Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các địa phương ảnh hưởng của siêu bão HaiYan đã có 13 người chết và 81 người bị thương.
Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh 2 người; Quảng Bình 1; Thừa Thiên Huế 4; Quảng Nam 4; Quảng Ngãi 02. 81 người bị thương gồm ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nguyên nhân các nạn nhân tử vong, bị thương vì bão phần lớn là do chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, tình hình thiệt hại cập nhật bước đầu như sau. Đến 4h30 sáng ngày 11/11/ 2013, tỉnh Quảng Ninh có 4 nhà bị sập, 111 nhà bị tốc mái hư hỏng; 3 nhà bè bị tốc mái và 20 tầu thuyền bị chìm tại nơi neo đậu. Đặc biệt 1 cột ăng ten phát thanh truyền hình thành phố Uông Bí bị gẫy đổ.
Thành phố Hải Phòng, đến 4 giờ ngày 11/11, trên địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cơ quan chức năng đang kiểm tra và thống kê.
Tấm biển quảng cáo bên đường thị trấn Thịnh Long (Nam Định) bị hất tung đêm 10/11 (Ảnh: Đức Nguyễn)
Tại Nam Định cũng chưa phát hiện có thương vong do bão Hải Yến gây ra. Dù bão Hải Yến gây mưa lớn từ chiều tối ngày 10/11 với lượng mưa bình quân toàn tỉnh là 42,6mm.
Tại bãi biển Quất Lâm, huyện Giao Thủy khoảng 30-40 m đê kè ven biển bị sạt lở. Huyện Hải Hậu, khu vực mỏ số 4 kè Mỏ Hải Thịnh 2 thềm cơ bị lún võng, thềm cơ cánh mỏ phía trong bị sập dài 5m.
Khu vực bãi Cồn Tròn của xã Hải Hòa do hiện tượng biển tiến bãi thoái và triều cường đã làm mất phần lớn lượng cây chắn song ở bãi này. Thống kê sơ bộ ban đầu ước khoảng 2.000 cây bị chết và bị mất. Ngoài ra, bão HaiYan chỉ gây thiệt hại đối với hơn 20.000 cây rau màu vụ đông; khoảng 600 ha diện tích lúa tám thơm.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến 10 giờ ngày 11/11, tại tỉnh Thái Bình không có người chết và bị thương do bão gây ra. Một vài vị trí đê, kè bị sạt lở hư hỏng cục bộ như đê Nam Hà (đê cửa sông Hồng, huyện Tiền Hải); đê kè Vũ Lăng, Tây Lương (đê cửa sông Trà Lý, huyện Tiền Hải).
Thống kê thiệt hại ban đầu cho biết tỉnh Thái Bình có 34.000 ha cây màu đã trồng bị thiệt hại. Ngoài ra, một số diện tích đầm nuôi cá, tôm, cua phía ngoài đê biển bị ngập, sạt lở, hư hỏng bờ bao tại các huyện Tiền Hải và Thái Thụy đang thống kê thiệt hại.