Bão số 11 tàn phá các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Nam, thiệt hại ban đầu đã có 4 người chết và mất tích.
3 người thiệt mạng đều ở tỉnh Quảng Nam là ông Trương Chạy, 84 tuổi ở xã Điện Phương huyện Điện Bàn, chết do sập nhà xưởng. Anh Phạm Văn Huy 31 tuổi ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, chết do trượt chân khi chằng chống nhà cửa chống bão. Một người nữa bị thiệt mạng trong bão chưa xác định được danh tính ở huyện Nông Sơn.
Đêm qua (14/10), bà Trần Thị Xuân 62 tuổi ở xã Bình Giang bị nước cuốn trôi, hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích.
Bão cũng gây nhiều thiệt hại về tài sản tại Quảng Nam. Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập và ngập sâu trong nước. Quảng Nam hiện vẫn đang có mưa to, gió giật mạnh. Lượng mưa đo được ở Tam Kỳ (Quảng Nam) tính đến 7h sáng nay đã lên tới 340mm. Nhiều xã, phường của Thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành chìm sâu trong nước, người dân bị cô lập, giao thông đình trệ, cây cối, biển quảng cáo, cột điện gãy đổ la liệt.
21 tàu của ngư dân bị sóng đánh chìm khi neo đậu trong khu trú tránh. Sóng lớn ở Cù Lao Chàm cũng đánh hỏng 5 tàu đang neo đậu tại đây.
Dự kiến, trưa nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, Cao Đức Phát sẽ kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả tại Hội An.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, từ đêm qua, mưa to gió lớn giật rít liên hồi đã làm nhiều nhà dân bị tốc mái, toàn thành phố cắt điện. Các tuyến đường toàn thành phố cây cối đổ, gãy ngổn ngang, cành lá tơi tả.
Sáng nay (15/10), Sở chỉ huy tiền phương đã có cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo hướng khắc phục hậu quả cơn bão. Thống kê sơ bộ, ngoài 3 người chết và mất tích tại Quảng Nam, đã có 11 người bị thương trong bão. Con số này hiện vẫn chưa dừng lại bởi nhiều nơi bị mất điện, cô lập và chia cắt thông tin liên lạc.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh từ quận đến tổ dân phố, thôn, làng tổ chức kiểm tra và cứu trợ kịp thời những người dân bị nạn, tìm mọi cách khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sớm nhất.
Đường phố Đà Nẵng tan hoang sau bão (Ảnh: Người lao động)
Quảng Ngãi cây cối gãy đổ, nhà dân tốc mái (Ảnh: Người lao động)
Bão suy yếu, miền Trung tiếp tục mưa to
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, do ảnh hưởng của bão số 11, ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 7 giờ sáng nay (15/10) khoảng 100 – 250mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 396mm, Nam Đông (Huế) 345mm; Bạch Mã (Huế) 659mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 340mm; A Lưới (Huế) 219mm.Lúc 10 giờ sáng ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 102,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam Thái Lan.
Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi hôm nay (15/10) còn có gió giật mạnh cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12.
Xem thêm các bài viết về diễn biến bão số 11.