Tác giả bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm lên tiếng

KHAI TÂM - Ngày 12/04/2021 12:10 PM (GMT+7)

Tác giả Tòng Văn Hân cho biết anh cảm thấy bình thường đối với mọi lời khen chê. Anh quan điểm đó là do sự tiếp nhận của cộng đồng mạng, có người khen thì cũng nên có người chê.

Gần đây, mạng xã hội liên tục xôn xao về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên). Ngày 9/4, bài thơ này vừa được trao giải B (không có giải A) trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (2019-2021).

Ngay lập tức, bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" cùng với giải thưởng được trao làm nổ ra nhiều ý kiến trên mạng. Các ý kiến không đồng tình với giải B dành cho bài này chủ yếu tập trung vào việc gọi là thơ nhưng bài lại không có vần điệu, thậm chí không có gì đặc sắc về mặt nghệ thuật để được bình chọn giải cao nhất của một cuộc thi thơ.

Thứ hai là về ý tứ cuối kết bài. Nhờ bà mẹ nhân văn, cao thượng (gọi là "chửi kẻ trộm" nhưng thực ra bà lấy ân báo oán) nên con gái bà dù không được đẹp, không khéo léo..., vẫn có bốn nhà muốn lấy con gái bà về làm dâu. Ý tứ này tiếp tục làm dấy lên nhiều phản đối.

Nữ doanh nhân Trương An Xinh bày tỏ: "Bà mẹ dù rất nghèo nhưng nhân hậu, ok nhân hậu là tốt, nhưng nhân hậu không thì không đủ. Bằng chứng là bà dạy dỗ ra một đứa con gái không biết có nhân hậu như bà hay không vì bài thơ không đề cập, nhưng: Nhan sắc thì dưới mức bình thường - tức là xấu.

Thời buổi này 2021 để cho nhan sắc dưới mức bình thường là lỗi của chính nó chứ không phải lỗi của gen. Khéo léo không bằng đám bạn - trời ơi đã xấu thì phải biết phấn đấu, người ta bảo không được cái này thì phải được cái kia, mình biết mình xấu thì mình phải cố gắng bù lại bằng những ưu điểm khác. Đây không được cái gì. Một bà mẹ như thế xứng đáng có một cô con gái tốt hơn...

Quay trở lại cô con gái, em ơi em nhớ hộ chị, niềm tự hào cuộc đời của một người phụ nữ nhất định không phải là có bao nhiêu nhà muốn mình làm dâu!!!...

Giá trị của người phụ nữ, chưa bao giờ là có lấy được chồng hay không, ở bất cứ xã hội nào. Giá trị của bản thân, phải do bản thân tự khẳng định, không cần dựa vào sự đánh giá của mấy bà thím có con trai".

Tác giả bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm lên tiếng - 1

Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm".

“Bài thơ được trao giải, có lẽ nhờ sự nhân văn trong ý tứ”

Nhiều nhà báo, KOls nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bày tỏ ý kiến cá nhân của riêng mình.

Trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết: “Bài thơ này được trao giải, có lẽ là nhờ sự nhân văn trong ý tứ. Cái người đồng bào mình mất con gà, con lợn không nanh nọc đay nghiến người ta. Như vậy là cái bụng đồng bào mình rộng như thung lũng, cái miệng đồng bào mình mát như gió suối gió khe.

Quê tôi mà mất gà, các mệ xắn quần so le chửi khiếp lắm. Nặng nhất là: “Răng bây không đào xương cha bây lên mà ăn”. Cho nên bài thơ này tứ thơ rất đẹp, chỉ có vần điệu hơi vụng về. Nhưng cái đồng bào ở trên cao, tiếng nói âm vọng núi rừng, chân phương thật thà, không có kêu ca lắt léo như người Kinh các mình.

Người Kinh các mình mất của, có nghĩ được như vậy không? Nhà thơ làm tiếng Kinh, có rộng lượng được như vậy không? Đọc bài thơ của các nó cũng thú vị hơn đọc các bài thơ nịnh lãnh đạo dưới xuôi mà. Các mình mắng cái đồng bào dữ quá, cái đồng bào buồn chẳng muốn làm thơ nữa đâu mà”.

Tác giả bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm lên tiếng - 2

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bày tỏ quan điểm. (Ảnh chụp màn hình)

Còn nhà báo Ngô Bá Lục bày tỏ: “Cuối tuần, làng văn nghệ lại um lên vì bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân được ban giám khảo trao giải B (không có giải A) trong cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ.

Bài thơ “chửi” đoạt giải, thế là dân tình làng Văn lại có dịp “chửi” khá xôm tụ. Văn thơ là cảm nhận, nó không có ba rem như Toán học, thành ra mỗi người sẽ cảm một kiểu”.

Dưới bài đăng của nhà báo Ngô Bá Lục, chị Đỗ Minh Thu cho rằng chị cảm thấy bài thơ rất hay, không cứ phải có vấn điệu, câu từ bay bướm mới là thơ. “Ngày xưa hồi học phổ thông cũng có 1 bài thơ của tác giả người dân tộc, cũng câu chữ chân chất thật thà như thế này. Em không dám bàn đến việc nó xứng đáng nhận giải cao nhất hay không vì còn phải xem mặt bằng thơ dự thi. Nhưng văn đàn chửi bới, chê bai tác giả và hội đồng thì thật không văn minh tí nào”, chị Thu chia sẻ.

Tác giả Tòng Văn Hân lên tiếng

Liên hệ với tác giả Tòng Văn Hân, anh cho biết anh cảm thấy bình thường đối với mọi lời khen chê. Anh quan điểm đó là do sự tiếp nhận của cộng đồng mạng, có người khen thì cũng nên có người chê. ““Văn mình vợ người mà”. Mình cứ viết theo suy nghĩ, cách nhìn của mình để phục vụ chính cộng đồng của mình, được cộng đồng của mình đón nhận là được”, tác giả bài thơ “Mẹ tôi chửi trộm” nói.

Nền tảng để tác giả Tòng Văn Hân viết bài thơ này là ghi chép lại kiểu cách ứng xử của người Thái đối với người có lỗi, kiểu cách ấy như sau: Người Thái có quan niệm về hồn vía, có rất nhiều hồn vía gắn với từng chi tiết trên cơ thể, chân tay, mắt mũi… Miệng cũng có hồn vía, nên người ta không nói những từ tục tĩu trước lúc phát ngôn.

“Người Thái không bao giờ nói tục. Nói tục sẽ làm cho hồn vía miệng của mình bị ô uế, nếu chửi kẻ trộm thì hồn vía miệng của người chửi sẽ càng bị ô uế. Khiến cho bản thân người chửi làm ăn không nên, hoặc bị đau ốm, hoặc nuôi nấng con cái không khỏe mạnh. Nên dù có mất gà, mất lợn người ta cũng không chửi như "văn hóa chửi của người Kinh"”, tác giả Tòng Văn Hân khẳng định.

Tác giả bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm lên tiếng - 3

Tác giả Tòng Văn Hân.

Tác giả cũng cho hay, ở bản – nơi anh sinh sống nếu biết chắc người A ăn trộm con gà, con lợn con của nhà mình, người bị mất sẽ nói chuyện với trưởng bản, rồi trưởng bản sẽ tổ chức đội ngũ người già họp bàn. Những người tham gia họp bàn, người bị mất trộm cùng nhau đến nhà kẻ trộm, để họp bàn, cùng nhau giải quyết ổn thỏa theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Không bao giờ làm to chuyện, luôn giữ bí mật cho người trót ăn trộm, để người trót ăn trộm không bị xấu hổ trước bản làng.

“Đồng thời người ta cũng nhắc nhở người ăn trộm: “Hãy chịu khó làm ăn, đừng bao giờ làm chuyện như thế nữa, kể cả người không nhìn thấy, ông trời sẽ nhìn thấy đấy… Họp bàn xong, người ăn trộm (hoặc bố mẹ người ăn trộm) sẽ nấu một bữa cơm, bữa cơm này là lời xin lỗi, rồi mời mọi người ở lại ăn cơm uống rượu. Trong lúc ăn cơm uống rượu, những người tham gia họp bàn sẽ chúc cho người ăn trộm làm ăn may mắn, khấm khá lên, không bao giờ gặp phải chuyện túng thiếu nữa”, anh Tòng Văn Hân kể.

Nhắc đến chuyện nhiều người chỉ ra rằng bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” có ý tứ giống tích “Tưới dưa cho người” trong “Cổ học tinh hoa” của Trung Quốc, tác giả Tòng Văn Hân khẳng định anh không hề biết cũng như chưa đọc qua tích đó. Vì thế anh cũng chẳng nghĩ gì đến những lời bàn tán.

Mặc dù có chuyện xôn xao trên cộng đồng mạng, nhưng tác giả vẫn khẳng định: "Tôi vẫn không thay đổi quan điểm về kiểu cách viết của mình, tôi vẫn sẽ viết như thế, viết để phục vụ chính đồng bào mình, được đồng bào mình tiếp nhận là được. Chứ không viết theo lối mượt mà, hàn lâm, cao siêu, viết như thế sẽ không thích hợp với lối suy nghĩ của đồng bào mình. Họ sẽ không tiếp nhận nữa".

Liên quan nghi vấn "đạo thơ", trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 11-4, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho hay đã có người thông báo với ông về việc này. 

"Quan điểm cá nhân của tôi là phải xác minh lại. Nếu đúng là đạo thơ thì phải xử lý nghiêm. Còn nếu không đúng thì giải toả mọi nghi ngờ người ta đặt ra" – nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết ông đã đọc bài thơ mà một số người cho rằng "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" giống ý tưởng.

"Cá nhân tôi thì tôi không tin là có chuyện đạo thơ ở đây. Trộm gà, trộm chó (trộm vặt) thì người ta mới chửi...  Tôi nghĩ là từ bài thơ này (tức "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" - PV), người ta chế ra. Trên mạng bây giờ mọi thứ đều có thể xảy ra" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

Nhận xét về "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng bài thơ có cái chân mộc, thật thà, hướng đến đạo đức. 

"Lần đầu tiên đọc, tôi thấy bài này có tư duy lạ. Tôi ủng hộ cái đó và nhiều người cũng ủng hộ. Bình tĩnh thì thấy tứ đó là tứ đáng ghi nhận. Nếu vào người viết khéo, có thể thành một bài thơ để đời. Xưa nay, việc bị mất trộm ở thôn quê xảy ra như cơm bữa. Ngay ở làng quê tôi, việc mất trộm gà, trứng gà xảy ra như cơm bữa. Cứ vài ngày lại nghe người chửi trộm gà. Nhưng trong bài thơ này, bà mẹ chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà, đúng như cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

Theo Báo Người Lao Động

Yêu cầu phân tích bài thơ Sóng, nữ sinh có màn bẻ lái cực gắt khiến ai cũng bái phục
Không ít cư dân mạng đã phải giật mình trước màn lý giải những hiện tượng tự nhiên xuất hiện trong bài thơ Sóng (nữ thi sĩ Xuân Quỳnh) của nữ sinh...
KHAI TÂM
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h