Với kỹ thuật nuôi tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc và đầu ra thị trường rộng lớn, nhiều người đã kiếm được lợi nhuận cao từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
Từ xưa đến nay, ốc bươu đen là sinh vật không còn xa lạ với người dân nước ta. Ốc bươu đen hay còn gọi ốc nhồi, ốc lác, ốc mít Cônica. Ốc bươu đen có tên khoa học là Pila conica, là một loài ốc nước ngọt với nguồn thức ăn là các loài thực vật như: bèo, rau, củ, quả,…
Ở nước ta, ốc bươu đen tập trung sống tại những khu vực thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nam Bộ. Màu sắc trên vỏ ốc bươu đen thay đổi theo kích thước. Với loại lớn, vỏ thường màu xanh đen, trong khi những con nhỏ sẽ có vỏ ngoài màu xanh vàng. Bề mặt vỏ ốc hơi nhẵn và bóng.
Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hộ dân mở rộng mô hình nuôi ốc bươu đen
Trước đây ốc bươu đen có nhiều trong tự nhiên, chỗ nào có ao hồ nước ngọt, đồng ruộng đều tìm thấy chúng. Hiện nay do khai thác quá mức, môi trường ô nhiễm do ảnh hưởng từ các loại thuốc bảo vệ thực vật nên lượng ốc bươu đen trong tự nhiên không còn nhiều. Thay vào đó, các mô hình nuôi ốc và sinh sản nhân tạo ngày một phát triển.
Trên thị trường, giá 1kg ốc bươu đen thương phẩm (ốc còn sống có vỏ ngoài) có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/1kg, tùy vào từng kích thước con ốc. Còn với con giống để nuôi, giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng con giống.
Với kỹ thuật nuôi tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc và đầu ra thị trường rộng lớn, nhiều người đã kiếm được lợi nhuận cao từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
Nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của thị trường lại mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi mới, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có nhiều tiềm năng, anh Tuy (ở Thanh Hóa) đã "nhẹ nhàng" thu lãi 600 triệu đồng/năm.
Nhờ nuôi ốc giống và ốc thương phẩm, anh Tuy thu về 600 triệu/năm
Để có được thành công như vậy, anh Tuy đã mạnh dạn đầu tư 9ha đất chỉ để nuôi ốc bươu đen. Trong đó, anh sử dụng 3,5 ha đất để làm ao chuyên nuôi ốc thịt, ươm ốc giống thương phẩm hàng năm. 5,5 ha còn lại anh làm ao để tích trữ nước sạch nuôi ốc, đất khoanh vùng trồng lúa để sinh hoạt hàng ngày, ao trồng khoai nước, ao thả bèo, đất trồng các loại rau màu, mướp, đu đủ, đậu… Tất cả chủ yếu để làm thức ăn cho ốc.
Anh Tuy chia sẻ: "Về kỹ thuật ấp trứng ốc nhồi, cần đựng trong các thùng xốp, ấp ở nhiệt độ 28-30 độ C, từ 15-20 ngày. Riêng mùa lạnh là 30 ngày và luôn duy trì chế độ phun nước sạch, ủ ẩm trứng sẽ nở thành ốc con".
Mỗi ngày, anh Tuy thu hoạch 50- 70kg, cao nhất từ 1-3 tạ ốc thịt, nhập cho các nhà hàng ăn uống, khách sạn trong, ngoài huyện. Ai mua số lượng nhiều, ít có thể đến mua tại ao hoặc được anh vận chuyển tận nơi. "Ốc thịt tôi bán giá linh hoạt theo thời điểm nhưng giá trung bình là 70.000 đồng/kg. Dịp cuối năm, lễ Tết hoặc lúc khan hiếm giá bán tăng nhẹ, hơn 100.000 đồng/kg", anh nói.
Năm 2023, trang trại anh tập trung sản xuất ốc thịt thương phẩm đạt mức 10 tấn, trừ hết các chi phí, anh "bỏ túi" khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của anh Tuy còn tạo công ăn việc làm cho lao động thời vụ địa phương với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng/người.
Nghe bày vẽ của bạn bè, anh Huỳnh Đức Lâm ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM cũng lấy đất vườn để đào ao nuôi ốc bươu đen. Anh bộc bạch, ban đầu chỉ nghĩ "làm chơi kiếm ốc ăn" nhưng khi thấy nuôi ốc bươu đen có thu nhập tốt, anh đã kiên trì theo đuổi.
Thời điểm này, kênh N38 đầy nước nên anh tận dụng để lấy nước nuôi ốc bươu đen. Anh sử dụng 7 cái ao lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.500m2 mặt ao. Bên cạnh đó, anh dùng mảnh đất vườn rộng 3.000m2 để trồng các loại cây ăn trái vừa để giải trí vừa làm “vùng nguyên liệu thức ăn".
Anh Lâm chai sẻ nuôi ốc bươu đen khá dễ, ít tốn kém và nhàn
Anh Lâm cho hay, nuôi ốc bươu đen khá dễ, ít tốn kém và nhàn. Mỗi sáng, anh chỉ mất vài giờ cho 7 ao ốc. Công việc bận rộn hơn khi đến định kỳ diệt khuẩn, tạo canxi cho ốc phát triển; xử lý chất thải của ốc;… Không chỉ nuôi ốc bươu đen, anh Lâm còn có thể chủ động làm giống để tự nhân đàn.
Hiện mỗi ngày, anh Lâm bán khoảng 15kg ốc bươu đen thương phẩm. Giá ốc bươu đen thương phẩm bán lẻ là 70.000 đồng/kg, cho mối lái là 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Lâm còn bán trứng ốc bươu đen giá 1,2 triệu đồng/kg; ốc bươu đen giống giá 300.000 đồng/con cỡ nhỏ, con giống cỡ lớn bằng đầu ngón chân cái là 120.000 đồng/kg.
Với diện tích 1,5 công đất, chỉ riêng tiền bán ốc thương phẩm mỗi ngày, anh Lâm đã có thu nhập hơn nửa triệu đồng. Với mức thu nhập này, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất nuôi ốc bươu đen của anh gấp hơn 3 lần giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp thành phố (năm 2023 ước đạt 579 triệu đồng/ha).
Không giống với các trường hợp trên, anh Trần Công Hiếu, sinh năm 1993 ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, Quảng Trị từng là kỹ sư cầu đường với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, anh lại từ bỏ công việc quen thuộc ấy để "bắt tay" với nghề nuôi ốc bươu đen.
Tháng 9/2019, anh Hiếu thử nghiệm nuôi ốc trong ao bạt nhưng 3 lần liên tiếp đều thất bại. Trong vòng 02 tháng, anh mất trắng hàng chục triệu đồng. Dù vậy, anh Hiếu quyết không bỏ cuộc. Anh đi khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam để tham quan mô hình và hỏi han những người có kinh nghiệm. Sau đó, anh rút kinh nghiệm ngừng nuôi ốc trong ao bạt mà thay vào đó cải tạo đất để làm ao nuôi.
Cuối năm 2019, anh Hiếu xin UBND xã chuyển đổi 1 sào đất của gia đình và 5 sào đất trồng lúa thuê của hàng xóm để nuôi ốc. Tiếp đến, anh vay ngân hàng 80 triệu đồng thuê máy móc cải tạo 6 sào đất thành 7 ao rồi thả nuôi 3 vạn ốc bươu đen.
Hàng ngày, anh Hiếu cho ốc ăn 2 lần và theo dõi sự phát triển của ốc.
Việc nuôi ốc thuận lợi, chỉ sau 3 tháng, anh bán được 30kg ốc. Sau vài tháng, anh xuất bán hơn 2 tạ ốc bươu với giá 100.000 đồng/kg. Sau mỗi vụ, anh đều giữ lại số ốc to để đẻ trứng nhằm giảm chi phí mua ốc giống. Thế nhưng, cuối năm 2020, trận lũ lớn khiến ốc trong ao chết sạch.
Một lần nữa, anh Hiếu lại phải thuê máy múc, cải tạo lại hồ nuôi. Không phụ tâm huyết của anh, các ao nuôi ốc lần lượt cho thu nhập tốt. Từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi năm, anh Hiếu xuất bán sỉ 2 tấn ốc cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh. Trừ hết các chi phí, anh lãi 200 triệu đồng. Lượng ốc anh nuôi hiện không đủ xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn.