Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo mọi công tác chống bão số 13 phải hoàn thành trước 15h chiều mai (6/11).
Chiều 5/11, trước khi bão số 13 đổ bộ 1 ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp khẩn trực tuyến với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 13.
Bão đi rất nhanh
Cơn bão số 13 di chuyển rất nhanh theo hướng lệch Tây Tây Bắc, đến 15h chiều nay, bão đã ở sát phía đông quần đảo Trường Sa và mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 – 11, càng gần bờ bão càng mạnh hơn.
Theo nhận định của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, đến 13 giờ ngày 6/11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sớm thì 3h – 4h chiều mai (6/11), muộn thì 7h – 8h chiều mai, bão số 13 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam trung bộ và Nam bộ. Do vậy, mọi công tác chống bão nên hoàn thành trước 12h – 13h ngày 6/11 vì lúc đó bão cách đất liền khoảng 100km.
Từ Phú Yên đến Cà Mau sẽ ảnh hưởng bởi bão, nhiều nơi có dông, lốc xoáy xuất hiện qua miền Đông. Theo ông Tăng, hiện có 1 số trung tâm dự báo còn cảnh báo, sau khi bão đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ sẽ suy yếu nhưng khi sang Thái Lan sẽ lại tái sinh thành bão.
Khu vực bão đổ bộ là các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ được đánh giá là rất nguy hiểm bởi vùng này ít khi bão vào, nhà cửa không kiên cố bằng các tỉnh miền Bắc và miền Trung, khả năng chống chịu bão của người dân cũng kém hơn.
Đặc biệt, bão số 13 lại đổ bộ vào chiều tối, đúng vào lúc triều cường lớn nhất tháng 11 nên các vùng ven biển như Sài Gòn cần phải phòng ngập lớn.
Về lượng mưa, ông Tăng nhận định, mưa sẽ không lớn nhưng lượng mưa dồn dập trong thời gian ngắn. Trưa, chiều 6/11 – 7/11 sẽ có mưa lớn ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ với lượng từ 100mm – 300 mm. Hết 7/11, mưa sẽ giảm.
Còn nhiều ngư dân trong vùng nguy hiểm
Trong cuộc họp chiều 5/11, Tổng cục Thủy sản cho hay, hiện khu vực Nam miền Trung có khoảng 34.000 phương tiện của 6 tỉnh, có khoảng 1.700 tàu tham gia khai thác giữa biển Đông và gần khu vực biển Trường Sa.
Hiện, tình huống nguy hiểm là đang mùa đánh bắt, đồng thời cũng là cuối tuần trăng, đầu mùa khai thác cá ngừ nên tàu thuyền đông nhất trong năm, bão đổ bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tàu thuyền khai thác gần Trường Sa.
Còn trên bờ, hiện ước tính khoảng chục ngàn tấn tôm hùm và các loại nuôi trồng khác đang bước vào vụ thu hoạch nên Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các tỉnh nam miền Trung ngoài việc kêu gọi tàu thuyền, tránh bão trên bờ cần hết sức quan tâm đến số lồng bè nuôi trồng. Đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa, tuy mấy chục năm qua không có bão nhưng lần này đề nghị tỉnh không chủ quan, cần tập trung lực lượng phòng chống bão.
Hiện một số tàu bị hỏng và gặp khó khăn, Bộ Ngoại giao đã có công hàm khẩn cấp với Malaysia và Trung Quốc đề nghị cho trú tránh. Các tàu bị hỏng máy đã dùng điện thoại đề nghị cơ quan đại diện tại các nước giúp đỡ.
Chỉ còn gần 1 ngày để đối phó với bão số 13, các tỉnh đang hết sức khẩn trương mọi công tác phòng chống.
Tại Quảng Nam, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, hiện mưa trên địa bàn tỉnh rất nhỏ, các mực nước sông ở Vu Gia, Thu Bồn đều dưới báo động 1. Theo báo cáo của bộ đội biên phòng, tổng số tàu cá là 64 tàu xa bờ với 2.000 lao động đã được kêu gọi trú tránh bão. Các hồ thủy điện, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, mực nước đã được đưa về mức đảm bảo chống lũ.
Tại Quảng Ngãi, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi đã giao cho biên phòng các huyện ven biển tổ chức kiểm đếm số tàu thuyền của Quảng Ngãi còn ở vùng biển Trường Sa và phía Nam, hướng dẫn vào nơi trú tránh, ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đến chiều nay, tại Trường Sa có 161 tàu thuyền với 3.155 lao động, nam Quảng Ngãi có 126 tàu. Toàn bộ số tàu thuyền đã thông tin liên lạc với đất liền.
Hiện, Quảng Ngãi chỉ có 2 hồ chứa có mực nước qua tràn, tỉnh đã phân công lực lượng theo dõi, ứng trực.
Tại Bình Định, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn nhận định, tốc độ tàu chỉ được 10km/h trong khi bão đi tới 30km/h nên có những tàu nếu đi vào bờ thì sẽ không kịp tránh bão nên Ban chỉ huy đã in đường đi của bão tạm thời đưa đến tận các hộ gia đình chủ tàu để định hướng cho tàu thuyền thoát ra khỏi vùng bão.
Hiện Bình Định có 106 tàu ở Trường Sa đang trong tình thế rất nguy hiểm, đề nghị được cứu nạn kịp thời, đăng ký vào đảo các nước, đề nghị Bộ Ngoại giao giúp đỡ liên hệ để khi bão vào, các nước cho ngư dân lên bờ trú tránh.
Khánh Hòa cũng còn 1 tàu mang số hiệu KH97116 đang nhờ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ vì đã mất liên lạc. Hiện Virpeal và các khu du lịch đang có khách du lịch, Khánh Hòa sẽ quyết định thời điểm cấm, không cho khách du lịch ra đảo, đảm bảo an toàn.
Bình Thuận đã quyết định sáng mai toàn bộ tàu thuyền khu vực đảo Phú Quý phải lên bờ trú tránh. Gần 100 resort khu vực mũi Né đã có phương án phòng chống.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo chống bão số 13 chiều 5/11 (Ảnh: Thu Hoài)
Phó Thủ tướng chỉ đạo cấm biển ngày 6/11 Chỉ đạo công tác phòng chống bão số 13, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị bộ Tài nguyên môi trường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cần theo dõi sát và thông báo kịp thời diễn biến bởi cơn này với diễn biến rất nhanh và đường đi đặc biệt. Các địa phương, bộ đội Biên phòng, ngành nông nghiệp, thủy sản tập trung thông báo tàu thuyền, cứu người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản cần rà soát từng chiếc tàu xem đi đâu, hướng nào, nếu neo đậu thì kiên quyết đưa người lên bờ. Các tỉnh nằm trong khu ảnh hưởng trực tiếp là Bình Định – Khánh Hòa, Tây Ninh, Đắc Nông, Bình Phước, …tiếp tục chỉ huy neo đậu tàu thuyền, tránh hỏng tàu, chìm tàu chết người ven bờ, lệnh các tỉnh cấm biển từ ngày mai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Lãnh đạo các địa phương phân công đi chỉ đạo phòng chống bão theo từng khu vực, chỉ đạo tỉa cành, chằng chống nhà cửa. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ cần hết sức chú ý tới những khu vực đe dọa dân cư chuẩn bị sơ tán. Các phương án phòng chống bão lũ địa phương đều có phương án sơ tán các hộ từ nhà không kiên cố sang kiên cố, trường học, trụ sở ủy ban, thông báo cho người dân biết định hướng. Người dân tự sơ tán là phương án tối ưu nhất, cần lưu ý thực hiện”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương và Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Bộ Công an toàn quyền trong việc cấm đường khi có bão lớn, không cho các phương tiện xe khách di chuyển đảm bảo an toàn về người. Bộ Thông tin truyền thông đảm bảo hệ thống liên lạc trong khi bão đổ bộ. Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng các Bộ đi ngay các địa phương chỉ đạo phòng chống bão, mọi công tác phải xong trước 15h chiều mai. |