"Ăn xin tập trung nhiều ở TP.HCM do dân thương người"

Ngày 24/12/2014 09:59 AM (GMT+7)

Người ăn xin, lang thang tập trung rất nhiều về TP.HCM, một phần do người TP.HCM thương người, hay cho tiền...

UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP từ nay đến tến Nguyên Đán Ất Mùi và những ngày lễ trọng đại trong năm 2015. Kể từ ngày 28/12, những người ăn xin, lang thang không nơi cư trú sẽ được các cơ quan chức năng tập trung đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP  phổ biến chủ trương của thành phố là không cho tiền người xin ăn.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM về việc này.

PV: Thưa ông, việc người ăn xin, người lang thang vốn xuất hiện tại TP.HCM đã lâu, tại sao đến bây giờ, TP mới đẩy mạnh việc tập trung nhóm đối tượng này vào các trung tâm bảo trợ xã hội?

Việc đưa những người ăn xin, lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội, TP.HCM đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi chứ không phải đến bây giờ mới làm. Đây là công việc thường xuyên của các quận, huyện. Thực tế hàng năm cho thấy, cứ mỗi dịp tết nguyên đán, số lượng người ăn xin trên địa bàn TP lại tăng cao, do đó, việc UBND TP.HCM ra văn bản chỉ thị mới, yêu cầu tăng cường công tác quản lý người lang thang, xin ăn không ngoài mục đích là muốn thay đổi bộ mặt của TP theo hướng văn minh, lịch sự hơn đối với người dân và bạn bè trong nước, quốc tế.

quot;Ăn xin tập trung nhiều ở TP.HCM do dân thương ngườiquot; - 1

- Sau khi được các cơ quan chức năng tập trung lại, số người lang thang, ăn xin sẽ được xử lý như thế nào?

Về nguyên tắc, khi tập trung được các đối tượng lang thang, xin ăn, lực lượng chức năng sẽ đưa những nhóm người này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Sau đó, trung tâm sẽ phân loại, đối với trường hợp có địa chỉ, có nơi cư trú hoặc người thân bảo lãnh thì sẽ cho về.

Nếu trong trường hợp xác minh mà không có thông tin hoặc ý kiến trả lời của phía địa phương, hoặc không ai bảo lãnh, sau 7 – 10 ngày, Trung tâm Hỗ trợ xã hội sẽ làm hồ sơ để chuyển những đối tượng này về những trung tâm bảo trợ xã hội khác ở các quận, huyện.

Khi được tập trung vào các trung tâm bảo trợ, ngoài việc được nuôi ăn ở, những người có sức khỏe yếu sẽ được đưa vào các cơ sở y tế để điều trị.

- Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này lấy ở đâu, thưa ông?

Phần lớn chi phí sẽ được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, phần còn lại sẽ được kêu gọi xã hội hóa, sự giúp đỡ từ các cơ quan, đoàn thể, người dân…

- Nếu tập trung hết những đối tượng lang thang, xin ăn, liệu các trung tâm bảo trợ có lâm vào tình trạng quá tải?

Đến giờ phút này, quy mô của các trung tâm bảo trợ chưa tới mức quá tải, chúng tôi vẫn đảm bảo đủ các yêu cầu sinh hoạt bình thường cho những người được tập trung.

- Hiện nay, xuất hiện tình trạng một số đối tượng lôi kéo, chăn dắt người già, trẻ nhỏ đi ăn xin theo từng nhóm, phương án xử lý những đối tượng này như thế nào?

Việc các đối tượng chăn dắt người ăn xin là người già, trẻ nhỏ, thỉnh thoảng Sở cũng phát hiện nhưng việc xử lý vẫn còn khá khó khăn. Lý do là bởi giữa người ăn xin và người chăn dắt có sự phối hợp, khi bị bắt thì nói hai người quen nhau, thuê nhà ở trọ nên phải trả tiền chỗ ăn, chỗ ở … nên chúng tôi không làm gì được. Hiện tại, Sở cũng đã đề nghị với UBND các quận, huyện, khi phát hiện các đối tượng chăn dắt người ăn xin, nếu có bằng chứng thì thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý.  Cần thiết, có thể khởi tố hình sự.

- Một số người vào TP.HCM làm việc, du lịch…nhưng bị mất hết giấy tờ tùy thân, tiền bạc, bản thân họ không phải là người lang thang, ăn xin thì Sở sẽ có hướng giải quyết như thế nào?

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ xã hội của Sở có một khu riêng dành cho người lưu trú tại TP.HCM. Những người đến TP mà bị mất hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân… có thể liên hệ để đến ở tại khu này. Chúng tôi cũng có chế độ ăn uống như bình thường. Sau khi xác minh, nếu cần thiết những người này sẽ được trung tâm mua vé xe để trở về quê.

- Theo ý kiến của ông, tại sao TP.HCM lại là địa phương có số lượng người lang thang, ăn xin nhiều nhất cả nước?

Theo đánh giá chủ quan của tôi, thứ nhất là do sự phát triển kinh tế không đồng đều của từng khu vực. TP.HCM là địa phương phát triển kinh tế mạnh nhất trong cả nước. Điều này dẫn đến số người dân nhập cư để tìm kiếm việc làm khá đông. Trong quá trình đó, có người hòa nhập được, có người không, một số người thất nghiệp, không biết làm gì thì quay ra đi xin ăn.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do một vài nơi, đặc điểm công việc mùa vụ hoặc phát sinh ra thiên tai, gây nên những khó khăn nhất thời, người ta vào TP, coi ăn xin là một nghề cứu cánh trong lúc nhất thời.

Một nguyên nhân khác nữa là do người dân TP.HCM rất giàu tình nhân ái, thương người, đi đường chỉ cần thấy người khó khăn là dừng lại cho tiền, cho quà, trong khi các địa phương khác gần như không có điều này. Nắm bắt được điều này, nhiều đối tượng ăn xin, chăn dắt đã tập trung về TP để làm ăn.

- Khó khăn khi đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội là gì?

Hiện nay, khó khăn chủ yếu của chúng tôi là việc xác minh lý lịch của những người được tập trung. Với những người hợp tác thì không sao, nhưng cũng có những người cố tình khai báo sai địa chỉ, nơi cư trú nên việc xác minh gặp nhiều trở ngại.

Có nhiều trường hợp, do đối tượng bỏ nhà đi quá lâu, khi tìm được đến nơi, gia đình không chịu thừa nhận và bảo lãnh về. Với những trường hợp như vậy, ngoài việc làm theo quy định, chúng tôi còn phải kết hợp với tuyên truyền, giải thích cho đối tượng, thân nhân của họ hiểu rõ hơn về những cơ chế, chính sách của UBND TP.HCM đối với những người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin trên địa bàn.

Ông Đặng Bảo Hiếu, Giám đốc công ty du lịch Focus Travel cho rằng, việc UBND TP.HCM ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý người lang thang, ăn xin là việc làm hết sức đáng hoan nghênh. Bởi như thế sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt người dân và du khách về một TP văn minh, lịch sự, an toàn.

Thế nhưng, theo ông Hiếu, nếu chỉ quản lý số người lang thang, ăn xin thôi thì chưa đủ, mà TP cần có những biện pháp mạnh hơn nữa trong việc giảm tệ nạn cướp giật,móc túi hay buôn bán hàng rong, chèo kéo khách hàng.

Thiện An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan