Đó là cảnh báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về cơn bão số 6, dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ tối ngày 10/11.
Bão số 6 gây ảnh hưởng cho 7 tỉnh
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm ngày 05/11/2019 áp thấp nhiệt đới giữa biển Đông đã mạnh lên thành bão số 6 (tên quốc tế là Nakri).
Hồi 04h sáng nay, bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Khu vực nguy hiểm Bắc Vĩ tuyến 11,5. Bão đã đổi hướng Tây, đang di chuyển về phía đất liền Việt Nam và có khả năng mạnh lên cấp 12, giật cấp 15.
Dự kiến tối ngày 10/11, bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Do ảnh hưởng của bão, khu vực quần đảo Trường Sa và giữa biển Đông có sóng cao từ 7,7 m tới 8,3 m. Vùng biển Quảng Trị đến Ninh Thuận có sóng cao từ 5,5 – 7,9m và vùng biển Quần đảo Hoàng Sa, Bắc và Nam Biển Đông có sóng cao trên 5m.
Theo TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 6 là cơn bão có đường đi dị thường, khó lường và nguy hiểm, mạnh hơn cơn bão số 5 rất nhiều.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó bão số 6 sáng 8/11.Vẫn còn 112 tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm
Theo tổng hợp nhanh số liệu đến 06h00 ngày 08/11/2019, hiện đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu/243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh.
Tuy nhiên, vẫn còn 112 tàu/2.818 lao động (giảm 44 tàu) đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm. Trong đó, có 108 tàu neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa: (Quảng Nam 11/497, Bình Định 04/21, Quảng Ngãi 97/2.300).Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, có 123.729 lồng bè nuôi trồng thủy sản/9.566 người có thể bị ảnh hưởng do bão.
Quảng Ngãi, Bình Định căng mình ứng phó
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tăng Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, sẵn sàng ứng phó với bão số 6; theo đó đã kêu gọi tàu thuyền vào trú chủ yếu ở quần đảo Trường Sa, có 13 tàu di chuyển vào Philippines.
"Dự kiến, tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày 11/11, nếu tình hình bão đổ bộ trong ngày mùng 9,10 sẽ thành lập tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, đang hết sức lo lắng trước sức mạnh của bão số 6 bởi tỉnh vừa trải qua cơn bão số 5 với nhiều thiệt hại, đến nay vẫn còn ngổn ngang.
"Chúng tôi đang rất lo lắng, triển khai quyết liệt các giải pháp, đưa tàu thoát khỏi vùng nguy hiểm. "Chúng tôi đang gặp khó khăn ở khu neo đậu nên vận động các tàu di chuyển ra phía Bắc, giữ số lượng vừa ở cảng Quy Nhơn để tránh bị tình trạng đứt neo như bão số năm" - ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng khẩn cấp di dời dân ở nơi sạt lở, xã ven biển, trước 4h ngày 10/11 phải xong việc di dời, tránh thiệt hại về người. "Điều chúng tôi lo ngại là kè Nhơn Hải đang có nguy cơ sập, có 91 hộ dân sinh sống trên bờ kè, nếu bão số 6 vào, các nhà dân này rất nguy hiểm" - ông Dũng lo ngại.
Ông Dũng cũng kiến nghị Ban chỉ đạo điều tàu cứu hộ cứu nạn vào Bình Định để hỗ trợ ứng phó bão số 6.
Quyết liệt triển khai giải pháp ứng phó
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bão số 6 đang diễn biến vô cùng phức tạp do có sự kết hợp của giải hội tụ nhiệt đới và khối không khí lạnh, cả 4 trung tâm dự báo bão đều nhận định chưa bao giờ có cơn bão có đường đi như thế nên các tỉnh tuyệt đối không được chủ quan.
"Các địa phương phải xây dựng kịch bản ứng phó sớm, chú ý kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, bảo vệ các lồng cá và hoạt động du lịch" - ông Cường nói.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, thông tin kịp thời đến người dân; tập trung khắc phục hậu quả do bão số 5 để sẵn sàng ứng phó với bão số 6.
Căn cứ tình hình thực tế ban hành lệnh cấm biển và cho học sinh nghỉ học; hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển, đặc biệt là tàu vận tải và an toàn tại các khu neo đậu; đảm bảo an toàn các khu vực nuôi trồng thủy hải sản.
Chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn (lưu ý các khách du lịch và người dân trên lồng bè chòi canh và trên các đảo); đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình hư hỏng, đang thi công và các hồ đã đầy nước.
Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu; sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn.