Hình ảnh đội ngũ nhân viên y tế ở Bắc Giang trong bộ quần áo blouse trắng đứng nghiêm trang cúi đầu tưởng niệm, tiễn biệt người thân của nữ hộ lý khiến nhiều người xúc động.
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin kèm hình ảnh đội ngũ nhân viên y tế ở Bắc Giang trong bộ quần áo blouse trắng xếp thành hai hàng đứng nghiêm trang cúi đầu tưởng niệm, tiễn biệt người quá cố.
Bức ảnh cán bộ y tế đứng nghiêm trang, cúi đầu tưởng niệm người quá cố qua cửa kính khiến triệu trái tim lay động
Cụ thể Facebook này chia sẻ:
“Xin được chia sẻ nỗi đau mất mát này với một hộ lý đang điều trị COVID-19, kíp 1 tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau khi người thân yêu nhất yên nghỉ mà vì công việc không thể trở về.
Trong lúc đang làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly dành cho người nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang, hộ lý Hiệp nhận được tin bố mất. Tuy nhiên vì đặc thù nhiệm vụ nên không thể trở về nhà.
Nỗi đau, sự mất mát này dường như nhân lên gấp bội bởi vì nhiệm vụ, vì quy định trong phòng chống dịch COVID-19 mà không thể về nhà chịu tang, đưa tiễn bố trên chặng đường cuối cùng.
Chia sẻ nỗi đau, sự mất mát không có gì có thể bù đắp nổi, các nhân viên y tế kíp 1 đã dành phút mặc niệm ngay trong bệnh viện”.
Ngay sau khi hình ảnh các cán bộ nhân viên y tế cùng cúi đầu mặc niệm được chia sẻ, nhiều người không khỏi xót thương, gửi lời chia buồn và mong các bác sĩ tuyến đầu chống dịch mau chóng vượt qua nỗi đau, khó khăn để cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.
Liên quan đến thông tin trên, trưa 25/5, bà Trần Thị Hợi, Trưởng phòng điều dưỡng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang cho biết, hình ảnh được chia sẻ trên mạng là tại bệnh viện trong khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Bức ảnh chụp từ phía bên trong ghi lại cảnh các cán bộ y tế đứng tiễn biệt người cha của đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ chống dịch, không về chịu tang được
Theo bà Lợi, đêm muộn 23/5, nữ hộ lý Hoàng Thị Vui (tên thường gọi là Hiệp, ở TP.Bắc Ninh) nhận tin bố ruột mất và báo cho ban lãnh đạo bệnh viện. Tuy nhiên, theo quy định phòng chống dịch COVID-19, chị Hiệp không thể về chịu tang cha mình được. Biết được câu chuyện của chị Hiệp, Ban lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền, cán bộ y tế làm nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến đã gửi lời chia buồn, chia sẻ, động viên chị Hiệp, mong chị vượt qua nỗi đau.
“Các đồ dùng mang vào viện cần phải kiểm duyệt, khử khuẩn kỹ càng cùng với đó là cường độ công việc cao, do vậy chúng tôi không thể chuẩn bị đồ làm lễ hay lập bàn thờ cho bố Hiệp tại bệnh viện được”, bà Hợi nói.
Bà Lợi cho biết, đến khoảng 5h30 sáng 24/5, giờ làm lễ truy điệu thân nhân của chị Hiệp, ca trực làm nhiệm vụ với chị buổi sáng đã dành 1 phút tưởng niệm, chia buồn với sự mất mát của đồng nghiệp. Sau đó, bà Lợi đã chia sẻ bức ảnh lên trang thông tin nội bộ của bệnh viện.
“Bức ảnh được chia sẻ, công đoàn của các bệnh viện trên cả nước nhận được tin đều gửi lời chia buồn tới Hiệp, ai cũng cầu chúc cho đồng nghiệp giữ sức khoẻ, vượt qua dịch bệnh”, bà Lợi cho biết.
Bà Lợi cũng cho hay, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang là một trong 6 điểm điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, được thiết lập từ 300 – 350 giường bệnh, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Để đảm bảo sức khoẻ cho các bác sĩ tuyến đầu, bệnh viện chia ra các kíp trực khác nhau, sau 4 tiếng lại thay ca một lần, mỗi kíp dao động từ 40 - 43 nhân viên y tế (tuỳ thuộc vào lượng bệnh nhân). Ngoài cán bộ nhân viên, bệnh viện được huy động thêm 10 cán bộ y tế từ trung tâm y tế huyện cho công tác điều trị.
Theo lịch, 4 tiếng làm việc liên tục các nhân viên y tế sẽ được thay ca nghỉ ngơi, nhưng trong trường hợp gần hết ca trực lại có bệnh nhân mới, các bác sĩ sẵn sàng làm tiếp cho đến khi hoàn tất công việc.
Bà Lợi cho rằng, lượng bệnh nhân điều trị lớn, các bác sĩ làm việc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ mà không được nghỉ ngơi, kiệt sức là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Dập bằng được ổ dịch Bắc Giang
Chiều 25/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng virus lây lần này rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng, có khả năng nhân lên nhanh và khả năng phát tán mầm bệnh rất rộng.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủng virus lần này nếu xử lý chậm là muộn. Ví dục như nhà máy Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55% do lây từ trước, trong khu lưu trú, trong nhà máy và trên xe đi làm hàng ngày.
“Chủng virus SARS-CoV-2 có tốc độ lan nhanh, mạnh và rộng như vậy, mật độ công nhân ở các ổ dịch lại quá đông, trong môi trường khép kín, nhà ăn tập thể có hàng nghìn người, khu vệ sinh dùng chung. Hàng chục nghìn người sinh hoạt như thế nên nguy cơ lây lan là rất lớn và thực tế đã chứng minh điều này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá.
Trong 3 ngày qua ngành y tế dồn tổng lực xét nghiệm nên số ca dương tính phát hiện sau xét nghiệm đến chiều nay tăng thêm hơn 300 trường hợp. Tuy nhiên, có điểm tạm yên tâm là các ca bệnh đều nằm trong khu vực cách ly, phong toả nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng không nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng tỉnh cần đối mặt với thực trạng và thách thức tình hình sẽ diễn tiến phức tạp trong những ngày tới, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều bệnh nhân hơn và dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, hạ nhiệt. Tuy các ca này đang trong khu phong tỏa nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng không lớn, nhưng các cơ quan chức năng phải ngăn chặn bằng được sự lây lan trong các khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ưu tiên lớn nhất hiện nay: Dập bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được thì dịch sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác và sẽ rất nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo PGS.TS Trần Như Dương và PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (hai Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang) cần họp với tỉnh và đưa ra phương án thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bằng test kháng nguyên nhanh, sàng lọc những người có nguy cơ cao.
Lê Phương
Một số cán bộ công an là F1 của ca mắc COVID-19 ở chung cư Goldmark City
Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xác định một số cán bộ chiến sĩ là F1 của ca mắc COVID-19 tại toà chung cư Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn).
Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, ngày 23/5, trên địa bàn quận phát hiện 1 ca mắc COVID-19 sinh sống tại tòa R4, Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu. Đây là ca bệnh phức tạp có lịch sử tiếp xúc với nhiều người do là thành viên tổ bầu cử đang làm nhiệm vụ tại điểm bầu cử tổ dân phố số 20, phường Phú Diễn.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh trên, công an quận đã phối hợp với các đơn vị chức năng nhanh chóng thành lập các tổ công tác truy vết các trường hợp nghi nhiễm có liên quan đến ca bệnh. Qua điều tra truy vết, xác định có 28 trường hợp F1, trong đó có một số là cán bộ chiến sỹ công an quận; 670 người có liên quan.
Hiện tại, số cán bộ chiến sỹ là F1 của ca bệnh tại Goldmark City đã được cách ly theo quy định đồng thời liên hệ Binh chủng hóa học phun khử khuẩn toàn bộ trụ sở công an quận, chủ động xây dựng kịch bản và các biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19, không để bị động, bất ngờ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công an quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực Goldmark City để phục vụ công tác xét nghiệm và truy vết các trường hợp nghi nhiễm có liên quan đến ca bệnh.
Theo đó, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đội công tác, cá nhân cán bộ chiến sỹ trong đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu Goldmark City, không để tình trạng tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh thực hiện các hành vi phạm tội.
Đáng chú ý, Goldmark City là khu chung cư cao cấp, có nhiều người nước ngoài sinh sống tại đây nên công tác xét nghiệm, truy vết các trường hợp nghi nhiễm gặp rất nhiều khó khăn. Công an quận Bắc Từ Liêm đã cử các cán bộ chiến sỹ có khả năng ngoại ngữ tốt tham gia hỗ trợ các tổ công tác để thực hiện công tác xét nghiệm,truy vết.
Trước ca bệnh mới phức tạp, cán bộ chiến sỹ công an quận tiếp tục đến từng nhà để thực hiện công tác truy vết, đảm bảo dịch bệnh được kiểm soát trên địa bàn. Có những cán bộ làm việc 30 tiếng ròng rã vừa kết thúc nhiệm vụ bầu cử đã chuyển sang nhiệm vụ truy vết các trường hợp nghi mắc COVID-19.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Bắc Giang yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, cấm tụ tập nơi công cộng
Cụ thể, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đây là loại virus biến chủng mới rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh. Để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh được hiệu quả thì ý thức tự phòng ngừa của mỗi người dân là yếu tố quyết định, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch ở các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện cách ly xã hội (thành phố Bắc Giang, các huyện: Hiệp Hòa, Tân yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động) như sau:
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi thực hiện công vụ, công nhân đi làm việc, đưa người đi cấp cứu, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng đi hoạt động kiểm tra, giám sát.
Lực lượng chức năng Bắc Giang lập chốt kiểm soát.
Nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng kể cả tập thể dục, thể thao. Người dân được phép ra đồng thu hoạch lúa, nông sản nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo phương thức: gia đình nào thu hoạch của gia đình đó, khi ra đồng không tụ tập đông người. Trong quá trình thu hoạch yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Trường hợp sử dụng chung máy móc, thiết bị, công cụ thu hoạch thì phải thực hiện khử khuẩn trước khi bàn giao giữa những người sử dụng.
Việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch: sát khuẩn, đeo khẩu trang, mua bán phải đảm bảo khoảng cách an toàn.
Các nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng đang được phép hoạt động phải có biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu người lao động sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. Thực hiện giãn cách giữa người với người (có thể chia ca, chia kíp để giảm số lượng công nhân làm việc cùng một thời điểm), thực hiện ăn theo suất, không ăn chung, uống chung....
Khuyến khích công nhân ở lại bám trụ sản xuất tại nhà máy, công trường thi công trong thời gian có dịch, hết giờ làm việc không được tụ tập. Củng cố các tổ an toàn COVID-19 để tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát phòng dịch trong từng phân xưởng, bộ phận sản xuất.
Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp không sản xuất: Bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo chế độ luân phiên hoặc từ xa.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn phải áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Củng cố, phát huy vai trò các tổ COVID-19 cộng đồng tại khu dân cư trong phòng, chống dịch.
Các địa phương đã có quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc được phong tỏa y tế thì yêu cầu chính quyền và nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm.
Đây là đợt bùng phát dịch đặc biệt nguy hiểm, thời gian còn kéo dài vì vậy cần sự vào cuộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là ý thức thực hiện, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch của người dân.
Những chung cư nào ở Hà Nội đang bị phong tỏa, giám sát y tế?
Tính đến nay, tại Hà Nội có 17 tòa chung cư được giám sát do có liên quan đến các ca mắc COVID-19.
Quận Bắc Từ Liêm
Ngày 16/5, một người được cơ quan chức năng xác định mắc COVID-19 đang sống tại tầng 27, nhà NO2, chung cư Ecohome 3 (phường Đông Ngạc – quận Bắc Từ Liêm). Ngay lập tức, quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp truy vết, khử khuẩn…
Lực lượng y tế đã lấy mẫu PCR cho 51 trường hợp (17 F1 và 34 người liên quan) và chuyển 17 F1 tới khu cách ly tập trung tại Trường Giáo dục Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội (Thạch Hòa, Thạch Thất). Quận Bắc Từ Liêm đã cho phong tỏa tạm thời tầng 27 tòa N02 chung cư Ecohome 3.
Cơ quan chức năng tiến hành điều tra dịch tễ tại chung cư Ecohome 3.
Ngày 24/5 vừa qua, ngay sau khi có ca mắc COVID-19 tại tòa nhà R4A chung cư Goldmark City (phường Phú Diễn - quận Bắc Từ Liêm) đã chỉ đạo kích hoạt toàn bộ hệ thống thần tốc truy vết F1, F2, các trường hợp liên quan, lên phương án, kế hoạch khoanh vùng. Trong ngày, quận Bắc Từ Liêm "phong tỏa mềm" 4 tòa nhà Goldmark City (R1, R2, R3, R4) với tổng số 1.909 hộ và 5.752 cư dân; tạm thời đóng cửa toàn bộ các cửa ra - vào (4 cửa ô tô, 4 cửa ra vào xe máy, 6 hầm đường bộ).
Huyện Gia Lâm
Ngày 10/5 CDC Hà Nội đã công bố BN3456, có địa chỉ D5, KĐT Đặng Xá, Gia Lâm dương tính với virus SARS –CoV-2. Ca dương tính này là F1 đã được cách ly tập trung (liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều). UBND huyện Gia Lâm quyết định thiết lập khu vực cách ly y tế tại tầng 5, tòa nhà D5, Khu đô thị Đặng Xá để phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 22/5, CDC Hà Nội đã có báo cáo điều tra về ca bệnh liên quan đến khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) nhà ở S2.02, Vinhome Ocean Park, Đa Tốn (Gia Lâm). UBND huyện Gia Lâm quyết định phong tỏa, cách ly y tế tạm thời đối với tòa nhà S2.02 khu đô thị Vinhomes Ocean Park.
Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thời gian cách ly là 21 ngày, tính từ 10h ngày 22/5 (nếu không phát sinh ca bệnh dương tính). UBND huyện Gia Lâm đã giao các lực lượng chức năng thành lập chốt kiểm soát ra/vào khu vực cách ly đảm bảo an ninh, an toàn theo đúng quy định hướng dẫn của các cấp.
Quận Thanh Xuân
Trưa 9/5, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân (Hà Nội) tiến hành phong tỏa tạm thời chung cư The Legacy, số 106 phố Ngụy Như Kon Tum sau khi ghi nhận một người nhiễm COVID-19.
Chiều 12/5, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa ĐN2 tòa nhà Center Point (số 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi phát hiện cặp vợ chồng sinh sống tại đây có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tòa nhà Center Point .
Cùng ngày, lực lượng chức năng quận đã khẩn trương vào cuộc điều tra, truy vết được 39 trường hợp F1. Đồng thời, liên hệ lấy thông tin các trường hợp F2 để triển khai các hoạt động cách ly. Xác minh các trường hợp F3 và khu vực dịch tễ các trường hợp F2, F3 đến giao lưu, làm việc. Cùng đó, hướng dẫn tự cách ly và triển khai các biện pháp phòng dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sáng 24/5, lực lượng chức năng tổ chức các chốt trực, phong tỏa tạm thời tòa chung cư 17T4 Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì phát hiện 1 ca dương tính SARS-CoV-2.
Quận Hà Đông
Sáng 13/5, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa chung cư Hồ Gươm Plaza và tòa nhà CT7 BooYoung, Hà Đông liên quan tới 2 ca dương tính với SARS-CoV-2. 2 ca mắc COVID-19 này đều là F1 của vợ chồng BN3633 và BN3634 khi tham gia buổi giới thiệu dự án mới.
Quận Đống Đa
Chiều 12/5, lực lượng chức năng quận Đống Đa (Hà Nội) đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại chung cư 187 Nguyễn Lương Bằng do liên quan đến BN3624. Các biện pháp được lực lượng chức năng thực hiện gồm: phun khử khuẩn, thiết lập rào chắn, khoanh vùng, truy vết, xét nghiêm… Riêng tầng 7 của chung cư 187 Nguyễn Lương Bằng được cách ly y tế kể từ chiều muộn 12/5.
Huyện Thanh Trì
Sáng 11/5, ngay sau khi CDC Hà Nội có báo cáo về trường hợp nam bệnh nhân sinh sống tại tòa CT10C – chung cư Đại Thanh (Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội) mắc COVID-19. Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì đã khẩn trương phong tỏa, kiểm soát y tế cũng như tiến hành điều tra, truy vết. Theo CDC Hà Nội, đây là mắc trong cộng đồng nhưng có nguồn lây từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Quận Hoàng Mai
Sáng 4/5, TP Hà Nội ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân là chuyên gia có quốc tịch Ấn Độ. Bệnh nhân sống cùng gia đình tại tầng 24, Park 10, KĐT Times City.
Lực lượng chức năng thiết lập hàng rào kiểm soát dịch tễ trước toà Park 10, Times City - Ảnh: VGP.
Tối 22/5, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã thực hiện cách ly y tế tòa chung cư Park 9, Khu đô thị Times City sau khi ghi nhận trường hợp cháu bé 3 tuổi (quốc tịch Ấn Độ) dương tính với SARS-CoV-2. UBND phường Mai Động đã yêu cầu trạm y tế phối hợp công an phường tổ chức truy vết, xác định ngay các trường hợp F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.
Sáng 23/5, phường Mai Động nhận được thông tin ban đầu về 1 ca bệnh dương tính với COVID-19 là cư dân trong khu đô thị Times City. Ca bệnh mới là nam, 11 tuổi (ở tầng 15 tòa Park 11) có kết quả ban đầu dương tính với COVID-19 sau khi làm xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec. UBND phường Mai Động yêu cầu toàn bộ cư dân tòa chung cư Park 11 không rời khỏi nơi cư trú để điều tra dịch tễ, truy vết COVID-19.
Trong chiều 24/5, phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tiến hành phong toả tạm thời toà nhà CT1, chung cư Gelexia Riverside (số 885 Tam Trinh, Yên Sở) do có một ca dương tính với SARS-CoV-2
Cũng trong tối 24/5, UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phong tỏa tạm thời tòa A, phân khu The Zen ở Khu đô thị Gamuda Gardens do ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.bTheo đó, toàn bộ cư dân không được rời khỏi tòa nhà kể từ 18h ngày 24/5 cho đến khi có thông báo mới. Riêng cư dân tại tầng 20 được yêu cầu ở tại nhà để được lấy mẫu xét nghiệm.
Quận Long Biên
Chiều 23/5, CDC Hà Nội xác nhận 3 trường hợp cùng gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2. Trong đó có bé trai sinh năm 2013, Park 11 Times City, Hoàng Mai, Hà Nội nhưng hiện ở nhà bà ngoại tại tòa chung cư H2 thuộc phường Giang Biên, Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên. Sau khi CDC Hà Nội thông báo, lực lượng chức năng đã lập hàng rào chắn xung quanh tại tất cả các lối đi lại. Phía bên trong, các nhân viên y tế đang làm các công tác phun khử khuẩn và hướng dẫn người dân phòng chống dịch.
Có bao nhiêu người tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 đến Big C Thăng Long mua rau, cá, thịt
Liên quan đến việc truy vết những người đến siêu thị BigC cùng thời điểm có ca mắc COVID-19 có mặt tại đây, cơ quan chức năng đã bước đầu xác định được những người tiếp xúc gần.
Theo đó, tối 24/5, sau khi tiếp nhận thông tin một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từng đến Trung tâm thương mại Big C Thăng Long (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) mua sắm, đơn vị này đã thời đóng cửa, phun khử khuẩn.
Được biết, ca mắc COVID-19 từng đến Big C Thăng Long từ 15h-17h30 chiều 22/5, có đeo khẩu trang, sau đó về nhà. Một lãnh đạo TTYT quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, bệnh nhân mắc COVID-19 từng đến các quầy mua rau, cá, gà tại Big C, tiếp xúc với 4 người F1 trong đó có thu ngân. Ngoài ra còn 9 trường hợp F2.
Hiện 4 trường hợp F1 đi cách ly tập trung, các trường hợp F2 cách ly tại nhà. Những trường hợp này đều đã được lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân cũng chỉ đi những địa điểm trên chứ không đi khắp khu vực Big C.
Sau khi tiến hành khử khuẩn toàn bộ, Trung tâm thương mại Big C sẽ mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu của người dân như mọi ngày.
Lê Phương
Ca nghi mắc Covid-19 mới ở TP HCM: Khoanh vùng, xét nghiệm 39 hộ dân hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu
Sáng 25-5, cơ quan chức năng đã dựng rào chắn, khoanh vùng con hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Nhiều nhân viên y tế đã vào khu vực cách ly để làm công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Ông Nguyễn Ngọc Đức - Chủ tịch UBND phường 4, quận 3 - xác nhận hẻm này là nơi sinh sống của con gái bệnh nhân 4780 (chủ quán bánh canh ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu gần đó).
"Người con này đã được cách ly từ ngày 20-5 và có xét nghiệm âm tính lần thứ nhất, đến ngày 24-5 thì mới có kết quả dương tính SARS-CoV2. Tuy vậy, chúng tôi vẫn khoanh vùng 39 hộ dân xung quanh nơi bệnh nhân sinh sống và đang tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm giám sát cho mọi người" - ông Nguyễn Ngọc Đức cho biết.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đã thông tin về ca nghi nhiễm này. Đó là con gái của bệnh nhân 4780 (người bán quán bánh canh), sống tại quận 3, có đến thăm mẹ.
Đây là trường hợp chuyển từ âm tính sang dương tính trong khu cách ly. Bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương do đang điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối.
(Theo Người Lao Động)
Bệnh nhân ho ra máu ở Thanh Hóa mắc COVID-19 có triệu chứng khi ở Hà Nội trước đó 1 tuần nhưng không đi khám
Liên quan đến ca bệnh 5046 ở Thanh Hóa từng làm việc ở Long Biên trước khi trở về quê, quận Long Biên mới có báo cáo nhanh về trường hợp này.
Theo đó, trước khi trở về quê và xét nghiệm xác định mắc COVID-19, bệnh nhân làm tại công trình trường THCS Lê Quý Đôn, tạm trú tại đường Phúc Lợi, quận Long Biên.
Khi về đến Thanh Hóa, ngày 21/5/2021 bệnh nhân có biểu hiện ho và nôn ra máu, được đưa đến Bệnh viện Phổi Thanh Hóa khám và điều trị. Sáng 22/5/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành giám sát lấy mẫu xét nghiệm. Đến 16 giờ ngày 22/5/2021 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh này, lực lượng chức năng quận Long Biên đã tiến hành truy vết và xác định được 11 F1, là những người sống cùng lán trại tại công trình xây dựng với bệnh nhân. 141 trường hợp khác xác định có liên quan đến ca mắc COVID-19 được khoanh vùng.
Thời gian ở Hà Nội, bệnh nhân chỉ tiếp xúc với công nhân cùng lán trại, không đi đâu, không tiếp xúc với dân địa phương cũng như công nhân lán trại khác. Khoảng 1 tuần trước khi về Thanh Hòa, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho không thuyên giảm nhưng không đi điều trị. Sau đó bệnh nhân bắt xe khách về Thanh Hóa, đến khi ho ra máu mới gọi người thân đưa đi bệnh viện điều trị.
Lê Phương
Khẩn cấp tái lập các khu cách ly tập trung cho 30.000 người ở TPHCM
Ngành y tế TPHCM đang chuẩn bị phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch COVID-19 lan rộng để có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế, UBND TPHCM chấp thuận cho Bộ Tư lệnh TPHCM tạm sử dụng cơ sở 2 của Bệnh viện điều trị Cần Giờ tiếp nhận cách ly tập trung cho người nhập cảnh với quy mô 300 giường.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các khu cách ly do đơn vị quản lý để chuyển lại công năng của Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ và Bệnh viện dã chiến Củ Chi cho ngành y tế.
UBND TPHCM yêu cầu trong trường hợp dịch bùng phát tại thành phố với số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Bộ Tư lệnh TPHCM giao lại toàn bộ số giường tại cơ sở 2 để Sở Y tế tiếp nhận, phục vụ điều trị cho các bệnh nhân, hạn chế thấp nhất nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.
Khu cách ly tập trung tại khu ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM
UBND TPHCM yêu cầu Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (cơ sở 1) đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, điều trị và cách ly người nghi nhiễm, người nhiễm SARS-CoV-2. UBND TPHCM cũng chấp thuận tái thiết lập khu cách ly dự phòng tại các trường đại học để cách ly tập trung cho những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2.
Trao đổi với Tiền Phong sáng 25/5, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết TPHCM đang chuẩn bị phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch lan rộng, gồm: 9 khu của quân đội và một khu của Ký túc xá Đại học Quốc gia (tổng công suất 19.520 giường).
“Với 10.481 giường cách ly hiện tại, TPHCM sẽ có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người” – đại diện HCDC cho hay.
Hà Nội phong toả chợ Xanh Văn Quán, chung cư CT3B liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 25/5, bà Cấn Thị Việt Hà – Chủ tịch UBND quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, chính quyền đang tạm thời phong toả chợ Xanh Văn Quán và toà chung cư CT3B, khu đô thị Văn Quán để phun khử khuẩn, phòng dịch COVID-19 vì liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Theo bà Hà, tại chung cư CT3B có một người phụ nữ dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Người này từng đến chợ Xanh Văn Quán để mua đồ. Trường hợp dương tính này liên quan đến ca F0 của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (địa chỉ: số 2A Phạm Sư Mạnh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chợ Xanh Văn Quán tạm thời bị phong toả
Sau khi tiếp nhận thông tin, quận đã tạm phong toả chợ Xanh Văn Quán, chung cư CT3B để khử khuẩn, phòng dịch. Thời gian cho phép chợ Xanh Văn Quán mở cửa hoạt động trở lại sẽ được thông báo sau.
Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T hiện đã ghi nhận 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội vào chiều 24/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, chùm ca bệnh liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T rất phức tạp và chưa rõ nguồn lây.
Trước diễn biến phức tạp của ổ dịch tại Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương phải khẩn trương gửi mẫu xét nghiệm của 462 cán bộ, công nhân viên công ty này để sớm khoanh vùng, dập dịch.
(Theo Dân Việt)
Thông báo khẩn tìm người đi trên xe khách Tuấn Hùng tuyến Nghệ An – Điện Biên
Ngày 25/5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên có thông báo khẩn đề nghị người dân đi trên chuyến xe khách và đến địa điểm sau khẩn trương liên hệ trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn khai báo y tế.
Cụ thể, ngày 20/5, xe khách mang BKS 27B 000.75 nhà xe Tuấn Hùng xuất bến Vinh (Nghệ An) từ 18h ngày 20/5 đến Bến xe khách TP.Điện Biên Phủ (Điện Biên) 8h10 ngày 21/5.
Ngày 21/5, 8h10 những người lái xe ôm, taxi chờ đón khách trước cửa xe Tuấn Hùng tại bến xe khách TP.Điện Biên Phủ.
Ngày 21/5, từ 9h30 đến 12h, quán cơm Thu Hà, tổ 1 phường Thanh Bình, TP.Điện Biên Phủ (đối diện cổng bến xe khách chếch về phía bên trái).
Những người dân có mặt tại địa điểm trên khẩn trương liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng để được tư vấn, hỗ trợ (Trung tâm CDC Điện Biên: 0915.959.074, Sở Y tế tỉnh Điện Biên: 0967.971.717, Bộ Y tế: 1900 9095).
Được biết, một nam thanh niên ở Diễn Châu, Nghệ An sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) để lao động (khi đi người này có kết quả xét nghiệm ân tính). Ngày 20/5, người này đi từ Diễn Châu (Nghệ An) lên xe khách Tuấn Hùng đến TP.Điện Biên Phủ ngày 21/5.
Ngày 22/5, Lào lấy mẫu xét nghiệm và ngày 24/5, người này có kết quả dương tính với SASR-CoV-2 lần 1.
(Theo Dân Việt)
Cách ly xã hội 10 phường thuộc TP Hải Dương
Tối 24/5, UBND thành phố Hải Dương quyết định áp dụng một số biện pháp phòng chống COVID-19 sau khi liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh mới trên địa bàn.
Theo đó, kể từ ngày 25/5 thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 10 phường, gồm: Trần Phú, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Thanh Bình, Tân Bình, Hải Tân, Ngọc Châu.
Cụ thể, nhà cách ly với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ y tế.
Tạm dừng hoạt động các chợ Bắc Kinh, chợ tạm Phú Yên, chợ Con, chợ Chi Lăng. Các chợ còn lại thực hiện việc phân vùng và phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn – lẻ, chỉ bán lương thực thực phẩm.
Đồng thời, tiếp tục tạm dừng các hoạt động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa.
Lực lượng y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu.
Đối với 15 phường, xã còn lại tại TP Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính Phủ về quyết liệt thực hiện cao điểm phòng chống dịch.
Cụ thể, dừng các cuộc hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng. Không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học. Yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng. Yêu cầu người dân không ra ngoài đường từ 22h đến 5h hôm sau.
Tiếp tục tạm dừng các hoạt động, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa.
TP Hải Dương cũng tạm dừng hoạt động của bộ phận một cửa thành phố và 10 phường nêu trên. Yêu cầu các phường, xã tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ COVID-19 cộng đồng. Kiện toàn các tổ kiểm tra lưu động việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện, triển khai phòng chống dịch.
(Theo Tiền Phong)
Thủ tướng chỉ đạo khẩn về phòng chống dịch Covid-19 tại hơn 300 khu công nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 680/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, về việc bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp ở huyện Việt Yên (Bắc Giang)
Công điện nêu rõ, tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Trong nước, từ ngày 27-4 đã xuất hiện trở lại đợt dịch lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng.
Đặc biệt, dịch đã lây lan trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.
Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.
Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".
(Theo Người Lao Động)
Bắc Ninh hỏa tốc yêu cầu người dân 4 huyện và thành phố không ra đường sau 20 giờ
UBND tỉnh vừa ban hành văn hoả tốc ngày 24-5 về việc quản lý chặt cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Lực lượng phòng hóa Quân khu 1 phun hóa chất khử khuẩn tại TP Bắc Ninh - Ảnh: Bảo Anh
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó với các tình huống cấp bách có thể xảy ra; nhằm giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và TP Bắc Ninh tập trung chỉ đạo: Thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo phương châm: "Gia đình cách ly với gia đình, thôn/xóm/khu phố cách ly với thôn/xóm/khu phố, xã cách ly với xã, phường cách ly với phường".
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác .
Người dân không ra đường sau 20 giờ trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về... ( phải có giấy tờ liên quan như: thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác).
Chủ tịch UBND các huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và TP Bắc Ninh chủ động lập, quản lý các điểm chốt chặn và áp dụng các biện pháp thực hiện nghiêm, có hiệu quả. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc khống chế không để dịch bệnh phát sinh trong cộng đồng và phối hợp quản lý, yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các doanh nghiệp trên địa bàn.