Tôm hùm ôm trứng không ảnh hưởng gì đến chất lượng, cả năm mới có 1 mùa tôm ôm trứng nhưng thịt vẫn chắc và đầy.
Xuất hiện loại tôm hùm ôm trứng giá siêu rẻ, chỉ 450.000 đồng/kg
Rao bán tôm hùm trứng trên chợ online, chị Mai Anh (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tôm hùm trứng bơi sống loại 0,2-0,3 con/kg chị đang bán với giá 450.000 đồng/kg, loại 0,3-0,4kg/kg giá 520.000 đồng/kg. Khách hàng khi đã ăn tôm hùm ôm trứng rồi đều khen ngon và đặt mua nhưng không có nhiều để bán.
“Tôi mua cả lồng từ 1,5-2 tạ tôm hùm xanh tại Cam Ranh (Khánh Hòa) ra Hà Nội bán nhưng mùa này tôm mới bắt đầu lên trứng ở bụng. Cứ 100 con tôm thì có khoảng 20 con có trứng. Bình thường, tôm hùm trứng sẽ bị yếu hơn, hao cân nhanh hơn, nhà hàng họ cũng ít đặt vì bày lên đĩa không được đẹp nên tôi đẩy hàng bán rẻ hơn tôm hùm thịt 100.000 đồng/kg”, chị Mai Anh chia sẻ.
Tại một cửa hàng hải sản ở Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), những con tôm hùm ôm trứng vẫn đang bơi tung tăng trong bể được bán với giá rẻ chưa từng có. Đối với loại 0,3-0,4kg/ con có giá 490.000 đồng/kg, loại 2 con/kg được bán với giá 520.000 đồng/kg, loại 0,6-0,7kg/ con có giá 620.000 đồng/kg nhưng cũng rất ít khách quan tâm.
Anh Đoàn Hiếu, người nuôi tôm tại Cam Ranh (Khánh Hòa) cho rằng, tôm hùm ôm trứng không ảnh hưởng gì đến chất lượng, cả năm mới có 1 mùa tôm ôm trứng nhưng thịt vẫn chắc và đầy. “Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt của tôm như tôm khỏe hay yếu, loại 1 hay loại 2. Tôi nuôi tôm cả chục năm nay nhưng chưa có thương lái nào chê tôm trứng hết, họ trả giá và mua bình thường như tôm không trứng chứ không rẻ hơn dù chỉ 1 nghìn đồng”, anh Hiếu khẳng định.
Bắc Giang đã tiêu thụ 70.000 tấn vải thiều
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến chiều ngày 19/6 tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ ước đạt 69.222 tấn. Giá bán bình quân trong ngày từ 22.000 đến 40.000 đồng/kg. Giá bán vải thiều cao nhất từ 45.000-50.000 đồng/kg.
Các mặt hàng phụ trợ có giá ổn định như thùng xốp to 25.000-27.000 đồng\thùng, xốp nhỏ 15.000-17.000 đồng\thùng, đá cây công nghiệp giá dao động từ 25.000- 26.000/cây.
Những ngày này, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh rất sôi động với 500 điểm cân, trong đó, huyện Lục Ngạn có hơn 260 điểm cân. Ông Thọ cho biết, ngoài thương nhân Việt Nam ra, đến nay có 65 thương nhân Trung Quốc sang đủ thời gian cách ly 14 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm Covid lần 2 đã được đưa ra khỏi khu vực cách ly trực tiếp giám sát, thu mua vải tại các điểm cân trên địa bàn, tuy nhiên các thương nhân này vẫn được giám sát chặt chẽ và thường xuyên được kiểm tra theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo. Đặc biệt, vải thiều đã chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản và Singapore.
Lợn Thái Lan đổ bộ, giá lợn hơi bất ngờ giảm
Theo thống kê, chỉ trong một tuần qua giá lợn hơi đã giảm tới hơn 10.000 đồng/kg. Đà giảm giá heo bắt đầu từ khi có thông tin nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam phục vụ nhu cầu thịt nóng của người dân.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thông tin đã có rất nhiều công ty đăng ký nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, có công ty đăng ký tới 100.000-200.000 con. Tính đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu khoảng 1 triệu con lợn sống, việc này góp phần tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá thời gian tới giá heo sẽ còn tiếp tục xuống. Nguyên nhân là vì nguồn cung đàn heo trong nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Và từ tháng 6-2020 đã bắt đầu có thịt heo tái đàn. “Bên cạnh đó, thịt heo đông lạnh nhập khẩu đã nhập được khoảng 70.000 tấn, giờ nhập thêm heo sống thì chắc chắn giá heo trong nước không thể bán với giá cao như vừa rồi” - ông Tiến nhấn mạnh.
Nhiều người kỳ vọng mức giá này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới khi heo Thái Lan ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.
Người Hà Nội đổ xô đi chụp ảnh sen, chủ đầm hốt bạc
Đến hẹn lại lên, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 hàng năm, các đầm sen ở Tây Hồ (Hà Nội) lại tất nập người tới chụp ảnh, thưởng trà. Đây là dịp để các chủ đầm “hốt bạc” với hàng loạt dịch vụ liên quan như: bán vé cho khách chụp ảnh; cho thuê đồ; bán trà…Các đầm sen này đều chung giá vé vào cửa 50.000 đồng/người.
Vào những ngày cao điểm giữa tháng 6, đặc biệt các ngày cuối tuần, đầm sen ở Hồ Tây có lúc lên tới vài nghìn lượt khách ra vào mỗi ngày. Chỉ riêng bán vé vào cửa, chủ đầm ở đây đã dễ dàng kiếm được số tiền “khủng” trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, khách vào đầm chụp ảnh thường sử dụng các dịch vụ khác như: Trang điểm (100.000 – 200.000 đồng/người); cho thuê quần áo (Khoảng 150.000 đồng/bộ); thuê phụ kiện tiểu cảnh chụp ảnh (20.000 đồng/người/lượt); bán trà…