Ngày K'Mĩ chào đời, vợ chồng chị Ka Riểm không khỏi ngỡ ngàng, buồn đau với hình dáng của con rồi gắng lấy lại bình tĩnh, chấp nhận con đặc biệt như thế. Chị tự động viên bản thân bằng cách cho rằng đây là số phận mà ông trời sắp đặt cho gia đình chị.
Ghé thôn 2, xã Đạ Oai (Đạ Huoai, Lâm Đồng) hỏi thăm gia đình anh K'Mốt ai cũng hay biết. Từ người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể kể vanh vách hoàn cảnh của vợ chồng anh cũng như 3 đứa con trai có hình dạng khác biệt so với trẻ em trong làng.
"3 thằng nhà K'Mốt trắng hồng, mắt đỏ rực như cục máu và tóc màu trắng. Chúng nó bị vậy từ ngày mới chào đời, dân làng cứ nghĩ vợ K'Mốt không chung thuỷ, lén lút sinh con cùng người Mỹ. Sau này chúng tôi mới biết 3 đứa mắc bệnh bạch tạng nên không bàn ra tán vào nữa. Thương vợ chồng K'Mốt lắm", anh K'Long - một người dân tại thôn 2 cho biết.
Sau đó anh dẫn chúng tôi đến nhà của vợ chồng anh K'Mốt. Căn nhà cũ kỹ, không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường và vài ba chiếc xoong nồi. Chị Ka Riểm - vợ anh K'Mốt cho biết vừa đi rừng hái được mớ nhau nhíp và củ sắn để nấu bữa trưa cho 3 con trai. Lúc này chúng tôi liền hỏi bữa ăn chỉ có rau và sắn, chị cười: "Hôm nay ăn sang, có thịt nữa! Nhưng người ta chưa đi qua nhà nên mình chưa mua được".
Thôn 2, xã Đạ Oai (Đạ Huoai, Lâm Đồng) - nơi sinh sống của gia đình anh K'Mốt.
Vừa dứt lời, chị Ka Riểm nhanh nhảu giới thiệu 3 cậu con trai mắc bệnh bạch tạng của mình: "Thằng lớn tên K’Mĩ (15 tuổi), thứ 2 là K’Khuyết (9 tuổi) và út tên K’Khẩm (7 tuổi). K'Mĩ học hết lớp 9 thì nghỉ một phần vì vợ chồng tôi nghèo, không có đủ tiền cho con đến trường. Song nó cũng muốn ở nhà bởi đôi mắt yếu, chẳng thể nhìn được cái chữ trên bảng. Hai đứa sau đang học tiểu học mà chưa sõi chữ lắm. Mắt chúng nó cũng kém, nhìn xa không được đâu".
Ngày K'Mĩ chào đời, vợ chồng chị Ka Riểm không khỏi ngỡ ngàng, buồn đau với hình dáng của con rồi gắng lấy lại bình tĩnh, chấp nhận con đặc biệt như thế. Chị tự động viên bản thân bằng cách cho rằng đây là số phận mà ông trời sắp đặt cho gia đình chị.
Còn mẹ chồng chị chết lặng khi bế cháu nội trên tay có hình dạng giống người nước ngoài hơn là đồng bào. Bà nói: "Ở vùng này, đứa trẻ con nào sinh ra cũng đen nhẻm, mắt đen nháy với mái tóc nâu. Vậy mà cháu nội tôi lại có làn da trắng hồng, tóc trắng muốt. Vì thế tôi đã không thể chấp nhận được hiện thực ấy, trách hờn con dâu nhiều lắm".
K’Mĩ (15 tuổi), K’Khuyết (9 tuổi) và K’Khẩm (7 tuổi).
Thời điểm đó, chị Ka Riểm cũng không biết con trai mắc bệnh bạch tạng, cho đến khi 2 đứa sau chào đời mới được bác sĩ nói đó là căn bệnh hiếm gặp tại Việt Nam. "Hồi ấy người ta đồn đoán thằng K'Mĩ là con lai của mình với người nước ngoài. Song mình sinh tiếp 2 lần nữa, các con đều giống anh trai thì tất cả đều biết đó là căn bệnh hiếm gặp. Mọi người không còn bàn tán hay mỉa mai mình nữa", người phụ nữ đồng bào dân tộc nói.
Chị vừa dứt lời, anh K'Mốt trầm buồn cho biết dẫu cả làng đều biết con của anh mắc bệnh nhưng 5 năm trước vẫn xa lánh đám nhỏ. Hễ chúng ra ngoài là lại có người nói này nói kia khiến cả 3 tự ti không dám đi đâu. "Bọn trẻ nói với vợ chồng tôi rằng bị người ta xa lánh cũng buồn nhưng không đáng sợ bằng nỗi khiếp hãi khi nhìn thấy ánh nắng mặt trời.
Các con của Ka Riểm rất sợ ánh nắng mặt trời.
Mỗi lần gặp nắng, da của chúng nổi mẩn đỏ khắp người, đôi mắt đỏ rực không nhìn rõ hiện vật xung quanh. Bởi thế chúng suốt ngày chỉ trốn trong góc tối của căn nhà" anh K'Mốt nói.
Gần đây, người dân trong làng bắt đầu có cái nhìn thoáng hơn về căn bệnh bạch tạng. Họ không còn miệt thị đối với 3 đứa trẻ của vợ chồng anh K'Mốt. Đó cũng là thời điểm K'Mĩ đi rong chơi nhiều hơn đến mức làn da dần chuyển sang màu đỏ ửng. "Biết là con bị bệnh bạch tạng, nhưng do gia đình khó khăn nên vợ chồng tôi chưa có điều kiện đưa các con đi bệnh viện chữa trị. Đợt này nhìn da thằng lớn mẩn đỏ vì đi nắng nhiều mà sốt ruột lắm. Tôi dự định sang năm sẽ cho xuống thành phố kiểm tra vì sợ phát bệnh", người đàn ông tâm sự.
Hiện gia đình 5 miệng ăn sống dựa vào đồng lương ít ỏi đi làm phụ hồ của anh K'Mốt. Thi thoảng chị Ka Riểm vào rừng kiếm cái ăn hoặc đi làm mướn cho người ta để cải thiện bữa ăn cho các con. Vì thế chị luôn ước ao có tiền xây dựng 1 nhà vệ sinh nho nhỏ, có nước sạch để dùng và thêm chút quần áo dài, kính mắt cho 3 con.
"Mình nuôi 2 con ăn học và lo toan bao thứ nên làm gì có tiền nhiều đâu. Giờ mình vẫn phải đi vệ sinh nhờ của họ hàng, nước thì phải gánh từ bên nhà nội sang đây. Mình ước gì có tiền để xây nhà vệ sinh, đào cái giếng nước sạch. Đặc biệt mình ước con có quần áo dài, kính đeo để bảo vệ cơ thể, tránh khỏi ánh nắng. Như vậy mình cảm thấy mãn nguyện lắm rồi", người phụ nữ thành thật.