Bố bé Y bức xức cho biết: "“Khi sự việc mới xảy ra, các cô giáo đến nhà tôi xin lỗi và thừa nhận việc cô phạt nhốt con trong nhà vệ sinh và bỏ quên. Tuy nhiên, đến trong bản tường trình cô lại bảo con tôi tự nấp trốn, gia đình tôi không đồng tình".
Bản tường trình của hai cô giáo: Do bé tự nấp trốn nên cô không nhìn thấy
Hai cô giáo phụ trách lớp B5 – lớp học của cháu M.T.B.Y. đã làm bản tường trình về sự việc xảy ra ngày 21/3.
Trong bản tường trình của mình cô V.T.H. kể lại: “Ngày 21/3, vào 16h25 trong hoạt động chiều, học sinh M.T.B.Y. và N.N.M. có đánh nhau. Tôi có nói cháu nào đánh nhau thì cô phạt đứng ở góc lớp thì cháu B.Y. đứng lên và tự nguyện đứng lên đi vào góc đứng.
Cô giáo bỏ quên trẻ trong nhà vệ sinh
Lúc 16h35 tôi bảo các cháu chuẩn bị đồ dùng để bố mẹ đón về và tôi đi lấy đồ cho các cháu ở trong tủ, trong lúc đó cô L. vào dọn nhà vệ sinh. Đến 16h45 đến giờ trả trẻ, trong lúc các phụ huynh đến đón đông tôi không bao quát hết được hết cháu nên cháu B.Y. đã chạy ra ngoài và nấp vào đâu tôi không nhìn thấy.
Khi trả hết trẻ tôi và cô L. đã kiểm tra hết lớp học khi không còn cháu nào thì tôi mới tắt điện, đóng cửa lớp và đi về. Khoảng hơn 18h khi tôi đang ở nhà thì có cô Vương Thị H. (trưởng khu) gọi điện cho tôi nói về việc cháu B.Y., gia đình đang tìm. Lúc đó tôi gọi ngay cho cô L., sau đó, chúng tôi vào gặp gia đình và tôi được nghe kể lại: "Khi cô giáo đang bận trả trẻ thì cháu đã chạy và nấp vào góc cô không nhìn thấy. Khi cô giáo về hết thì cháu chạy ra cổng đứng khóc. Lúc đó có cô Lan hàng xóm đi qua nên đưa cháu về nhà". Với sự việc xảy ra tôi đã nhận lỗi với gia đình khi không làm tròn trách nhiệm của mình khi không trả trẻ tận tay phụ huynh, thiếu kỹ năng xử lý tình huống”.
Tương tự như thế, theo bản tường trình của cô Vương Thị L., cô H. chỉ phạt bé Y. đứng vào góc lớp. Trước khi về, cô có vào nhà vệ sinh dọn dẹp cho buổi ngày hôm sau. Khoảng 16h45, khi cô này dọn dẹp nhà vệ sinh xong đi ra ngoài thì cô H. đã trả hết trẻ nên cô L. tắt hết điện nước, điện phòng và hai cô ra về. Cô này cũng cam kết toàn bộ sự việc cô đã tường trình là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai cô hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhà trường và cấp lãnh đạo.
Bố bé Y: "Con tôi khẳng định bị cô phạt nhốt trong nhà vệ sinh"
Trao đổi với phóng viên, anh Mai Văn Bình (bố bé B.Y.) cho biết, sau khi được chị Lan – một người hàng xóm đưa về nhà, bé B.Y rất sợ hãi, lo lắng.
“Đến khi tĩnh tâm lại, bé kể chiều hôm đó con bị một bạn trong lớp xô ngã nên con đẩy lại bạn, tuy nhiên chỉ mình B.Y. bị cô giáo phạt. Con bị cô giáo nhốt trong nhà vệ sinh, bắt úp mặt vào tường. Sau đó, cô tắt điện và đóng cửa.
Bị nhốt lâu nên con ngồi khóc nhưng không thấy ai vào. Đến lúc con tự mở cửa ra thì các bạn đã về hết, cổng trường cũng khóa. Quá sợ hãi nên con khóc to hơn đến khi được chị Lan phát hiện và đón về”, anh Bình thông tin.
Đồng thời, anh Bình cho biết, gia đình anh đã xem bản tường trình của hai cô và thấy không hợp lý. “Khi sự việc mới xảy ra, các cô giáo đến nhà tôi xin lỗi và thừa nhận việc cô phạt nhốt con trong nhà vệ sinh và bỏ quên. Tuy nhiên, đến trong bản tường trình cô lại không thừa nhận nên gia đình tôi không đồng tình. Hai cô nói con tôi tự chạy nấp vào nhà vệ sinh là không đúng. Chúng tôi vẫn đang yêu cầu hai cô giáo và nhà trường làm rõ sự tình.
Hơn 1 tuần sau khi sự việc xảy ra, hai cô giáo vẫn hẹn có 1 buổi trao đổi lại với gia đình nhưng đến giờ chúng tôi vẫn không thấy gì. Sự việc chưa được giải quyết triệt để nên tôi vẫn chưa cho cháu đi học lại. Chúng tôi muốn có một lời giải thích cụ thể về việc tại sao cô giáo phạt nhốt con trong nhà vệ sinh, rồi bỏ quên khiến con sợ hãi đến thế”, anh Bình nói.
Tạm đình chỉ công tác hai giáo viên Theo quyết định số 57- QĐ-TMN do Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sơn Đồng Thị Mạnh ký, từ ngày 22/3 - 30/3/2017, nhà trường tạm đình chỉ công tác với hai cô giáo: Vương Thị L. và Vương Thị H. để xác minh sự việc và báo cáo cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo. Hai cô giáo đã vi phạm quy chế chăm sóc và giáo dục trẻ, cụ thể là: thiếu kỹ năng xử lý tình huống trong việc xử phạt trẻ; thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc giáo dục trẻ; thiếu kỹ năng bao quát trẻ. |