Mỗi dịp đi công cán nước ngoài, Tổng thống Mỹ Barack Obama đều trở thành tâm điểm chú ý. Ngay cả những chuyện như ông ăn ngủ thế nào, hành lý ra sao, gặp tình huống gì khó xử… cũng được quan tâm.
Chi phí cho một ngày ông chủ Nhà Trắng công du nước ngoài được tính bằng con số hàng triệu USD. Ngoài đoàn tủy tùng hùng hậu lên đến vài trăm hoặc cả ngàn người, chính phủ Mỹ còn gửi chuyên cơ Air Force One (Không lực 1), xe riêng Cadillac One (biệt danh “Quái thú”), các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại… để phục vụ nhà lãnh đạo của họ.
Công tác an ninh, ngủ nghỉ của Tổng thống Obama đều do Washington tự đảm trách. Riêng ông chủ Nhà Trắng thường cầm theo một chiếc cặp da màu đen hay gọi bằng cái tên “Nuclear Football” (tạm dịch: Cặp hạt nhân). Và không thể không nhắc đến hộ chiếu để nhà lãnh đạo Mỹ thông hành cũng như chiếc lều an ninh đặc biệt nhằm đáp ứng trong các trường hợp khẩn cấp.
“Siêu” hộ chiếu
Dù là nguyên thủ hàng đầu thế giới nhưng mỗi lần đi ra nước ngoài, Tổng thống Obama cũng cần phải đem theo hộ chiếu. Cuốn sổ thông hành này chỉ được hé lộ vào tháng 3-2015.
Báo The Guardian (Anh) cho biết một nhân viên văn phòng di trú Úc đã vô tình gửi email chứa thông tin cá nhân - bao gồm các số hộ chiếu – thuộc về ông Obama cùng 30 nhà lãnh đạo thế giới khác đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở TP Brisbane - đến một nhà tổ chức giải bóng đá Asian Cup.
Email bao gồm số hộ chiếu, số thị thực, ngày tháng năm sinh, thông tin nhận dạng cá nhân của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…
Hộ chiếu của ông Obama. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Theo Nhà Trắng, ông Obama được cấp hộ chiếu mới sau khi đắc cử tổng thống. Trên đó in một tấm ảnh và chữ ký của ông ngoại trừ có thêm dòng chữ đặc biệt: “Người sở hữu hộ chiếu là tổng thống Mỹ”. Tấm hộ chiếu được cất giữ bên trong tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower cùng với hộ chiếu của các nhân viên Nhà Trắng khác.
Chiếc cặp hạt nhân
Chiếc cặp da màu đen huyền bí luôn theo chân Tổng thống Obama kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không biết trong chiếc cặp này chứa đựng những bí mật gì, chỉ biết nó có thể cho phép nhà lãnh đạo Mỹ khởi động một cuộc tấn công hạt nhân ngay cả khi vắng mặt tại trung tâm chỉ huy cố định như Phòng Tình huống ở Nhà Trắng.
Cựu Giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng Bill Gulley tiết lộ thực chất chiếc cặp không chứa một bàn phím để tổng thống nhấn nút khai hỏa mà bao gồm 4 mục riêng biệt: một cuốn sách màu đen dài 75 trang trong đó có các tùy chọn tấn công trả đũa hạt nhân được in bằng mực đen và đỏ; một cuốn sách màu đen khác liệt kê những nơi trú ẩn dành cho tổng thống trong trường hợp ông phải sử dụng đến chiếc cặp – đồng nghĩa với việc nước Mỹ sẽ được đặt dưới tình trạng chiến tranh; một thư mục chứa 10 trang hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Phát sóng Khẩn cấp; một chiếc thẻ chứa các mã xác nhận cần thiết để sử dụng cặp. Thỉnh thoảng, một chiếc ăng-ten có thể được nhìn thấy thò ra bên ngoài, chứng minh trong này cũng tích hợp cả thiết bị thông tin liên lạc.
Chiếc cặp có ăng-ten thò ra ngoài. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Từ “Football” (bóng đá) xuất phát từ "Dropkick” (cú đá bóng đang bật nảy) - tên mã của một kế hoạch chiến tranh hạt nhân bí mật, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Dù chiếc cặp luôn ở bên cạnh Tổng thống Obama nhưng ông không phải là người đích thân xách nó. Nhiệm vụ được giao cho một trong các phụ tá quân sự đáng tin cậy. Người này phải luôn theo sát tổng thống, không rời nửa bước để ông có thể khởi động một cuộc tấn công hạt nhân chỉ trong thời gian vài phút.
Hãng tin AP cho biết khi ông Obama về nhà, chiếc cặp sẽ được cất giấu ở một nơi an toàn bên trong Nhà Trắng. Trọng lượng chiếc cặp ước tính khoảng 20 kg.
Năm 1962, sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, chiếc cặp xuất hiện dưới thời cố Tổng thống John F. Kennedy. 54 năm sau, chiếc cặp chết người vẫn đại diện cho sức mạnh quân sự đáng nể của quân đội Mỹ cũng như trách nhiệm to lớn mà tổng thống – người được trao nhiệm vụ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang – phải gánh vác mọi lúc mọi nơi.
Lều an ninh
Khi Tổng thống Obama công du nước ngoài, đoàn tùy tùng của ông mang theo tài liệu, quà lưu niệm để tặng các nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, họ còn mang theo một thứ dường như phù hợp cho mục đích cắm trại hơn là ngoại giao, đó là một chiếc lều đảm bảo an ninh.
Chiếc lều có cấu tạo đặc biệt với 2 mặt được làm mờ để tránh bị quan sát từ bên ngoài. Khi Tổng thống Obama cần đọc một tài liệu mật hoặc có một cuộc trò chuyện nhạy cảm, ông sẽ ngồi ở bên trong để tránh bị camera cũng như thiết bị nghe lén theo dõi.
Lều an ninh thường được dựng gần khách sạn nơi Tổng thống Obama trú lại trong chuyến công du của ông. Trước khi dựng lều, đặc vụ Mỹ sẽ kiểm tra các phòng khách sạn chung quanh xem có đặt thiết bị nghe lén hay không.
Tổng thống Obama gọi điện thoại trong lều an ninh. Ảnh: WHITE HOUSE
Các quan chức an ninh Mỹ yêu cầu không chỉ tổng thống mà còn các thành viên Quốc hội, nhà ngoại giao, hoạch định chính sách và sĩ quan quân đội cần phải đem theo một chiếc lều tương tự khi đi ra nước ngoài. Washington cho biết họ đề phòng cả các đồng minh châu Âu sau bê bối nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Một số quan chức Mỹ sợ rằng họ cũng sẽ trở thành nạn nhân bị đồng minh do thám.
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) R. James Woolsey Jr., người từng làm việc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, nói: “ Một số quốc gia như Trung Quốc, Nga và nhiều nước Ả Rập đang cố gắng do thám Mỹ. Vì vậy, bạn phải suy nghĩ về điều đó và thực hiện các biện pháp phòng ngừa”.
Hiện vẫn chưa rõ lều an ninh được giới chức Mỹ sử dụng từ khi nào. Tuy nhiên, chỉ biết rằng cựu Giám đốc CIA George J. Tenet (phục vụ từ năm 1997-2004) là một trong những quan chức đầu tiên hay mang vật dụng này theo người.