Mật độ bão xuất hiện dày đặc hiếm có khi chỉ trong vòng nửa tháng từ cuối tháng 10 đến khoảng ngày 14/11, có tới 4 cơn bão hình thành và có khả năng ảnh hưởng tới nước ta.
Chưa hết bão số 13 đã đến siêu bão Haiyan
Trong khi các tỉnh đang gồng mình chuẩn bị mọi công tác phòng chống cơn bão số 13 dự kiến đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ chiều và tối nay (6/11) thì cơn bão có tên quốc tế là Haiyan (Hải Âu) đang mạnh tới cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17.
Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ nhanh, khoảng 25km - 30km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông. Đây là một cơn bão rất mạnh, cường độ nhanh, nếu ảnh hưởng đến nước ta thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Đặc biệt, Haiyan chưa phải là cơn bão cuối cùng của đợt này khi ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, nhiều khả năng ngày 13/11 – 14/11, sẽ lại có 1 bão nữa xuất hiện ở Nam biển Đông.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn chục ngày, 4 cơn bão dồn dập đe dọa nước ta, chưa khi nào bão xuất hiện với tần suất dày đặc như vậy, chưa hết cơn này đã có cơn khác gối tiếp xuất hiện.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa các tỉnh miền Trung và miền Nam
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Đoàn công tác Quân khu V kiểm tra việc phòng chống áp thấp nhiệt đới (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 6/11 phổ biến khoảng 40 – 100mm, một số nơi có lượng lớn hơn 150mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158mm, A Lưới (Huế) 152mm, Nam Đông (Huế) 205mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 124mm.
Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 6. Hồi 13 giờ ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km - 30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến 1 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và sang Thái Lan.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm cả huyện đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có giật cấp 8, cấp 9.
Các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.
Từ gần sáng mai (7/11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh giật cấp 6 - 8.
Các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.