Thống kê của Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) cho thấy các nước phương Tây có tỉ lệ phụ nữ bị ung thư vú khá cao, hàng đầu là các nước châu Âu như Bỉ, Pháp, Anh.
Một nghiên cứu của các giáo sư Trung tâm Ung thư Anderson thuộc ĐH Texas (Mỹ) công bố trên tạp chí nghiên cứu ung thư Cancer Research đã phần nào lý giải nguyên nhân, đó là chế độ ăn uống quá nhiều đường.
Các giáo sư đã thực hiện bốn nghiên cứu trên bốn nhóm chuột. Một trong bốn nhóm chuột được cho ăn chế độ ăn có tỉ lệ đường sucrose và fructose cao. Kết quả, 50%-58% số chuột ăn theo chế độ quá nhiều đường sucrose đã phát triển khối u ở vú khi chúng được sáu tháng tuổi, trong khi đó chỉ 30% số chuột ăn theo chế độ đường sucrose vừa phải phát triển khối u ở vú vào tháng thứ sáu. Khối u ở nhóm chuột ăn nhiều đường sucrose hay fructose cũng di căn đến phổi nhiều hơn.
Nghiên cứu kết luận chế độ ăn uống nhiều đường đã làm tăng rủi ro ung thư vú và di căn đến phổi. Cụ thể, ăn uống với tỉ lệ cao sucrose trong đường cát, fructose trong trái cây và fructose cao trong xi rô bắp sẽ kích thích khối u ác tính ở vú phát triển và di căn.
GS Lorenzo Cohen thuộc nhóm nghiên cứu nhận định các nhóm đường đều làm tăng rủi ro phát triển khối ung thư ở vú, nuôi dưỡng chúng và tạo thuận lợi cho chúng di căn. Tuy nhiên, theo ông, cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn để khẳng định chính xác hơn điều này.