Các bác sĩ khi đến tâm dịch Bắc Giang đều xác định bao giờ dẹp xong dịch mới trở về và đành chấp nhận không giữ lời hứa với người thân.
2 năm thất hứa với các con trong ngày 1/6
Cách đây tròn một tuần, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (Đội trưởng Đội phản ứng nhanh ra hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang) cùng 12 đồng nghiệp khác đã “xuất quân” từ TP.HCM ra Bắc Giang để cùng các bác sĩ tại đây chống dịch COVID-19. Điểm đến của Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy là tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, nơi có nhiều bệnh nhân nặng được chuyển về điều trị.
Do đặc thù là nơi điều trị cho các bệnh nhân nặng nên bác sĩ Trần Thanh Linh và các đồng nghiệp của mình dường như không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Trong ngày 1/6, ngoài việc theo dõi các bệnh nhân khác, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy còn phải tiếp nhận, đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho hai bệnh nhân rất nặng, trong đó có trường hợp người phụ nữ 26 tuổi mang thai 22 tuần.
Bác sĩ Linh trao đổi với đồng nghiệp về việc đặt ECMO cho bệnh nhân nặng ở Bắc Giang.
Phải chuyển máy móc từ Bệnh viện Phổi Bắc Giang sang BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang, rồi đưa bệnh nhân quay về Bệnh viện Phổi để tiếp tục điều trị, đó là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng với kinh nghiệm và sự quyết tâm, hiện thai phụ đang được lọc máu, thở máy dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ.
“Ưu tiên hàng đầu của các bác sĩ trong giai đoạn này ưu tiên cứu mẹ. Hơn nữa, thai phụ phải sử dụng rất nhiều thuốc cùng các thiết bị máy móc trên người nên khả năng thai nhi chuyển thành thai lưu là rất cao”, bác sĩ Linh cho hay.
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 dù gặp không ít áp lực nhưng bác sĩ Linh và các đồng nghiệp từ Bệnh viện Chợ Rẫy luôn nhận được sự động viên kịp thời từ lãnh đạo và người thân.
Nói về gia đình ở phương xa, bác sĩ Linh tâm sự, đây là năm thứ 2 anh cùng các đồng nghiệp của mình thất hứa với các con khi không thể ở bên cạnh, động viên hay có những món quà tặng các con nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Đây là lần thứ 2 bác sĩ Linh thất hứa với con trong ngày 1/6 vì nhiệm vụ chống dịch.
“Khi không thể về với các con trong ngày 1/6, chúng tôi động viên với các con rằng, các con vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác vì vẫn còn bà, còn mẹ bên cạnh; trong khi có nhiều em bé khác phải cách ly điều trị một mình vì mắc Covid-19 mà bên cạnh không có người thân ruột thịt nào... Khi đó các con cũng động viên bố đi chống dịch phải giữ gìn sức khỏe, hết dịch rồi về với các con”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Đối với dịch tại Bắc Giang đợt này, bác sĩ Linh cũng như các đồng nghiệp của anh xác định thời gian sẽ kéo dài hơn, nhiều cam go hơn vì biến thể virus làm tốc độ lây lan nhanh và bệnh diễn tiến nặng hơn. Nhưng với kinh nghiệm và kiến thức thu được qua nhiều đợt dịch, anh cùng các đồng nghiệp có niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta sẽ sớm chiến thắng được đợt dịch lần này.
Bác sĩ trong tâm dịch COVID-19: “Vợ hỏi bao giờ anh đi Bắc Giang”
Cũng đang ở trong tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng - Phó Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đà Nẵng - Trưởng đoàn y tế Đà Nẵng chi viện Bắc Giang chia sẻ là đồng nghiệp, bác sĩ Hùng luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để chi viện, tiếp sức các đồng nghiệp ở Bắc Giang bằng cả trái tim mình. Vì đợt dịch ở Đà Nẵng vào năm ngoái, hơn ai hết những người như bác sĩ Hùng thấu hiểu được giai đoạn cực khổ của nơi tâm dịch - trong khi Bắc Giang lần này ca nhiễm nhiều hơn, ca nặng cũng nhiều hơn.
Bác sĩ Hùng xác định khi nào dẹp xong dịch mới trở về.
Khi nhận nhiệm vụ đi hỗ trợ Bắc Giang, bác sĩ Hùng và các đồng nghiệp xác định tinh thần khi nào dẹp yên dịch, hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. “Vợ tôi quen với việc chồng đi công tác nhiều rồi. Hồi Hải Dương bùng dịch, vợ hỏi tôi: Anh có đi Hải Dương không? Rồi khi tình hình Bắc Giang bắt đầu có những ca nặng, vợ lại hỏi: “Khi nào anh đi Bắc Giang?” Cô ấy chủ động hỏi luôn trong khi chưa có lệnh điều động gì. Với tất cả những quyết tâm đó, chúng tôi hy vọng có thể giúp tỉnh Bắc Giang sớm chiến thắng trong đợt dịch này”, bác sĩ Hùng tâm sự.