Siêu bão Haiyan (số 14) đang hoành hành trên biển Đông, đang đi với tốc độ rất nhanh, dự báo sẽ đổ bộ miền Trung rồi đến miền Bắc, các tỉnh miền Trung đang dồn mọi lực phòng chống bão.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn và các mô hình của các cơ quan dự báo trên thế giới đều cho thấy khi vào gần bờ miền Trung, bão số 14 sẽ lại hướng lên phía Bắc. Sự thay đổi hướng này rất nguy hiểm bởi nó sẽ vừa gây ra một vùng ảnh hưởng vô cùng nguy hiểm và rộng lớn, trải dài từ các tỉnh miền Trung ra miền Bắc.
Đi dọc miền Trung ra miền Bắc
Hiện bão số 14 vẫn đi rất nhanh giữa hướng là 30 – 35 km giữa hướng Tây và Tây Tây Bắc, nhằm thẳng vào đất liền các tỉnh miền Trung. Nhưng khi vào gần bờ, dự báo hướng của bão lại thay đổi. Sự thay đổi đường đi này của bão số 14 là do chịu sự chi phối của áp cao cận nhiệt đới. Mỗi lần đổi hướng bão sẽ đi chậm hơn, vùng ảnh hưởng vì thế cũng rộng lớn hơn, nó sẽ tàn phá dọc miền Trung, rồi trở lên phía Bắc, gây khó khăn cả cho công tác dự báo lẫn phòng chống bão.
Cụ thể, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, sáng sớm nay (9/11), sau khi đi vào vùng biển phía Đông Đông Bắc quần đảo Trường Sa, bão số 14 đã suy yếu đi một ít.
Hồi 7 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 163 km một giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 7 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 14 có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 7 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay (9/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay (09/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15.
Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8.
Vùng ảnh hưởng siêu rộng và cấp gió siêu mạnh của bão số 14 (Nguồn: TTDBKTTV)
Từ chiều tối nay (9/11) ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to.
Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường cao từ 4 – 6m. Sóng biển 5 – 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.
Miền Trung ứng phó siêu bão lịch sử
Thành phố Đà Nẵng đã rà soát mọi kế hoạch, xuống tận cấp phường với chủ trương nhà dân không an toàn dứt khoát phải sơ tán tại chỗ. Đà Nẵng đã lên kế hoạch đưa 20.000 hộ dân đến vị trí an toàn. Với các công trình xây dựng, các lực lượng chức năng đã được yêu cầu xuống tận các ban quản lý. Toàn thành phố Đà Nẵng vào cuộc chống bão cùng với sự tham gia của Quân khu 5.
Tại Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định dời kỳ họp Quốc hội để về chỉ đạo đối phó với siêu bão Hải Âu. Hiện, tại tỉnh Quảng Nam đang có mưa rất lớn, có một số nơi như Phước Sơn lên trên 200mm làm cho nước các hồ thuỷ điện lên rất nhanh.
Tỉnh Quảng Nam có 73 hồ chứa, trong đó có 46 hồ đã đầy nước, 27 hồ lên 80% dung tích. Lực lượng chức năng tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục xả nước điều tiết để đưa về cao trình an toàn chuẩn bị đón bão. Tỉnh Quảng Nam cũng đã lên phương án để giảm thiểu tối đa thiệt hại và có công điện gửi các địa phương thực hiện. Phân công trực tiếp từng người, từng vị trí bám sát trận địa.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, cơ quan phòng chống lụt bão đã cập nhập chỉ đạo thường xuyên từ Trung ương và triển khai xuống cấp cơ sở bao gồm tất cả cơ quan, trường học, bệnh viện chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây… giảm thiểu thiệt hại.
Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines. Ảnh: AFP
Khó khăn của Quảng Ngãi hiện nay là ở huyện đảo Lý Sơn có một số nhà cấp 4 còn đa số nhà cấp 3, việc sơ tán dân vào bờ hết sức khó khăn. Tỉnh đã chọn phương án sơ tán toàn bộ dân ở nhà cấp 4 đến nhà cấp 3 để tránh bão.
Hiện có 33 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, nếu mưa bão lớn rất lo ngại, có thể sạt lở, ngập úng cho vùng hạ du.
Tại Bình Định, các phương án chống bão cũng đã được chuẩn bị. 143 tàu ở vùng nguy hiểm đã di chuyển, tránh trú, trong đó 30 tàu ở lại các đảo Trường Sa. Trong ngày hôm nay tỉnh sẽ thông báo chính thức tới người dân để di dời.
Tỉnh Bình Định cũng yêu cầu tất cả các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ trực 100%, tất cả cơ quan công sở làm việc thứ 7 và chủ nhật này trực chiến.
Các đoàn chỉ đạo phòng chống bão của Chính phủ do hai phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Trung Hải, cùng đoàn chống bão của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu đã về các địa phương trực tiếp chỉ huy công tác phòng chống siêu bão số 14. Ban chỉ huy Tiền phương phòng chống siêu bão số 14 cũng được quyết định thành lập tại thành phố Đà Nẵng.
Haiyan đã trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất trên trái đất, có lúc mạnh tới cấp 17, giật trên cấp 17, vượt tất cả các cấp trong các thang đo bão của các cơ quan dự báo trên thế giới. Hôm qua, (8/11), siêu bão này đã đổ bộ vào Philippin, phá hủy tới 90% cơ sở hạ tầng mà nó càn quét. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Bão Hải Âu có cấp gió lớn nhất từ trước đến nay, di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp và hướng đi dự báo vào các tỉnh miền Trung. Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới cơ sở phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bằng mọi biện pháp có thể giảm thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân. Dự báo ngày mai (10/11), siêu bão cập bờ biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị sau đó đổi hướng và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, tiến lên các tỉnh khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ. Xem thông tin về diễn biến "Bão số 14" tại Eva.vn |