"Ai ở đâu ở yên đó”, bác tổ trưởng giúp dân đi chợ: Chú Út ơi, con hết gạo rồi!
6 giờ sáng, điện thoại của chú Út - tổ trưởng tổ dân phố không ngừng đổ chuông. Người nhờ đi chợ, người nhờ mua thuốc, chuyển giúp bình gas, bình nước trong những ngày Sài Gòn bước vào giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt.
"Alo, chú Út ơi, nhà con hết gạo rồi, chú giúp con ít lương thực"
Trước thời gian TP.HCM chuẩn bị “phong thành”, mặc dù người dân đã có 2-3 ngày để trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men cần thiết để dùng cho những ngày gần tới, nhưng với ông Trần Văn Em (tổ trưởng tổ 11, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, H.Hóc Môn), bất cứ khi nào người dân cần, ông đều sẵn sàng hỗ trợ bằng cách đi chợ giùm, tặng quà an sinh cho người khó khăn.
Ông Em chia sẻ, hiện tại khu vực ông quản lý vẫn chưa có lực lượng quân đội đến hỗ trợ. Vì thế, ông không ngại ra đường mỗi khi có ai đó gọi nhờ đến giúp đỡ. “Alo, chú Út ơi, nhà con hết gạo rồi, chú giúp con ít lương thực qua ngày với ạ”, “Ông Út ơi, bé con hết sữa, tã, ông đi mua giúp cháu nó với, con không tự ra ngoài được”, nghe xong ông Em - được người dân gọi bằng cái tên thân thuộc chú “Út” - lập tức lái xe ra huyện để mua và đem tới nhà cho bà con.
Ông Em kể: “Tôi làm tổ trưởng cũng mười mấy năm nay, nhà nào khó, nhà nào giàu tôi biết hết. Dân trong xóm chủ yếu là người bán hàng rong, lao động chân tay. Đợt trước chỗ này phong tỏa tôi cũng kêu gọi vận động cho bà con thêm nhu yếu phẩm để bớt gánh nặng. Hầu như ai trong tổ cũng đều biết và có số điện thoại tôi nên khó khăn gì họ cứ alo tôi sẽ đến”.
Chú Út đi phun khử khuẩn khắp xóm giúp mọi người
Xuất phát là dân nhà nông, chú Út hiểu được hoàn cảnh của người dân, đặc biệt trong những lúc ngặt nghèo, họ cần lắm một người để chia sẻ và bày tỏ tiếng nói, vì thế chú Út luôn chủ động đi từng nhà, gõ cửa từng nơi để thăm hỏi tình hình và lắng nghe khó khăn của người dân.
Anh Lê Tuấn chia sẻ về chú Út: “Tôi ở đây cũng lâu và rất quý chú, hầu như kể ra ai cũng bất ngờ vì chú tổ trưởng của tôi sao có tâm quá vậy. Lúc con hẻm phong tỏa vì dịch bệnh, chú cũng tự tìm cách liên hệ với ủy ban phường rồi sắm sửa, vác máy xịt khử khuẩn khắp nơi cho bà con yên tâm. Có gì ngon ngọt chú cũng để dành và đem tới những hộ gặp khó. Bây giờ, khi chỉ thị thành phố gắt gao hơn, chú cũng tự nguyện giúp người dân khi ở đây khi chưa có lực lượng kịp về hỗ trợ”.
Được biết, các phường ở quận, huyện đang triển khai mô hình đi chợ giùm dân qua link online hoặc hội nhóm zalo, facebook, người dân ai có nhu cầu đều có thể liên hệ qua đường dây nóng hoặc trực tiếp gọi cho chú tổ trưởng nơi mình sống. Sau khi liên hệ, tổ trưởng sẽ gửi danh sách đăng ký thực phẩm kèm giá thành rõ ràng để giúp dân đi chợ hoặc có lực lượng hỗ trợ riêng.
Combo hàng cho người dân lựa chọn mua sắm
Được biết, việc đi chợ theo đơn hàng combo cho mỗi tổ được triển khai 1 tuần 1 lần, tổ trưởng sẽ nắm danh sách hộ dân trong tổ rồi đi phát phiếu đăng ký mua hàng combo cho từng nhà, đơn hàng sẽ đặt mua tại siêu thị hoặc cửa hàng gần nhất rồi nhận hàng vào ngày hôm sau. Anh Đặng Tất (một người dân khi đăng ký combo) bày tỏ: “Về hàng hóa tôi thấy khá đa dạng, tuy nhiên khi mua theo combo có một số bất tiện vì có nhiều món không xé lẻ được, người không có điều kiện sẽ khó mua. Tuy vậy, vì thông cảm hiện phường không đủ nhân lực để mua riêng theo ý từng nhà nên mua theo combo sẽ đảm bảo thời gian và sức lực cho họ”.
Dịch dã, tôi phải thuộc ngay số tổ trưởng và công an khu vực
Hiện nay, ở mỗi khu phố, tổ, đều thành lập tổ phản ứng nhanh, tổ COVID-19 cộng đồng để kịp hỗ trợ cho bất kì ai có nhu cầu khác về sức khỏe, thực phẩm. Chị Cao Thị Mai (ngụ phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) cho biết khi Sài Gòn “bệnh” trở lại, chị phải tạm nghỉ công việc bán hàng rong tại trường tiểu học và lui về nhà chống dịch cùng gia đình.
Suốt hơn 2 tuần địa bàn phường bị phong tỏa hoàn toàn, chị nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ công an khu vực, đặc biệt là chú tổ trưởng. “Hơn ai hết, cô chú tổ trưởng là người hiểu rõ hoàn cảnh của mình và nghe được gần nhất vấn đề của mình để giúp đỡ. Lúc trước tôi còn chẳng biết họ là ai vì cũng là người thuê trọ thôi, ở không cố định một chỗ nên không thân thiết với chính quyền. Giờ khi dịch bệnh mới biết có việc gì cần liên hệ họ là nhanh nhất. Như gần đây gia đình tôi thiếu ăn cũng gọi lên tổ trưởng xin gói an sinh tạm thời để cầm cự qua ngày”, chị Mai kể.
Phần thực phẩm nhận từ lực lượng quân đội
Ngoài việc hỗ trợ cho người nghèo đang gặp khó tại TP.HCM, kênh liên lạc với tổ trưởng còn giúp dân đi chợ và một số nhu cầu thiết yếu khác để họ yên tâm ở nhà trong hai tuần tới. Đây cũng là lí do để chị Dương Thị Huyền Trang (ở tổ 7, khu phố 1, phường Tam Phú, TP.Thủ Đức) phải thuộc lòng ngay số tổ trưởng.
Chị Trang chia sẻ, khu mình sống có nhiều người lớn tuổi thất nghiệp và phải liên tục phong tỏa vì có ca F0. Mỗi khi vậy, tổ trưởng tổ dân phố đều có danh sách sẵn để hỗ trợ những người sâu trong hẻm không ra ngoài được. “Hầu như không bỏ sót một ai, quà đến khu phố thì mọi người ai cũng nhận được, tôi thật sự cảm thấy ấm lòng khi biết những người nghèo khó không hề bị bỏ rơi. Gần đây nhất xóm tôi nhận được quà từ chú bộ đội. Thấy các anh đến tặng quà, chúng tôi mừng lắm, anh vừa đưa quà vừa gửi lời chúc sức khỏe bình an mùa dịch, gần gũi với dân thật sự luôn”, chị vui vẻ kể.
Lực lượng quân đội đến tận nhà dân phát lương thực thực phẩm
Chị nói thêm, tuy đây là thời gian khó khăn chung nhưng riêng trưởng khu phố nơi chị sống đều rất nhiệt tình giúp dân. Chị bày tỏ: “Tôi phải thuộc ngay số tổ trưởng và công an khu vực khi đụng chuyện thì gọi ngay để nhờ giúp”. Chị cũng cho biết thêm, nhờ sự hỗ trợ của y tế phường và tổ dân phố, các F0 đã khỏi bệnh tại nhà và trở lại cuộc sống bình thường.
Tin liên quan
Nằm tại miền Bắc nước ta, tỉnh này sở hữu địa hình đa dạng, gồm cả núi non, vách đá vôi và rừng rậm. Không chỉ nổi bật ở cảnh sắc thiên...
Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn
Chớp mắt đã hơn 40 năm theo đuổi công việc khắc chữ lên thân bút, tranh vẽ, đồ gốm sứ, ông Dũng không đếm xuể số lượng tác phẩm của mình. Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, sản phẩm của ông...