Dự báo khoảng 3h sáng chủ nhật (30/11), bão số 4 sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa.
Chiều ngày 28/11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã có cuộc họp khẩn phòng chống bão số 4 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT – Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chủ trì.
Gây mưa to
Bão số 4 (tên quốc tế Sinlaku) sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa vào khoảng rạng sáng ngày Chủ Nhật tuần này, tức ngày 30/11, cường độ đạt cấp 9.
Đặc điểm của cơn bão này là cường độ không mạnh nhưng tốc độ đi lại nhanh.
Bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương (DBKTTV Trung ương) cho hay, bão số 4 đi với tốc độ từ 25 km/h - 30km/h.
Bản tin dự báo mới nhất của Trung tâm DBKTTV Trung ương cho thấy, đến 16h ngày 29/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối 29-11, các tỉnh Nam Trung bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Theo nhận định của Bà Đặng Thanh Mai, lượng mưa phổ biến từ 70mm - 120mm, một số nơi có thể lên trên 200mm. Mưa từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên sau đó lan sang cả vùng Tây Nguyên.
Do bão đổ bộ vào đúng thời điểm triều cường đạt đỉnh, kết hợp sóng biển có thể cao từ 3m - 5m. Ven biển phòng triều cường và nước dân có thể cao 2m - 3m.
Đường đi của bão số 4 lúc 16h chiều nay. Nguồn: Trung tâm DBKTTV Trung ương
Điều đáng chú ý là, ngay sau khi bão đổ bộ và gây mưa ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì ở miền Bắc, từ chiều ngày 30/11, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh sẽ gây ảnh hưởng tới thời tiết. Không khí lạnh gây mưa và gió khá lớn ở cả các tỉnh miền Trung. Cụ thể, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định sẽ có mưa lớn diện rộng kéo dài từ 2 ngày - 3 ngày dẫn đến lũ dâng cao, xấp xỉ mức báo động I – báo động II.
Đặc biệt, sau ảnh hưởng của bão số 4 và đợt không khí lạnh cường độ mạnh trên, sẽ tiếp tục có một cơn bão mạnh ở phía Đông của Philippines từ khoảng ngày 6 đến 7/10.
Theo nhận định, cơn bão này có thể đạt mức siêu bão và đi vào biển Đông, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.
Chống bão xong trước 17h ngày mai
Về công tác phòng chống bão số 4, đến chiều nay (28/11), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các Hải đoàn biên phòng triển khai các biện pháp đối phó với diễn biến của bão.
Thống kê cho thấy, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn cho hơn 45.000 phương tiện/237.000 ngư dân biết về vị trí và đường đi của bão số 4 để chủ động phòng tránh.
Khoảng 55.000 cán bộ chiến sỹ với hơn 1.700 phương tiện cũng được huy động để sẵn sàng ứng cứu các tình huống xảy ra trong bão tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau.
Hiện đang có một tàu cá với 7 ngư dân của huyện Tuy Hòa (Phú Yên) đang bị nạn trên biển khi chạy vào bờ phòng tránh bão.
Cụ thể, vào lúc 12h30 ngày 28/11, tàu cá PY 96182 do ông Lê Văn Sơn làm thuyền trưởng ở Tuy Hòa (Phú Yên) hành nghề câu cá ngừ đại dương đang trên đường chạy vào bờ tránh bão đã bị vỡ hộp số. Khu vực tàu bị nạn ở 13,15 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, có gió mạnh cấp 6 – cấp 7.
Đại diện Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho hay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển điều động tàu 2009 xuất phát vịnh Vân Phong đi cứu nạn. Dự kiến khoảng đêm nay (28/11), tàu của Cảnh sát biển sẽ tiếp cận được tàu bị nạn.
Chỉ đạo tại cuộc họp khẩn phòng chống bão, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, cơn bão số 4 dù không phải là cơn bão mạnh nhưng rất nguy hiểm vì đi vào phía Nam. Bộ trưởng nói: “Tôi rất lo chúng ta có tâm lý chủ quan, cho rằng bão bé nên không dốc toàn lực, thiếu quan tâm”.
Bộ Trưởng yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa phải khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, sơ tán ngư dân, cấm biển.
Ngoài ra, đối với trên bờ, khu vực ven biển cần đề phòng mưa lớn gây ngập lụt. Rút kinh nghiệm từ trận bão năm 2012 vào Phú Yên gây mưa lớn ở thị trấn Đồng Xuân, Bộ Trưởng chỉ đạo. “Dù chúng ta chỉ dự báo mưa 100mm - 200mm nhưng thực tế, tại một số nơi mưa đến 900mm. Nước lũ dồn về nhanh gây ngập nghiêm trọng ở thị trấn Đồng Xuân. Nhân dân trong vùng ngập lụt kêu cứu nhưng chúng ta không thể làm gì được vì nước dồn về quá nhanh và lên quá to”.
Ngày mai, (29/11), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương sẽ vào Bình Định và Phú Yên trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4.
Đối với các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, Bộ trưởng yêu cầu mọi công việc phòng chống bão phải hoàn tất trước 17h ngày mai (29/11).