Đến 4h sáng nay 7/9, vị trí tâm bão số 3 cách Móng Cái khoảng 180km về phía Đông Nam. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trời xuất hiện mưa rải rác và gió bắt đầu to dần.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào hồi 4h sáng nay (7/9), vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 180km về phía Đông Nam, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10; TP. Móng Cái gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. TP. Cửa Ông cấp 7, giật cấp 8.
Gió ngày càng mạnh khiến một số cây xanh, tấm tôn quây đất trống và quầy hàng ở TP. Cẩm Phả bị đổ.
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, hiện nay tại tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện mưa nhỏ rải rác, gió bắt đầu tăng lên khiến cây xanh bị đổ ở một số nơi.
Riêng trên địa bàn huyện Cô Tô đã xuất hiện mưa to, gió to, kèm gió giật mạnh cấp 10, gây biển động, mất điện toàn huyện. Dự báo đến 7h sáng nay, cơn bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Cô Tô với sức gió mạnh nhất cấp 12.
Trong đêm 6/9, rạng sáng ngày 7/9, toàn huyện Cô Tô đã thực hiện di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt. Huyện Cô Tô đã lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân, bố trí các điểm trú bão an toàn. Chính quyền các xã, thị trấn đã bố trí các điểm trú bão an toàn cho các hộ dân có nhà xuống cấp, mái tôn, mái ngói có nguy cơ tốc mái, sập đổ tại các nhà nghỉ, khách sạn, nhà văn hóa, trường học; một số hộ di tản đến nhà người thân.
Các lực lượng hỗ trợ đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.
Cũng trong chiều qua (6/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Vân Đồn, TP. Hạ Long và thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh.
Đến đầu giờ chiều qua, các lực lượng chức năng đã kêu gọi gần 5.600 tàu thuyền về các khu vực neo đậu tránh trú bão, thực hiện lệnh cấm biển từ sáng ngày 6/9.
Trước 16h ngày 6/9, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc di dời khoảng 3.000 lao động trên gần 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển lên bờ; đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các tuyến giao thông…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn).
Đối với các vị trí xung yếu, tỉnh Quảng Ninh huy động lực lượng ứng trực sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh. Xây dựng các kịch bản có thể xảy ra khi bão đổ bộ để có phương án chỉ đạo thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống; lưu ý các giải pháp ứng phó phải phù hợp, sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh. Tuyệt đối không để nảy sinh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như đối với người dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng các biện pháp phòng chống mưa lớn sau bão, nhất là đối với các địa phương miền núi, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.