thể nào diễn tả lại hết những gì đã xảy ra. Tôi đã khóc. Con tôi đã khóc. Mọi chuyện rất đau buồn.” Sin Sin trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera về những ngày tháng kinh hoàng bị giam giữ. Đứa con trai của cô nay đã 6 tháng tuổi, mặc chiếc sarong xanh bám chặt bên hông mẹ.
Những người nhập cư không có giấy tờ bị bắt giữ trên đường phố.
Ở khu giam giữ, Sin Sin không có quần áo hoặc tã cho con trai. Cô đành phải quấn con bằng chiếc longyi – một trang phục truyền thống giống như sarong. Họ phải ngủ trên nền xi măng với một nhóm phụ nữ Indonesia. Sau 4 ngày, cô được chuyển tới Trung tâm giam giữ Bukit Jalil ở ngoại ô Kuala Lumpur.
Mặc dù Malaysia được cho là một trong những quốc gia trang bị cơ sở vật chất hiện đại cho các trại giam nhưng Sin Sin cho biết sự thật thì ngược lại. Tù nhân phải bỏ tiền mua thức ăn. Sin Sin không hề có một xu nào và cô phải sống dựa vào lòng tốt của những người phụ nữ bị giam chung với mình.
Sin Sin và các bà mẹ khác đều cho biết chế độ ăn kham khổ ở trại giam đã khiến họ không có sữa nuôi con. Sữa bột cũng không có và Sin Sin thậm chí phải dùng nước để nuôi con trai dù bé mới chỉ một tháng tuổi. Các bà mẹ khác nói rằng đến cả những đồ dùng cơ bản như tã cũng hiếm.
Một người phụ nữ bật khóc gọi điện kêu cứu người thân trong một trại giam giữ.
Mất một tháng rưỡi với sự giúp đỡ của cộng đồng và Liên Hợp Quốc, Sin Sin và con trai mới được thả tự do.
Cộng đồng lên tiếng
Malaysia hiện có khoảng 2 triệu người nhập cư không có giấy tờ.
Các nhóm cộng đồng và đại diện của các tổ chức tại Myanmar, Trung Đông và Sri Lanka cho biết có nhiều trường hợp phụ nữ không có giấy tờ nhập cư bị bắt giam sau khi sinh nở tại Malaysia. Một số người thậm chí bị giam giữ trong ba tháng.
Những người nhập cư xếp hàng tại Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Malaysia.
"Các chính sách bắt và giam những người phụ nữ dễ bị tổn thương như vậỵ, đặc biệt là trong thời kỳ sinh nở khiến cho chính sách của Malaysia trở nên tàn ác và vô nhân đạo", Tổ chức phi chính phủ về Quyền công bằng y tế tại Kuala Lumpur cho biết.
“Điều này thật là kinh khủng. Nó gây ra sự sợ hãi trong các cộng đồng khiến những người phụ nữ chọn cách sinh con trong điều kiện không an toàn”, ông Katrina Maliamauv, một nhân viên thuộc tổ chức phi chính phủ Malaysia về nhập cư và tị nạn cho biết.
Các tổ chức đều khuyên những người phụ nữ không có thẻ cư trú tránh các bệnh viện để sinh nở. Tuy nhiên, những vụ bắt giam đã đổ thêm khó khăn lên số phận những con người vật lộn tồn tại trong một đất nước dường như thờ ơ với sự số phận của họ.